Cẩn trọng với triệu chứng đau khớp ở trẻ em
Vào năm học mới, trẻ em tuổi học đường sau một ngày chạy nhảy nhiều hoặc có xô ngã thường có hiện tượng đau xương khớp.
Nếu là biểu hiện thoáng qua thì không đáng lo, nhưng nếu tình trạng trẻ bị đau xương khớp tái diễn, dai dẳng gây hạn chế vận động thì cần được khám ngay.
Bệnh viện Nhi T.Ư tiếp nhận nhiều ca bệnh viêm khớp tự phát thiếu niên, thường xảy ra với trẻ đang đi học. Bệnh viêm khớp tự phát thiếu niên thuộc nhóm bệnh tự miễn, được định nghĩa là tình trạng viêm khớp mạn tính kéo dài ít nhất 6 tuần, khởi phát bệnh trước 16 tuổi. Bệnh thường khởi phát sau khi nhiễm virus hoặc nhiễm khuẩn.
Do cha mẹ không để ý nên đa số trẻ thường được đưa đến chuyên khoa khám muộn dẫn tới biến dạng khớp và nhiều biến chứng khác gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của trẻ. Khi cha mẹ thấy trẻ có triệu chứng sốt, mệt mỏi, đau nhức cơ toàn thân (các triệu chứng này không giảm khi dùng aspirine liều thông thường); nổi ban đỏ ở thân mình và các gốc chi thì cần lưu ý cho đi khám.
Trẻ em tuổi học đường thường có hiện tượng đau xương khớp.
Triệu chứng viêm khớp có thể xảy ra ngay từ đầu hay sau vài ngày, trẻ có thể bị sưng đau một vài hoặc nhiều khớp như khớp cổ tay, khớp gối, khớp háng, mắt cá chân... Ngoài các triệu chứng ở khớp ra, trẻ có thể có hạch to, viêm thanh mạc, viêm màng phổi...
Khi mắc bệnh, trẻ phải được khám và điều trị của bác sĩ chuyên khoa khớp vì có thể trẻ bị thể bệnh nặng gây nguy hiểm. Mục đích của điều trị là kiểm soát tiến triển của bệnh càng sớm càng tốt, nhằm hạn chế đến mức tối đa những thương tổn gây phá hủy và biến dạng khớp. Điều trị bao gồm các biện pháp vật lý trị liệu, dùng thuốc và có thể phải điều trị ngoại khoa.
Khi trẻ sinh hoạt, cần lựa chọn tư thế sao cho giữ được biên độ vận động lớn nhất. Khuyến khích trẻ duy trì các sinh hoạt thường ngày và học tập ở trường lớp bình thường như những đứa trẻ khác. Tuy nhiên trong những đợt tiến triển nên cho trẻ nghỉ ngơi, chế độ dinh dưỡng tốt và đặc biệt có giấc ngủ đầy đủ.