Cẩn thận với kiểu đau bụng này, có thể đó là dấu hiệu của viêm loét đại tràng
Ai cũng từng trải qua vài cơn đau bụng trong đời, nhưng nếu là cơn đau do viêm loét đại tràng thì không đơn giản.
Viêm loét đại tràng là một trong những căn bệnh về đường ruột, khiến người bệnh đau bụng tái phát kéo dài, tiêu chảy, thậm chí đại tiện ra máu. Căn bệnh này xảy ra nhiều người trẻ, khiến cuộc sống và công việc của họ bị ảnh hưởng rất nhiều.
Bác sĩ Lý Huỳnh Hoành của khoa Tiêu hoá và Gan mật tại Bệnh viện Show Chwan Memorial ở Đài Loan (Trung Quốc) cho biết, nguyên nhân gây viêm loét đại tràng vẫn chưa rõ ràng. Người ta suy đoán rằng, nó có thể liên quan đến các yếu tố như hệ thống miễn dịch, hệ vi khuẩn đường ruột, môi trường, di truyền, chế độ ăn uống, tác dụng phụ của thuốc…
Triệu chứng cấp tính của viêm loét đại tràng
Bác sĩ Lý cho biết, các triệu chứng của viêm loét đại tràng cấp tính bao gồm sốt và đi ngoài ra máu với lượng lớn, có thể dẫn đến mất nước, sốc, thay đổi chức năng thận và giảm huyết sắc tố.
Khi nội soi chẩn đoán, bác sĩ sẽ nhận thấy có những triệu chứng tương tự như viêm phúc mạc. Nếu không được điều trị kịp thời, có thể phải phẫu thuật.
Hầu hết bệnh nhân có triệu chứng nhẹ như đi ngoài ra máu không đau, vì là chảy máu trực tràng nên phân sẽ sẫm màu, tuỳ theo lượng máu chảy ra.
Bác sĩ Lý nói rằng, bệnh viêm loét đại tràng rất khó chẩn đoán chỉ bằng hình ảnh nội soi. Ở các giai đoạn khác nhau của bệnh, các triệu chứng tương tự có thể xuất hiện ở nhiều loại bệnh nên cần loại trừ một số tình trạng đặc biệt thông qua các xét nghiệm bệnh lý.
Xét nghiệm máu cũng có thể giúp chẩn đoán viêm loét đại tràng, nhưng không có chỉ số nào có thể xác nhận chính xác 100%.
Các bác sĩ sẽ dựa trên nhiều manh mối khác nhau cùng với tiền sử bệnh của bệnh nhân để xác định xem đó có phải là viêm loét đại tràng hay không.
Các phương pháp điều trị viêm loét đại tràng là gì?
Bác sĩ Lý chia sẻ, phương pháp điều trị viêm loét đại tràng sẽ khác nhau tùy theo triệu chứng của người bệnh. Bệnh nhân bị cơn đau cấp tính cần sử dụng thuốc chống viêm, steroid đơn vị cao, thậm chí phải nhập viện để tiêm steroid và điều hòa miễn dịch.
Một số bệnh nhân thậm chí còn bị viêm phúc mạc và có thể phải phẫu thuật để cắt bỏ phần ruột già bị viêm nặng.
Tuy nhiên, triệu chứng của đa số bệnh nhân sẽ không quá nặng, bác sĩ sẽ đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh viêm loét đại tràng dựa trên phương pháp chấm điểm nội soi, sau đó căn cứ vào biểu hiện lâm sàng để kê toa.
Các bác sĩ sẽ sử dụng nhiều loại thuốc khác nhau tùy theo mức độ nghiêm trọng của bệnh, nhưng nếu xảy ra các biến chứng như thủng ruột, hẹp ruột, phình đại tràng,… cần phải điều trị bằng phẫu thuật.
Đừng đánh giá thấp bệnh viêm loét đại tràng
Bác sĩ Lý chỉ ra rằng, khi tình trạng ổn định, chế độ ăn uống của bệnh nhân viêm loét đại tràng cũng giống như người bình thường và không cần kiêng bất kỳ loại thực phẩm đặc biệt nào.
Người bệnh nên có một chế độ ăn uống cân bằng và bổ sung đầy đủ dinh dưỡng. Tuy nhiên, khi bệnh nhân bị viêm cấp tính cần nhập viện cần phải điều chỉnh chế độ ăn uống. Trong quá trình nằm viện, bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng bệnh nhân và đưa ra chế độ ăn phù hợp.
Người bệnh cần duy trì một lịch trình sinh hoạt bình thường, tránh thức khuya. Một cuộc sống lành mạnh sẽ giúp tránh được nhiều bệnh tật. Điều quan trọng nhất là người bệnh phải uống thuốc đều đặn, tích cực hợp tác với bác sĩ và quay lại tái khám định kỳ.
Bác sĩ Lý chia sẻ rằng, một số bệnh nhân có xu hướng đánh giá thấp tình trạng của mình: “Tôi không có triệu chứng gì bất thường, tại sao vẫn phải uống thuốc”. Trên thực tế, nếu quên uống thuốc đúng giờ, sau một thời gian triệu chứng biến mất nhưng bệnh sẽ tái phát trở lại và trầm trọng hơn. Vì vậy, cách tốt nhất là kiểm soát tình hình bệnh tật của mình và tuân thủ các yêu cầu của bác sĩ.
Điều quan trọng nhất trong việc phát hiện ra bệnh là bản thân phải biết được các dấu hiệu cảnh báo mà cơ thể đang phát ra.
Nguồn: [Link nguồn]