Cần làm gì khi nghi ngờ bị sốt xuất huyết?
Khi phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh sốt xuất huyết, bệnh nhân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị phù hợp.
Bộ Y tế nhận định, nguy cơ sốt xuất huyết vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp, nguy cơ lây lan trong cộng đồng và gây bệnh là rất lớn. Các chuyên gia cũng nhận định, với diễn biến thời tiết phức tạp, mưa nhiều, đồng thời với chu kỳ 4-5 năm lại xuất hiện đợt dịch cao điểm về sốt xuất huyết (kể từ đợt dịch sốt xuất huyết năm 2017), thì nguy cơ các ca mắc sốt xuất huyết có khả năng gia tăng nhanh trong thời gian tới.
Hình ảnh sốt xuất huyết. (Ảnh minh họa).
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, đến nay, thành phố ghi nhận 16.057 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 117,3% với cùng kỳ năm 2021 (7.388 ca), trong đó có 274 ca nặng. Tỷ lệ ca nặng trên tổng số ca mắc sốt xuất huyết là 1,7% (274/16.057) tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2021 là 0,4%.
Từ đầu năm đến nay, TPHCM đã ghi nhận 9 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết.
Hiện tại, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương bắt đầu tiếp nhận bệnh nhân gia tăng, có bệnh nhân nặng, nguy cơ biến chứng.
BSCK II Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM, sốt xuất huyết có biểu hiện như chấm xuất huyết dưới da, nôn ra máu, tiểu ra máu… Chỉ định nhập viện với trường hợp sốc, có dấu hiệu cảnh báo, tiểu cầu giảm nhanh <100k/microL, trẻ thừa cân béo phì, phụ nữ có thai, bệnh lý nền,…
Đối với trường hợp điều trị ngoại trú, đối với trẻ sốt trên 38,5 độ C dùng paracetamol 10-15mg/kg/lần, sử dụng 3-4 lần/ngày, lau mát bằng nước ấm khi sốt cao. Bên cạnh đó, tránh thức ăn màu đỏ, đen nâu (để tránh nhầm lẫn với xuất huyết). Bác sĩ hướng dẫn chăm sóc trẻ tại nhà, dặn dò tái khám khi trẻ có triệu chứng.
Khi phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh sốt xuất huyết, bệnh nhân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị phù hợp.
Theo bác sĩ, trong 3-4 ngày đầu, nếu có chỉ định theo dõi tại nhà, người bệnh cần tuân thủ chặt chẽ những lời khuyên sau:
- Nằm nghỉ ngơi;
- Ăn thức ăn dễ tiêu hóa như cháo, súp, sữa; uống nhiều nước, có thể cho bệnh nhân uống dung dịch Oresol, nước trái cây càng tốt; duy trì 1500-2500ml nước / ngày.
- Uống thuốc hạ sốt, lưu ý chỉ được hạ sốt bằng paracetamol chứ không được dùng Ibuprofen hoặc Aspirin vì có nguy cơ gây chảy máu đồng thời chườm mát cho người bệnh.
- Theo dõi liên tục, nếu thấy bệnh nhân có diễn biến nghiêm trọng hơn như li bì, bứt rứt, vật vã, chân tay lạnh, đau bụng, nôn nhiều thì cần phải đưa ngay đến cơ sở y tế.
- Nếu không có diễn biến bất thường cũng cần đến khám lại theo hẹn của bác sỹ.
Bạn hãy chú ý 6 triệu chứng sốt xuất huyết trở nặng để có biện pháp xử lý đúng và càng sớm càng tốt.
Nguồn: [Link nguồn]