Căn bệnh lupus ban đỏ khiến Selena Gomez "đau đớn khắp cơ thể" nguy hiểm thế nào?
Nữ ca sĩ nổi tiếng Selena Gomez vừa nói trong nước mắt về căn bệnh lupus ban đỏ mà cô mắc phải: "Vào buổi sáng khi vừa thức dậy, ngay lập tức tôi bắt đầu khóc vì quá đau đớn khắp cơ thể"...
Được biết, cô nàng xinh đẹp và tài năng từng nhiều lần khổ sở khi phải điều trị hàng loạt bệnh nặng trong những năm gần đây, trong có việc ghép thận, bệnh lupus ban đỏ hệ thống, trầm cảm...
Bệnh lupus ban đỏ ảnh hưởng đa cơ quan
Lupus ban đỏ hệ thống được biết đến là một bệnh tự miễn mạn tính, không rõ nguyên nhân. Bệnh không chỉ ảnh hưởng tới da, mà còn gây ảnh hưởng đến những cơ quan khác trong cơ thể như là thận, tim, phổi, gan…, và trong trường hợp nặng, có thể đe dọa tính mạng người bệnh.
Bệnh hay gặp ở nữ nhiều hơn nam, độ tuổi trung bình 20-50 tuổi. Trung bình, cứ 10 bệnh nhân mắc bệnh thì có 9 người là nữ. Bệnh thường được gặp ở lứa tuổi cho con bú. Có khoảng 50% bệnh nhân mắc lupus nặng lên trong thời kỳ thai nghén, nguy cơ sảy thai lên đến 75%, tiền sản giật là 13%.
Bệnh nhân lupus ban đỏ hệ thống khi mang thai sẽ làm tăng gánh nặng cho thận. Các trẻ sơ sinh của bà mẹ mắc lupus ban đỏ có thể mắc lupus sơ sinh. Ngoài ra còn các hậu quả khác như đẻ non, con chậm phát triển trí tuệ,...
Triệu chứng ban đỏ cánh bướm ở mặt ở bệnh nhân lupus ban đỏ hệ thống. Ảnh minh họa.
Theo ThS. BS Nguyễn Doãn Tuấn, BV Da liễu Trung ương, khi mắc lupus ban đỏ hệ thống, chính cơ thể người bệnh sản sinh ra các chất chống lại bản thân họ. Nguyên nhân gây bệnh lupus ban đỏ hệ thống rất phức tạp, có một số yếu tố được nhắc đến nhiều như: bệnh nhân có các rối loạn miễn dịch, mất cân bằng trong hệ thống miễn dịch dẫn đến hiện tượng tự mình sinh ra kháng thể chống lại mình.
Ngoài ra một số yếu tố khác được nhắc đến như yếu tố gen, trong đó người mắc lupus ban đỏ hệ thống thường mang một số gen đặc trưng; hoặc do việc sử dụng một số loại thuốc…
Triệu chứng của lupus ban đỏ
Cũng theo BS. Tuấn, bệnh lupus ban đỏ hệ thống đúng như tên gọi của nó là có tác động gần như toàn thân, đa cơ quan, trong đó hay gặp nhất là các tổn thương ở da (như ban đỏ, rụng tóc, loét miệng, viêm cơ…), đặc biệt là các tổn thương cơ quan nội tạng như: thận, tim, phổi, rối loạn tâm thần…
Các biển hiện ngoài da của bệnh ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý của bệnh nhân, khiến họ tự tị, ngại giao tiếp; còn tổn thương nội tạng có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng bệnh nhân.
Giới chuyên gia cho rằng, triệu chứng toàn thân của lupus ban đỏ hệ thống thường không đặc hiệu. Đôi khi bệnh nhân chỉ sốt nhẹ, mệt mỏi, chán ăn. Triệu chứng thực thể của bệnh rất khác nhau tùy từng người bệnh. Có những bệnh nhân có triệu chứng đầu tiên là sưng đau khớp. Có những người lại có triệu chứng đầu tiên là ban đỏ ở mặt...
Ban đỏ cánh bướm ở mặt cũng là một trong những triệu chứng điển hình của lupus ban đỏ hệ thống. Có những người không có biểu hiện bên ngoài nhưng có biểu hiện bên trong, khi xét nghiệm thì phát hiện ra như tổn thương nội tạng, tổn thương ở hệ thần kinh,...
Trong giai đoạn đầu của bệnh, các triệu chứng thường mơ hồ và giống với nhiều bệnh lý khác cho nên có những người bệnh từ lúc có những triệu chứng đầu tiên cho đến khi bệnh được chẩn đoán xác định có thể mất tới vài năm.
Có thể kiểm soát ổn định bệnh lupus ban đỏ
Tuy là bệnh nguy hiểm nhưng theo bác sĩ Tuấn, nếu bệnh lupus ban đỏ hệ thống được phát hiện kịp thời cũng như duy trì điều trị thường xuyên thì có thể kiểm soát được bệnh, hạn chế tối đa các tổn thương ở nội tạng. Việc điều trị các tổn thương ngoài da ổn định giúp bệnh nhân có thể sống cuộc sống như mọi người, bệnh ổn định lâu dài.
Mục tiêu của điều trị lupus ban đỏ hệ thống chủ yếu là kiểm soát các triệu chứng bệnh trong đợt cấp, dự phòng các tổn thương nội tạng và dự phòng các đợt bệnh tái phát...
Từ lúc phát hiện ung thư amidan giai đoạn cuối tới khi khối u biến mất hơn 300 ngày, cô đã kiên cường vượt qua rất nhiều khó khăn.
Nguồn: [Link nguồn]