Cẩn thận với thói quen pha rượu với nước ngọt

Uống rượu pha với nước có gas, cà phê rất có hại cho sức khoẻ.

Việc pha rượu với nước có ngọt hiện rất phổ biến, nhiều người pha cho nước ngọt vào rượu nhằm làm rượu ngọt hơn, dễ uống hơn. Tuy nhiên, đây là một thói quen có thể gây ảnh hưởng đến sức khoẻ rất lớn.

Mới đây, tại TP.HCM xảy ra vụ việc hai sinh viên tử vong và nhiều người nhập viện nghi do ngộ độc rượu, theo lời khai của chủ quán nhậu, nhóm tám sinh viên đã uống rượu pha với nước ngọt. Sau đó một ngày, các triệu chứng bất thường đã xuất hiện. Hai người đã tử vong, nhiều người phải điều trị tích cực.

Các bệnh nhân bị ngộ độc đang được điều trị tại bệnh viện. Ảnh: BVCC

Các bệnh nhân bị ngộ độc đang được điều trị tại bệnh viện. Ảnh: BVCC

Cẩn thận với rượu pha nước ngọt

Theo thông tin từ Cục y tế dự phòng (Bộ y tế), pha rượu với những loại nước có gas, cà phê rất có hại cho sức khoẻ. Khi pha chung với rượu, hàm lượng các chất kích thích tăng cao do nước là dung môi làm hòa tan nhiều thành phần hoạt chất. Chất kích thích, độc chất ngấm sâu vào máu đến hệ thần kinh khiến hiện tượng ngộ độc đến sớm hơn so với thức uống thông thường.

Uống rượu pha với nước ngọt có gas hay soda chứa nhiều CO2, khiến quá trình hấp thu cồn nhanh hơn làm bạn đau đầu, chóng mặt. Ethanol có hại cho não bộ, suy giảm trí nhớ, kém linh hoạt, giảm thông minh, thậm chí mất ý thức khi uống quá nhiều.

Đường có trong rượu pha nước ngọt làm cho rượu phân tán nhanh khắp nơi trong cơ thể người uống, đặc biệt là hệ thần kinh, do đó làm cho người uống dễ say nhanh và nhiều hơn. Kết hợp rượu và nước ngọt cũng làm giãn mạch máu ở da nhưng lại gây co mạch ở các phủ tạng sâu khác dẫn đến huyết áp cao đột ngột, có thể tử vong.

Tác hại khi pha rượu với nước tăng lực còn nguy hại hơn rất nhiều. Thông thường, khi uống rượu, cơ thể sẽ dần trở nên mệt mỏi để người uống biết điểm dừng. Nhưng khi có thêm nước tăng lực chứa hàm lượng caffeine cao, người uống lại trở nên tỉnh táo và thường không đánh giá được mức say của mình.

Mức giới hạn caffeine một ngày của người trưởng thành khỏe mạnh là khoảng 400mg, và mức cồn giới hạn là 2 đơn vị, nhưng khi trộn hai thức uống này với nhau, người dùng thường vượt quá mức cho phép. Caffeine trong nước tăng lực ức chế tính gây buồn ngủ của rượu, khiến người uống vẫn tỉnh táo trong khi đáng lẽ đã say, ngất đi và ngừng uống. Điều này khiến nguy cơ ngộ độc rượu tăng cao.

Ngoài ra, hỗn hợp này còn có thể gây ra nhiều tác hại như thời gian say dài hơn, đau đầu, tiêu chảy, nôn, nhịp tim tăng, mệt mỏi, chuột rút, rối loạn giấc ngủ và phán đoán sai.

Làm gì để tránh ngộ độc rượu?

Trong 1“đơn vị rượu” thường có từ 8-14g rượu nguyên chất chứa trong dung dịch đó. Mỗi đơn vị tương đương: 1 lon bia 270-330ml 2-12 độ hoặc 1 chén rượu vang 125ml 9-18 độ hay 1 chén rượu mạnh 40ml 40 độ.

Nam giới uống quá 3 đơn vị rượu/ngày, nữ giới uống quá 2 đơn vị rượu 1 ngày được coi là lạm dụng rượu.

Để phòng ngừa ngộ độc rượu bia cần thực hiện các nguyên tắc sau:

Không uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng Methanol > 0,1%: Ngộ độc methanol xảy ra khi uống nhầm Methanol hoặc uống rượu có chứa methanol. Methanol rất độc do chúng thải trừ chậm, ô xy hóa thành Formol (Formaldehyd) và axit Formic. Chỉ cần uống 5-15ml có thể gây ngộ độc nặng, 15ml trở lên gây mù lòa, 30 ml có thể gây tử vong.

Không uống rượu nồng độ từ 30 độ trở lên vượt quá 30ml/người/ngày: triệu chứng ngộ độc rượu biểu hiện từ nhẹ đến nặng phụ thuộc vào nồng độ cồn trong máu.

Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM, khuyến cáo người dân cần thận trọng trong việc sử dụng rượu, tuyệt đối không sử dụng các loại rượu không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Khi có bất cứ triệu chứng bất thường nào xảy ra khi sử dụng rượu, người dân nên đến cơ sở y tế gần nhất để xử lý kịp thời.

Biểu hiện của ngộ độc rượu

Theo Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM, triệu chứng ngộ độc rượu biểu hiện từ nhẹ đến nặng phụ thuộc vào nồng độ cồn trong máu, cụ thể:

Nồng độ cồn từ 20 - 50 mg/dL, người dùng có biểu hiện kích thích, cảm xúc không ổn định, thích giao du với người khác, hưng cảm, nói nhiều.

Nồng độ cồn từ 50 - 100 mg/dL, người dùng có biểu hiện chậm đáp ứng, giảm khả năng phán xét, không điều khiển được các vận động đòi hỏi độ chính xác, giọng nói bất thường.

Nồng độ cồn từ 100 – 200 mg/dL, người dùng có biểu hiện nhìn đôi (nhìn một vật thành hai vật), bạo lực, mất định hướng, lẫn lộn, vô cảm.

Nồng độ cồn từ 200- 400 mg/dL, người dùng có biểu hiện hô hấp bị ức chế (thở yếu, thở chậm, ngừng thở, thở khò khè, ứ đọng đờm rãi), ho hoặc khạc yếu, giảm thân nhiệt (da lạnh), tiêu tiểu ra quần, tụt huyết áp, hôn mê.

Nếu nồng độ cồn > 400, người dùng có thể bị truỵ tim mạch, tử vong.

Nguồn: [Link nguồn]

Uống rượu pha từ cồn rửa tay, nhiều người ở TPHCM nhập viện

Ngày 8/8, thông tin từ Bệnh viện Nhân Dân Gia Định TPHCM cho biết, tại đây vừa tiếp nhận 5 trường hợp bị ngộ độc methanol do uống rượu pha từ cồn rửa tay. Các nạn nhân cấp...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo NGUYÊN VÕ ([Tên nguồn])
Uống rượu bia đúng cách Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN