Bệnh nhân mang căn bệnh nguy hiểm được chi trả bảo hiểm y tế hàng tỷ đồng
Anh Lại Huy Quốc quê Thái Bình từ bé thường xuyên bị chảy máu lâu cầm và nhiều lần ngất lịm, hơi thở còn thoi thóp do mắc bệnh máu khó đông.
Nếu như trước đây, những người mắc bệnh hemophilia (máu khó đông) ít có cơ hội điều trị do chi phí quá cao thì nay nhờ BHYT chi trả, nhiều bệnh nhân đã tìm lại được sự sống.
Theo thống kê của Trung tâm Giám định Bảo hiểm Y tế (BHYT) và Thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc (BHXH Việt Nam), từ năm 2017 đến hết tháng 5/2019, bệnh nhân Phan Hữu N. (35 tuổi, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) đã được quỹ BHYT chi trả số tiền điều trị bệnh lên tới gần 13 tỷ đồng. Số tiền này là điều trị căn bệnh hemophilia.
Một bênh nhân khác là trường hợp của Lại Huy Quốc, quê Thái Bình anh mắc bênh máu khó đông cũng được BHYT chi trả lên tới hàng tỷ đồng.
Anh Lại Huy Quốc và TS Nguyễn Thị Mai, Giám đốc Trung tâm Hemophilia, người đã điều trị cho anh trong hơn 15 năm qua. Ảnh: Tiến Dũng.
Từ bé anh Quốc thường xuyên bị chảy máu lâu cầm. Đã có lần anh lịm dần, hơi thở chỉ còn thoi thóp mà không biết mình mắc bệnh gì.
Năm 2001, Lại Huy Quốc lên Viện Huyết học, Truyền máu Trung ương khám và được chẩn đoán mắc bệnh máu khó đông (hemophilia).
May mắn anh được Viện Huyết học, Truyền máu Trung ương điều trị, sức khỏe anh dần hồi phục. Đặc biệt, Quốc được cung cấp các thông tin về bệnh, cách chăm sóc, sống chung với bệnh.
Sau khi sức khỏe ổn định, Quốc xin được việc và bắt đầu đi làm. Anh tranh thủ sắp xếp thời gian vừa điều trị, vừa đi làm.
Hiện tại, anh đã lấy vợ và có 2 con khỏe mạnh, công việc ổn định ở nhiều công ty lớn và giữ những vị trí quan trọng.
Quốc không phải là trường hợp hiếm, hiện có nhiều trường hợp mắc bệnh hemophilia trên cả nước đang được điều trị.
Tuy nhiên, có thực tế là nếu như trước đây, những người mắc bệnh hemophilia (máu khó đông) ít có cơ hội điều trị do chi phí quá cao thì nay nhờ BHYT chi trả, nhiều bệnh nhân đã tìm lại được sự sống.
Bác sỹ Nguyễn Thị Mai, Giám đốc Trung tâm Hemophilia, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, hemophilia là một trong những căn bệnh có chi phí chữa tốn nhất hiện nay. Mỗi lần điều trị, để ngăn bệnh nhân tiếp tục chảy máu, chi phí lên tới hàng trăm, thậm chí hàng tỷ đồng.
"Với bệnh nhân nặng khoảng 50 kg, mỗi ngày ít nhất khoảng 10 triệu tiền thuốc. Mỗi đợt có thể 2- 3 ngày, nhưng cũng có khi lên tới cả tuần. Có lần bệnh nhân để lâu quá mới đến Viện, điều trị lên tới 1- 2 tỷ. Mỗi năm, họ phải điều trị nhiều lần chứ không phải chỉ có một lần. Trung bình mỗi năm, bệnh nhân bị chảy máu đến 40 lần, nếu điều trị tất cả, số tiền sẽ rất lớn. Trước đây, người bệnh hemophilia không dám tới viện điều trị, dẫn tới biến chứng nặng, tỷ lệ tàn tật nhiều, thậm chí tử vong. Đặc biệt, bệnh có tính di truyền, một nhà có tới 2-3 người cùng mắc”, BS Mai phân tích.
GS.TS Nguyễn Anh Trí, lúc này là Viện trưởng Viện Huyết học, Truyền máu Trung ương đã nhiều lần kiến nghị với các cơ quan để vận động cho bệnh nhân hemophilia được hưởng bảo hiểm cũng như có các chính sách y tế phù hợp hơn.
Nhờ đó, tháng 10/2005, Bảo hiểm xã hội đồng ý chi trả các chi phí chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân hemophilia, trừ yếu tố cô đặc. Đây là quyết định lịch sử đối với cộng đồng hemophilia tại Việt Nam.
Tuy nhiên, hiện bác sỹ Mai cũng băn khoăn khi bệnh nhân hemophilia hiện quá khó khăn khi phải phụ thuộc vào bệnh viện. Mỗi năm, trung bình người bệnh chảy máu 40 lần, nhưng chỉ điều trị được 12 lần dẫn tới nhiều hệ lụy.
“Chúng tôi đang tiếp tục vận động để người bệnh có thể điều trị chảy máu sớm tại nhà, tức điều trị dự phòng từ khi chưa bị chảy máu”, bác sỹ Mai cho hay.
Bộ Y tế ban hành công văn số 1044/BYT-KH-TC hướng dẫn bổ sung việc thực hiện thống nhất giá dịch vụ khám, chữa bệnh...