Cần hơn 50 nghìn đơn vị máu để cứu hàng nghìn người trong dịp Tết

Sự kiện: Sống khỏe

TS Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương lo ngại tình trạng khan hiếm máu trong dịp Tết Nguyên đán.

Tại buổi họp báo chương trình hiến máu Chủ nhật đỏ diễn ra tại Hà Nội chiều 7/1, TS Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương (Hà Nội) cho biết, hiện Viện cung cấp máu và các chế phẩm từ máu cho 180 bệnh viện tại 28 tỉnh, thành khu vực phía Bắc.

Trong dịp Tết cần ít nhất 50.000-55.000 đơn vị máu (đơn vị hồng cầu), trong đó trong tháng 1 phải chuẩn bị 36.000-41.000 đơn vị máu. Trong tháng 2, nghỉ Tết rơi vào 2 tuần giữa tháng, đây là khoảng thời gian tỷ lệ người hiến máu thấp. Điều may mắn là nhu cầu máu của tháng 2 giảm đi nhiều. Viện dự trù cần khoảng 16.000-18.000 đơn vị máu.

TS Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương (Hà Nội).

TS Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương (Hà Nội).

Chia sẻ về những khó khăn trong thời điểm cần phải có những sự kiện như Chủ nhật Đỏ, TS Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cho biết: “Áp lực tiếp nhận và cung cấp máu vào trước, trong và sau Tết luôn là nỗi lo thường trực cho các cơ sở truyền máu; nhất là đối với các chế phẩm có thời hạn bảo quản ngắn như khối tiểu cầu chỉ có thể lưu trữ 3 – 5 ngày. Từ thành công của Chủ nhật Đỏ những năm vừa qua, chúng tôi kêu gọi các cơ quan, đơn vị và cộng đồng không chỉ tích cực hiến máu vào thời điểm này mà nếu đủ điều kiện, hãy hiến tiểu cầu để đảm bảo máu và chế phẩm máu cho người bệnh”.

Theo TS Khánh, trong năm nay hoạt động hiến máu Chủ nhật đỏ không chỉ tập trung vào trước Tết mà kéo dài cho đến tháng 3, tiếp sau đó sẽ đến Lễ hội Xuân hồng. Với những lịch hiến máu này thì sẽ giải quyết cơ bản thực trạng thiếu máu. 

Thấu hiểu về ý nghĩa của những giọt máu hồng cho người bệnh sau suốt 2 năm điều trị bệnh ung thư máu, anh Nguyễn Trọng Hùng (36 tuổi, Nghệ An) cho biết có những đợt hóa chất liên tục, anh và nhiều bệnh nhân phải cần đến hàng chục đơn vị máu và tiểu cầu.

Anh Hùng chia sẻ: “Mỗi giọt máu với chúng tôi là giọt sự sống. Nhiều người bệnh sống chủ yếu nhờ vào nguồn máu hiến của cộng đồng, những người đứng trước cánh cửa sinh tử sẽ không thể sống được nếu thiếu máu. Sự sống của tôi và hàng ngàn người bệnh khác phụ thuộc rất lớn vào tấm lòng của những người cho đi, âm thầm nhiều năm hiến tặng máu, hiến tặng tiểu cầu. Tôi mong và hi vọng Chủ nhật Đỏ sẽ giúp đem lại những giọt sự sống ý nghĩa của cộng đồng dành cho người bệnh chúng tôi”.

Tổng biên tập Báo Tiền phong phát biểu tại họp báo.

Tổng biên tập Báo Tiền phong phát biểu tại họp báo.

Với thông điệp “Hiến máu cứu người – Sinh mệnh của Bạn và Tôi”, sau 12 lần tổ chức (2009 – 2020), Chủ nhật Đỏ đã trở thành sự kiện có ý nghĩa nhân văn sâu sắc trên quy mô toàn quốc, nhằm khắc phục tình trạng khan hiếm máu dịp Tết Nguyên đán. Sự kiện đã kêu gọi và nhận được sự quan tâm nhiều cơ quan, đơn vị và đông đảo người dân thuộc nhiều độ tuổi, vùng miền, dân tộc, ngành nghề cùng tham gia hiến máu vì sự sống của người bệnh cần truyền máu. Xuất phát từ một điểm hiến máu tại Hà Nội vào năm 2009 chỉ với 96 đơn vị máu tiếp nhận được; đến nay, mỗi năm Chủ nhật Đỏ đã thu hút trên 40 tỉnh/thành phố tham gia tổ chức và tiếp nhận được trung bình 45.000 – 50.000 đơn vị máu.

“Chủ nhật đỏ” do Báo Tiền Phong chủ trì, phối hợp với Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, Ban Chỉ đạo Vận động hiến máu tình nguyện và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh các tỉnh/thành phố tổ chức từ tháng 12/2020 đến tháng 3/2021. Tại Hà Nội, chương trình sẽ chính thức khai mạc vào 17/1 tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Nguồn: [Link nguồn]

Bác sĩ Bệnh viện K cảnh báo dấu hiệu nhận biết sớm căn bệnh ung thư máu

TS. BS Đỗ Huyền Nga có thể căn cứ vào một vài dấu hiệu dưới đây có thể là một cách để nhận biết sớm được bệnh...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Sống khỏe Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN