Cận cảnh bác sĩ Bệnh viện K mổ ung thư trực tràng bằng robot thông minh
Các bác sĩ Trung tâm Phẫu thuật Nội Soi Robot, Bệnh viện K vừa thực hiện ca phẫu thuật ung thư đại tràng bằng robot thông minh.
Theo TS. Phạm Văn Bình, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật Nội soi Robot, Bệnh viện K, mặc dù trước đây có 3 máy robot đã đưa vào ứng dụng nhưng đây là máy robot thế hệ Davinci Xi đầu tiên được triển khai tại Việt Nam và cũng là tinh hoa đỉnh cao trong phẫu thuật ung thư.
Theo chuyên gia, phẫu thuật robot được xem là cuộc cách mạng thứ hai sau kỷ nguyên phẫu thuật nội soi với nhiều ưu điểm vượt trội về phẫu thuật xâm nhập tối thiểu trong điều trị ung thư.
Bệnh nhân tham gia phẫu thuật bằng robot thông minh là bà Trương Thị M., 58 tuổi ở Hưng Yên. Bà M. được chẩn đoán ung thư đại tràng.
Bà M. là bệnh nhân thứ 32 may mắn được lựa chọn để phẫu thuật bằng kỹ thuật robot thông minh.
“Tôi hoàn toàn yên tâm và tin tưởng các bác sĩ phẫu thuật cho tôi”, bà M. nói trước khi chìm vào giấc ngủ (do thuốc gây mê – PV).
Trong êkip mổ cho bà M., ngoài TS. Phạm Văn Bình còn có bác sĩ gây mê Nguyễn Ngọc Quỳnh, các kỹ thuật viên dụng cụ hỗ trợ.
Trước khi các bác sĩ vào cuộc mổ, kỹ thuật viên đã khởi động robot, điều chỉnh các thông số. TS. Phạm Văn Bình bắt đầu kiểm tra một lượt tất cả dụng cụ mổ. Tất cả đã được chuẩn bị rất chu đáo, đầy đủ.
Các bác sĩ khác sẽ thăm dò toàn bộ ổ bụng của bệnh nhân để tìm ra vị trí chính xác nhất, từ đó bác sĩ Bình sẽ đưa cánh tay rô bốt vào vị trí tương ứng. Người điều khiển cánh tay robot là TS. Phạm Văn Bình.
Cánh tay robot chứa chip điện từ thông minh, gồm kính hiển vi, camera điều khiển bởi giọng nói, tay chân phẫu thuật viên. Cánh tay này sẽ đi theo bất cứ nơi mà nó đã nhận diện trước đó.
Sau thao tác nhận điện dụng cụ mổ và định vị khu vực mổ, robot lúc này đã nắm được chắc chắn vị trí khối u, đường mổ thuận lợi nhất theo kế hoạch đã được vạch sẵn.
TS. Bình ngồi vào bàn để điều khiển robot. Cả đôi mắt, đôi tay và chân BS Bình đều phải điều khiển linh hoạt, chính xác. “Sai một li là đi một dặm”, TS.Bình vừa di chuyển bàn tay vừa nói.
Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật Nội soi Robot điều khiển khéo léo để gắp, cắt khối u và cầm máu bằng những cánh tay robot. Một phần nhỏ của khối u được cắt ra ngoài. Khối u này sẽ được đem đi sinh thiết để xác định giai đoạn bệnh.
Ca mổ diễn ra gần 2h.
Sau khi kết thúc ca phẫu thuật, các bác sĩ sẽ bàn giao bà M. cho nhân viên phòng hồi sức. Tại đây, bệnh nhân được điều dưỡng chăm sóc toàn diện.
Chia sẻ với PV sau ca mổ, TS. Phạm Văn Bình cho biết, để thực hiện được kỹ thuật này cần có nhân lực tốt, phẫu thuật viên, kỹ thuật nội soi tốt. Các kỹ thuật viên phải được các trung tâm phẫu thuật nội soi trên thế giới công nhận và cấp bằng phẫu thuật robot.
Không những thế, các kỹ thuật viên chuẩn bị dụng cụ cũng phải được đào tạo bài bản. Họ vượt qua các kỳ thi để được cấp chứng chỉ trong đó có chuyên sâu về phẫu thuật nội soi robot. Các bác sĩ phải lựa chọn bệnh nhân phù hợp với giai đoạn bệnh để được phẫu thuật nội soi robot.
Clip bác sĩ Bệnh viện K mổ ung thư trực tràng bằng robot thông minh
Theo BS Bình, về lý thuyết, phẫu thuật nội soi làm được gì thì phẫu thuật robot làm được như thế nhưng ở một mức cao hơn. Khi bệnh nhân ung thư được chẩn đoán chính xác giai đoạn phù hợp để phẫu thuật. Robot có thể lấy được tổn thương tối đa tốt nhất, hạn chế mất máu nhất có thể. Tuy nhiên, vẫn đảm bảo trên nguyên tắc nền về ngoại khoa ung thư. Theo BS Bình, khi thực hiện ca đầu tiên, các bác sĩ đã thành công ngay. Đến nay, bác sĩ Bình đã thực hiện được 32 ca bằng robot thông minh. Kết quả sau mổ được đánh giá rất tốt. Bệnh nhân không có biến chứng. Bệnh nhân ra viện sau 5-7 ngày với sức khỏe ổn định. Kể lại ca đầu tiên khi thực hiện, BS Bình cho biết, đây là kỹ thuật cao được áp dụng tại bệnh viện. Mặc dù, bệnh viện đã chuẩn bị tốt bệnh nhân, chuẩn bị tốt về kiến thức nhưng ca đầu tiên các bác sĩ vẫn rất thận trọng, đảm bảo an toàn trên nguyên tắc về bệnh ung thư học và không ảnh hưởng gì đến bệnh nhân. Trước câu hỏi, trường hợp nào được chỉ định phẫu thuật, BS Bình cho biết, tất cả đều tuân theo nguyên tắc của phẫu thuật nội soi như giai đoạn bệnh, kích thước khối u, có kèm theo bệnh lý tim mạch, huyết áp hay không, có tiền sử dính vết mổ cũ hay không. Khi nào các kỹ năng hoàn thiện, gây mê hồi sức tốt hơn, dụng cụ của các thế hệ robot thông minh hơn thì giới hạn đối tượng bệnh nhân sẽ thu hẹp lại, đối tượng được phẫu thuật sẽ mở rộng nếu chúng ta có kỹ năng mổ tốt. Ưu điểm của kỹ thuật đỉnh cao này là phục hồi nhanh sau mổ, giảm sang chấn tối thiểu, hạn chế chảy máu ít nhất, chất lượng cuộc sống tốt nhất. Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất là chi phí cao. Bởi phẫu thuật bằng robot vẫn là kỹ thuật cao nhất của kỹ thuật xâm nhập tối thiểu. BS Bình hi vọng theo thời gian robot được cải tiến hơn, hệ thống bảo hiểm y tế sẽ chia sẻ với bệnh nhân ung thư để họ có cơ hội được thụ hưởng các kỹ thuật cao nhất mà Đảng và Nhà nước, Bộ Y tế đã dành cho bệnh nhân ung thư. Khi được hỏi cảm xúc sau sau ca mổ, BS Bình chia sẻ: “Nghề y là nghề đặc biệt trong đó bệnh nhân ung thư lại càng đặc biệt hơn. Mỗi khi điều trị cho một bệnh nhân ung thư là một cảm xúc đặc biệt cho nhân viên y tế. Niềm vui này thật khó diễn tả. Có thời khắc người thầy thuốc còn vui hơn người nhà bệnh nhân khi chúng tôi cứu chữa cho người bệnh ung thư thành công. Chúng tôi vui và cảm thấy hạnh phúc với nghề. Mỗi ca mổ thành công là động lực cho các thầy thuốc hoàn thiện hơn nữa và tiếp tục tìm phương pháp tối ưu hơn để cứu chữa người bệnh ung thư”. |
Các loại ung thư đa phần bắt nguồn từ sự biến đổi gen, có thể tích tụ qua quá trình trưởng thành, phơi nhiễm độc...
Nguồn: [Link nguồn]