Căn bệnh khiến tiền đạo Sergio Aguero từ bỏ sự nghiệp nguy hiểm thế nào?
Sergio Aguero (Tên đầy đủ - Sergio Leonel Aguero del Castillo) là tiền đạo người Argentina, sinh ngày 2 tháng 6 năm 1988 tại Buenos Aires, Argentina.
Ở tuổi 15, Aguero đã phá kỷ lục của Maradona và trở thành cầu thủ trẻ nhất có trận ra mắt trên sân của đội bóng quốc gia này. Sergio cũng trở thành cầu thủ Argentina trẻ nhất chơi ở Copa Libertadores năm 2004. Aguero được chọn vào đội hình U20 World Cup 2005, giải đấu mà Argentina đã lên ngôi vô địch.
Bên cạnh đó, cầu thủ 33 tuổi đã giành được một loạt danh hiệu, trong đó có 5 chức vô địch Premier League cùng Manchester City. Vào tháng 5 năm 2012, anh được vinh danh là “Cầu thủ Manchester City” của năm. Vào cuối mùa giải 2014–2015, anh đã giành được giải thưởng “Chiếc giày vàng Premier League”, ghi được 26 bàn thắng trong mùa giải.
Ngày 31/10/2021, trong trận đấu giữa Barcelona vs Alaves – trận đấu thứ 4 kể từ khi Aguero gia nhập CLB chủ sân Nou Camp, Aguero cảm thấy khó thở và choáng sau một pha không chiến với một cầu thủ và được đưa đến bệnh viện ngay sau đó dưới sự chăm sóc của đội ngũ y tế. Tại thời điểm đổ gục xuống sân, nhịp tim của cầu thủ này cao hơn mức bình thường.
Sau đó vài ngày, Aguero được chẩn đoán mắc chứng rối loạn nhịp tim và không thể tham gia chơi bóng được nữa. Anh ấy đã buộc phải ngừng sự nghiệp thi đấu của mình ở tuổi 33. Aguero đã thông báo quyết định trong một cuộc họp báo đẫm nước mắt sau 685 lần ra sân và 18 danh hiệu.
Rối loạn nhịp tim là chứng bệnh mà tim của bạn đập quá nhanh hoặc quá chậm và lệch nhịp. Rối loạn nhịp tim có thể là một trường hợp khẩn cấp hoặc vô hại tuỳ thuộc vào tình trạng cơ thể. Nếu bạn cảm thấy có điều gì đó bất thường xảy ra với nhịp tim của mình, hãy đi khám ngay lập tức để các bác sĩ có thể tìm ra lý do tại sao và bạn cần làm gì để giải quyết vấn đề đó.
Các triệu chứng của chứng loạn nhịp tim là gì?
Thông thường, rối loạn nhịp tim không có triệu chứng rõ ràng mà bác sĩ sẽ phát hiện khi bạn khám sức khoẻ định kỳ.
Nếu có triệu chứng, chúng sẽ bao gồm các dấu hiệu dưới đây:
- Đánh trống ngực
- Chóng mặt hoặc cảm thấy lâng lâng
- Ngất xỉu
- Khó thở
- Đau hoặc tức ngực
- Suy nhược hoặc mệt mỏi
- Lo lắng
- Tầm nhìn mờ
- Đổ mồ hôi
Nguyên nhân nào gây ra chứng loạn nhịp tim?
Bạn có thể bị rối loạn nhịp tim ngay cả khi trái tim của bạn khỏe mạnh. Hoặc nó có thể xảy ra do:
- Bệnh tim
- Sự mất cân bằng các chất điện giải (chẳng hạn như natri hoặc kali) trong máu của bạn
- Tổn thương tim hoặc những thay đổi như giảm lưu lượng máu và mô tim cứng
- Quá trình chữa bệnh sau phẫu thuật tim
- Nhiễm trùng hoặc sốt
- Một số loại thuốc
- Các vấn đề với tín hiệu điện trong tim của bạn
- Lo lắng, căng thẳng hoặc ngạc nhiên
- Những thứ trong cuộc sống hằng ngày của bạn như rượu, thuốc lá, caffeine hoặc tập thể dục cường độ cao
Một số yếu tố nguy cơ loạn nhịp tim là gì?
Những điều có thể khiến bạn dễ bị rối loạn nhịp tim bao gồm:
- Tuổi. Nguy cơ rối loạn nhịp tim tăng lên khi bạn già đi
- Gen. Tỷ lệ mắc bệnh có thể cao hơn nếu một người thân của bạn bị rối loạn nhịp tim. Một số loại bệnh tim khác cũng có tính di truyền
- Cách sống. Rượu, thuốc lá và thuốc kích thích có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh
- Bệnh lý khác. Huyết áp cao, tiểu đường, lượng đường trong máu thấp, béo phì, chứng ngưng thở khi ngủ và rối loạn tự miễn dịch là một trong những tình trạng có thể gây ra các vấn đề về nhịp tim
- Môi trường. Những thứ xung quanh bạn, như ô nhiễm không khí, có thể khiến bạn dễ bị rối loạn nhịp tim hơn
Các biến chứng của loạn nhịp tim
Nếu không được điều trị, nhịp tim không đều có thể gây ra các vấn đề nguy hiểm như:
- Bệnh Alzheimer và chứng sa sút trí tuệ . Những rối loạn nhận thức này có thể xảy ra do não của bạn không nhận đủ máu theo thời gian
- Suy tim. Tim của bạn có thể không hoạt động tốt như bình thường sau khi rối loạn nhịp tim lặp đi lặp lại
- Tai biến mạch máu não. Máu đọng lại trong tâm nhĩ có thể đông lại. Nếu cục máu đông di chuyển đến não, nó có thể gây ra đột quỵ
- Tim ngừng đập. Rối loạn nhịp tim có thể khiến tim ngừng đập và nguy hiểm đến tính mạng
Phòng ngừa loạn nhịp tim
Không phải lúc nào bạn cũng có thể ngăn ngừa chứng loạn nhịp tim. Hãy kiểm tra thường xuyên với bác sĩ để giúp bạn không gặp thêm các vấn đề về nhịp tim. Bên cạnh đó, nếu bạn có tiền sử bệnh, hãy trao đổi với bác sĩ trước khi dùng các loại thuốc, vì một số loại thuốc cảm và ho có thể gây rối loạn nhịp tim.
Bạn cũng nên thay đổi lối sống để phòng tránh và giảm thiểu căn bệnh này:
- Có một chế độ ăn uống lành mạnh. Ăn nhiều trái cây và rau quả , cá và protein từ thực vật . Tránh chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa
- Kiểm soát lượng cholesterol và huyết áp
- Không hút thuốc
- Giữ cân nặng hợp lý
- Luyện tập thể dục đều đặn
- Giảm thiểu căng thẳng
- Hạn chế rượu và caffein
Nguồn: [Link nguồn]
Cựu cầu thủ xuất sắc nhất thế giới Marco Van Basten đã phải nghỉ việc huấn luyện đội bóng Hà Lan Ajax Amsterdam vì bệnh tim.