Cách phòng tránh nguy cơ nhiễm cúm mùa cho người có bệnh nền
Cúm mùa là bệnh lý lây qua đường hô hấp, thường do những vi rút cúm gây ra. Cách tốt nhất để phòng ngừa cúm mùa, đặc biệt với người có bệnh nền, là nên tiêm vắc xin cúm định kỳ hằng năm.
Vi rút cúm thường xuyên biến đổi, tương tự các vi rút đường hô hấp khác như COVID-19… do đó vắc xin cúm cũng cần được sản xuất mới hằng năm để cập nhật các chủng vi rút cúm hiện đang lưu hành, nhằm đem lại lợi ích bảo vệ tốt nhất.
Người dân đang dần chủ quan hơn trong phòng chống dịch
Mỗi năm nước ta ghi nhận 600.000 đến 1 triệu ca cúm thường. Thời gian gần đây, tại một số địa phương, một số bệnh viện tuyến cuối ghi nhận sự gia tăng của bệnh cúm.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, hiện nay tại Việt Nam lưu hành chủ yếu là cúm A (H3N2, H1N1) và cúm B, chưa phát hiện các chủng cúm A có độc lực cao như H5N1, H7N9, H5N6, H5N8, mặc dù số ca nhập viện có xu hướng tăng trong thời gian gần đây. Trong hơn 2 năm có dịch COVID-19, người dân chủ động mang khẩu trang, thực hiện giãn cách, tuân thủ phòng chống dịch như thường xuyên rửa tay, sát khuẩn… nên số ca cúm ít. Hiện nay người dân chủ quan hơn trong phòng chống dịch, ví dụ như không đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng… dẫn tới khả năng nhiễm và lây lan cúm cao hơn. Để giảm thiểu tỉ lệ mắc cúm, chúng ta nên thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh mũi họng bằng nước muối sinh lý, đeo khẩu trang khi đến nơi đông người hoặc khi tiếp xúc với người có bệnh và nên tiêm phòng chủ động bằng vắc xin cúm, đặc biệt cho các đối tượng có nguy cơ cao như người có bệnh tim, tiểu đường…
Nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ tăng trên người có bệnh tim mạch khi nhiễm cúm
Trong những bệnh nhân cúm cần nhập viện, hơn một nửa là bệnh nhân có bệnh tim. Những nghiên cứu cho thấy sau khi nhiễm cúm, bệnh nhân tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Việc tiêm vắc xin cúm giúp giảm nguy cơ nhập viện, tử vong cũng như các biến cố tim mạch ở những người có bệnh tim.
Tỉ lệ nhập viện và tử vong tăng trên người có bệnh tiểu đường khi nhiễm cúm
Người mắc tiểu đường tuýp 1, tuýp 2, hoặc tiểu đường thai kì, dù đã được kiểm soát tốt, cũng là những đối tượng nguy cơ cao diễn tiến những biến chứng nặng khi nhiễm cúm, dẫn đến tỉ lệ nhập viện và nguy cơ tử vong tăng.
Trong những năm gần đây, trung tâm kiểm soát bệnh tật CDC ghi nhận khoảng 30% người lớn nhập viện do cúm có mắc tiểu đường. Bệnh cúm làm cho bệnh tiểu đường khó kiểm soát hơn, như làm tăng hoặc giảm đường huyết thất thường.
Tiêm vắc xin cúm giúp giảm nguy cơ tử vong và nhập viện do mọi nguyên nhân ở bệnh nhân tiểu đường.
Các loại vắc xin cúm tại Việt Nam:
Vắc xin cúm tại Việt Nam hiện nay đều là các loại vắc xin cúm bất hoạt, không gây ra bệnh cúm vì chỉ chứa vi rút bị bất hoạt. Vắc xin cúm bất hoạt được khuyến nghị sử dụng cho người bệnh tim và người mắc tiểu đường vì sự an toàn lâu dài đã được ghi nhận.
Các vắc xin cúm tứ giá có chứa 4 chủng vi rút cúm bao gồm hai chủng cúm A (H1N1, H3N2) và hai chủng cúm B (Yamagata và Victoria) đã có mặt tại Việt Nam, giúp tăng cường hiệu quả bảo vệ người dân trước các chủng cúm đang lưu hành hiện nay.
Tiêm vắc xin cúm định kì hằng năm là cần thiết để chủ động bảo vệ người có bệnh nền như bệnh tim mạch, tiểu đường… trước các nguy cơ dịch chồng dịch, góp phần hạn chế gánh nặng cho hệ thống y tế trong tình hình hiện nay.
Bác sĩ Phạm Đỗ Anh Thư
Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM
Tiêm phòng cúm trong giai đoạn hiện tại rất quan trọng. Trẻ em, người lớn, đặc biệt là người cao tuổi và người có bệnh nền, nên đến các trung tâm tiêm chủng, trung tâm y tế dự phòng gần nhất để tiêm vắc xin cúm hàng năm nhằm bảo vệ bản thân và gia đình. Để hiểu thêm về tầm quan trọng của tiêm phòng cúm, độc giả có thể truy cập: acare.abbott.vn. |
Nguồn: [Link nguồn]