Cần làm gì khi bị viêm họng, viêm thanh quản khi trời lạnh?
Đối tượng hay mắc là trẻ nhỏ, người già và những người phải nói nhiều, làm việc lâu ngoài trời.
PGS.TS Phạm Thị Bích Đào, Khoa Tai mũi họng, BV Đại học Y Hà Nội cho biết, vào mùa lạnh, đặc biệt là những đợt rét đậm đột ngột, bệnh viêm họng, viêm thanh quản rất dễ xuất hiện. Đối tượng hay mắc là trẻ nhỏ, người già và những người phải nói nhiều, làm việc lâu ngoài trời.
Theo PGS.TS Phạm Thị Bích Đào, nguyên nhân do:
- Yếu tố thời tiết, môi trường.
(Ảnh minh họa).
Do đặc thù của bệnh hô hấp nên tình trạng viêm họng, viêm thanh quản dễ gặp bởi sự thay đổi nhiệt độ, sự chênh lệch nhiệt độ của mùa hè hoặc mùa đông lạnh giá đối với cơ thể. Khi bước vào mùa đông nhiệt độ xuống thấp, khô hanh, hệ hô hấp rất dễ bị tổn thương. Đường hô hấp bị khô, dễ bị các vi sinh vật bên ngoài môi trường tác động vào gây bệnh trong họng và thanh quản.
- Yếu tố nhiễm virus
Hầu họng là cửa ngõ của đường ăn và đường thở, nên rất dễ bị nhiễm khuẩn. Các dịch của viêm đường hô hấp cấp có thể bùng phát trong mùa đông, trong đó virus chiếm 60 - 80% các nguyên nhân gây bệnh, nhất là các virus cúm A và B.
- Yếu tố do vi khuẩn, vi sinh vật
Các vi sinh vật thường trú trong cơ thể khi thời tiết thay đổi, gặp điều kiện lạnh niêm mạc đường hô hấp khô lại, sẽ góp phần làm cho vi sinh vật sinh sôi, phát triển.
Vì vậy, ai cũng cũng có thể mắc các bệnh về hô hấp trong mùa lạnh. Tuy nhiên, trẻ nhỏ và người có tuổi là 2 nhóm đối tượng dễ mắc bệnh nhất, bởi có sức đề kháng kém.
- Yếu tố do nấm
Nguyên nhân viêm họng, viêm thanh quản do nấm cũng rất hay gặp bởi bụi khói công nghiệp hóa, đô thị hóa nông thôn. Khi trời lạnh mọi người thường ở trong nhà đóng kín hết cửa nên rất dễ nhiễm nấm. Nguyên nhân do niêm mạc vùng họng miệng, thanh quản thường có nấm Candida sống hoại sinh. Khi sức đề kháng của cơ thể giảm sút, nấm sẽ gây bệnh. Bệnh nấm họng - thanh quản cũng có thể xuất hiện do hít phải các bào tử nấm trong không khí hoặc ăn phải thực phẩm nhiễm nấm.
- Yếu tố do hội chứng trào ngược
Bệnh trào ngược dạ dày - thực quản rất phổ biến và ngày càng có xu hướng gia tăng. Người ta cho rằng, những thay đổi lối sống, chế độ ăn, tăng cân... là các yếu tố nguy cơ gây bệnh. Khi trời lạnh sẽ ngại vận động, ăn quá no, ăn nhiều thực phẩm khó tiêu, trong đó phải kể đến là nước có gas, đồ ăn nhanh, trứng, sữa... đi ngủ ngay sau khi ăn ở người thừa cân béo phì sẽ gây tăng áp lực lên vùng bụng, khiến trào ngược dạ dày - thực quản. Khi đó axit trào ngược dâng cao lên vòm họng, sẽ làm tổn thương niêm mạc họng và dây thanh quản. Nếu bệnh trào ngược kéo dài, sẽ gây viêm họng mạn tính với những cơn đau buốt vùng họng và khàn tiếng.
Ngoài ra, một số yếu tố thuận lợi gây viêm họng có thể là do tiếp xúc với các yếu tố vật lý hóa học độc hại, làm việc trong môi trường bụi bẩn... Hoặc do một số thói quen chưa hợp lý trong sinh hoạt như việc sử dụng đồ uống với nhiệt độ quá thấp so với niêm mạc họng (28 - 30 độ), sử dụng giọng (hát, hò hét, nói to…) vượt quá mức cho phép của thanh quản, dẫn tới đau họng, mất tiếng.
Biểu hiện khi bị viêm họng, viêm thanh quản
Bệnh có thể xuất hiện đột ngột ngay sau khi ăn thực phẩm lạnh, nhiễm lạnh hoặc sau một đợt viêm mũi họng có chảy dịch mũi sau xuống cổ.
Viêm thanh quản gây khàn tiếng có thể kèm ho, đau họng, khó thở thanh quản (khó thở thì thở vào, khó thở chậm và có tiếng rít thì thở vào), khi nói sẽ đau tức vùng giữa cổ và nói chóng mệt.
Viêm họng do virus, người bệnh sẽ có cảm giác ớn lạnh, gai rét kèm theo đau mỏi người. Hội chứng nhiễm khuẩn sẽ gây sốt, môi khô, lưỡi bẩn, cảm giác khô họng, rát họng, đau họng, nuốt đau nhói lên tai, ho khan trong giai đoạn đầu, sau đó ho có đờm (viêm họng do vi khuẩn).
Cần làm gì khi bị viêm họng, viêm thanh quản?
Tùy từng trường hợp các bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc phù hợp, có thể người bệnh phải dùng kháng sinh, kháng viêm đường uống, hạ sốt, giảm đau, giảm phù nề, chống dị ứng... Nhưng cần thực hiện nghiêm túc và có sự theo dõi của thầy thuốc chuyên khoa.
Tại nhà người bệnh cần giữ ấm, chườm nóng vùng cổ là rất cần thiết, uống nước giá đỗ luộc nóng, uống trà gừng, ngậm kha tử, chanh đào ngâm mật ong... để hỗ trợ điều trị. Hạn chế nói trong 3 - 5 ngày. Súc họng bằng nước muối ấm pha loãng hoặc nước có thành phần là chất kiềm nhẹ NaHCO3, muối sinh lý...
Cần giữ ấm khi ra ngoài, nhất là vùng cổ, mang bảo hộ lao động đúng quy định khi làm việc trong môi trường ô nhiễm bụi bẩn hoặc hóa chất.
Một đặc điểm cần lưu ý, khi trẻ bị viêm họng, viêm thanh quản rất có thể xảy ra biến chứng, nên khi có biểu hiện nghi ngờ cần đưa trẻ tới cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn cụ thể. Có trường hợp viêm thanh quản đi kèm với phù nề ở vùng hạ thanh môn, gây khó thở dữ dội, có khả năng phải mở khí quản thì cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa tai mũi họng để được tư vấn và điều trị kịp thời.
Bệnh bạch hầu lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng.
Nguồn: [Link nguồn]