Cách tập thở cải thiện chức năng phổi cho người mắc COVID-19 nhanh hồi phục
Các kỹ thuật phục hồi chức năng bao gồm tập các kiểu thở là chính, các kỹ thuật tống thải đờm được thực hiện khi người bệnh có tăng tiết đờm dịch, tập vận động chủ động cần tăng dần cường độ và thời gian tùy khả năng của người bệnh.
Khu điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Mạnh Thắng
Ngày 15/4, Bộ Y tế vừa ban hành Hướng dẫn phục hồi chức năng bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do SARS-CoV-2 (COVID-19) ban hành kèm theo Quyết định số 1719/QĐ-BYT ngày 15/4/2020 của Bộ Y tế.
Theo Bộ Y tế, phục hồi chức năng (PHCN) sớm cho người bệnh COVID-19 nhằm cải thiện chức năng phổi và các chức năng khác, ngăn chặn sự suy giảm về thể chất và tinh thần, tăng cường khả năng vận động, góp phần nâng cao sức khỏe cho người bệnh.
Theo Hướng dẫn này, đối tượng là người bệnh có xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 và được xét nghiệm bởi các cơ sở được Bộ Y tế cho phép khẳng định. Việc phát hiện SARS-CoV-2 được thực hiện bằng kỹ thuật RT-PCR hoặc giải trình tự gen các mẫu bệnh phẩm.
Người bệnh được công nhận khỏi bệnh và xuất viện khi có đủ các tiêu chuẩn như hết sốt ít nhất 3 ngày, triệu chứng lâm sàng ổn định, có ít nhất 2 mẫu liên tiếp bệnh phẩm dịch đường hô hấp (dịch tỵ hầu và họng), lấy mẫu cách nhau ≥ 24h, xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.
Hướng dẫn cũng phân loại thể lâm sàng tương ứng với các kỹ thuật PHCN bao gồm thể nhẹ là những người bệnh viêm đường hô hấp trên và viêm phổi nhẹ, thể viêm phổi nặng và thể nguy kịch.
Các kỹ thuật PHCN bao gồm tập các kiểu thở là chính, các kỹ thuật tống thải đờm được thực hiện khi người bệnh có tăng tiết đờm dịch, tập vận động chủ động cần tăng dần cường độ và thời gian tùy khả năng của người bệnh. Với người bệnh tự tập luyện cần luôn giữ khoảng cách tối thiểu 2m với người xung quanh, tránh tiếp xúc trực tiếp trong quá trình tập.
Về phương pháp hướng dẫn nêu cụ thể, đối với người bệnh thể nhẹ: Sử dụng video hướng dẫn cho người bệnh qua Ipad, điện thoại di động... hoặc phát tờ rơi, hướng dẫn ngắn gọn cho người bệnh.
Đối với người bệnh nặng, nguy kịch không thể tự thực hiện các bài tập PHCN thì kỹ thuật viên PHCN, điều dưỡng, cán bộ y tế tại cơ sở điều trị người bệnh mắc COVID - 19 sẽ thực hiện sau khi có kết luận hội chẩn của bác sĩ chuyên khoa PHCN, bác sĩ điều trị.
Cá nhân hóa tùy thuộc vào tình trạng người bệnh, đặc biệt đối với người bệnh nặng, người cao tuổi, người có bệnh mạn tính.
Đối với những người bệnh có tổn thương phổi trên phim Xquang ảnh hưởng tới chức năng hô hấp hoặc có suy giảm chức năng vận động cần hẹn tái khám sau 1 tháng, sau đó căn cứ vào quá trình hồi phục có thể hẹn tái khám sau 1 đến 3 tháng.
Đối với những người bệnh có các bệnh lý nền về hô hấp như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, giãn phế quản, viêm phổi kẽ, ung thư phổi... có thể kết hợp tái khám về PHCN ở những lần người bệnh đến tái khám điều trị các bệnh lý nền.
Nguồn: [Link nguồn]
Tổ chức Y tế thế giới WHO Việt Nam và Bộ Y tế phối hợp xây dựng infographic về nhóm nguy cơ cao mắc COVID-19.