Cách phòng ngộ độc thực phẩm ngày Tết
Thói quen lưu trữ thực phẩm trong ngày Tết là một trong những nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm.
An toàn từ khâu chọn thực phẩm
Ông Nguyễn Công Khẩn, Nguyên Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho biết, tình trạng ngộ độc thực phẩm ngày Tết cũng có chiều hướng gia tăng. Vì vậy, việc mua và chọn thực phẩm cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc hạn chế nhiễm độc thực phẩm. Nếu thực phẩm đã qua khâu kiểm dịch thì người mua cũng an tâm hơn.
Những loại thực phẩm đã qua giết mổ thì nên chọn ở những cửa hàng có uy tín và tốt nhất là mua ở những cửa hàng có bảo hành chất lượng cho khách hàng. Rau, quả nên mua ở những cửa hàng bán rau, quả sạch. Những loại thực phẩm đồ hộp cần quan sát kỹ xem về hạn sử dụng, không mua các loại đồ hộp bị phồng, méo mó, hộp đã gỉ. Người tiêu dùng tuyệt đối không vì rẻ mà mua những loại thực phẩm đã hết hoặc gần hết hạn sử dụng.
Theo ThS. BS dinh dưỡng Nguyễn Trọng An, (Vụ Bảo vệ Bà mẹ trẻ em, Bộ LĐ -TB&XH) các loại vi khuẩn gây hại tiềm ẩn trong thực phẩm sẽ phát tán rất nhanh nếu không được bảo quản trong điều kiện nhiệt độ thích hợp. Thực phẩm sau khi mua về cần được chế biến ngay hoặc phải bảo quản trong tủ lạnh để bảo đảm thực phẩm khi chế biến còn tươi, hàm lượng các chất dinh dưỡng ít bị mất.
Thực phẩm sau khi mua về cần được chế biến ngay hoặc phải bảo quản trong tủ lạnh
Các thực phẩm được bảo quản trong tủ lạnh cần được bọc kín và để riêng thức ăn sống và chín, tránh sự nhiễm khuẩn chéo. Nơi chế biến thức ăn cần tránh xa khu vực dễ nhiễm khuẩn như nhà vệ sinh, cống rãnh,... Nếu ở điều kiện nhiệt độ phòng khoảng 32oC, trong vòng 1 giờ thì các loại thịt nên được bảo quản trong tủ lạnh. Đối với các loại thực phẩm như thịt, cá, hải sản có thể dự trữ trong ngăn đá của tủ lạnh khoảng 2 ngày, còn đối với thịt bò, thịt bê, thịt cừu thì có thể 3 - 5 ngày.
Trong quá trình chế biến thức ăn, người nội trợ phải vệ sinh đôi tay thật sạch, đi găng tay hoặc đồ vật chuyên dụng để chế biến; Không dùng chung dụng cụ khi chế biến thức ăn sống và chín. Thức ăn nên dùng ngay sau khi chế biến hoặc chậm nhất là sau từ 24 - 48 giờ nếu bảo quản tốt. Thức ăn lưu cữu lâu ngày cũng đồng nghĩa với số lượng vi khuẩn gia tăng, khi đó nguy cơ ngộ độc thực phẩm từ những món ăn để lâu ngày là rất lớn. Bởi vậy, thức ăn cũ chỉ nên sử dụng lại một lần, hạn chế không đun đi đun lại nhiều lần nhằm tránh mất chất dinh dưỡng đồng thời tạo môi trường cho vi khuẩn, vi sinh vật độc hại sinh sôi. Thức ăn an toàn là khi được nấu chín ở nhiệt độ 60 - 1000C.
Rửa tay và vệ sinh vật dụng ăn uống thường xuyên
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm, nhà bếp cũng là nơi dễ nhiễm khuẩn vì đó là môi trường giàu dinh dưỡng, lí tưởng để các vi khuẩn, vi sinh vật gây hại sinh sôi và nảy nở. Vì vậy, để bảo đảm vệ sinh cho món ăn trong quá trình nấu nướng, phải giữ cho nhà bếp luôn sạch sẽ và khô thoáng để vi khuẩn không có cơ hội để phát triển và gây bệnh. Bát đũa sau khi rửa cần được sấy khô và bảo quản chỗ khô ráo để hạn chế sự lây nhiễm của vi khuẩn. Thói quen tốt này có khả năng ngăn ngừa sự lây lan các vi khuẩn có hại qua đường ăn uống.
Bát đũa sau khi rửa cần được sấy khô và bảo quản chỗ khô ráo để hạn chế sự lây nhiễm của vi khuẩn
Việc rửa tay tưởng chừng như rất đơn giản, tuy nhiên nếu rửa tay không đúng cách thì cũng vô tác dụng. Theo các chuyên gia, bạn cần rửa tay bằng nước ấm cùng với xà bông diệt khuẩn, sau đó lau khô tay với khăn vải mềm và nếu cẩn thận hơn có thể dùng bông gòn thấm cồn lau lên đôi bàn tay. Việc rửa tay nên được tiến hành trước và sau khi chuẩn bị món ăn, đặc biệt là đối với những loại thực phẩm tươi sống như thịt, cá, trứng và các loại hải sản.
Để đảm bảo an toàn, bạn có thể áp dụng những nguyên tắc dưới đây. Hãy loại bỏ thức ăn dư thừa khi đã tiếp xúc với nhiệt độ phòng lâu hơn 2 giờ đồng hồ hoặc để ngoài thời tiết nóng trong hơn 1 giờ. Nếu bạn có nhu cầu bày biện thức ăn nguội ra sớm hơn 2 giờ đồng hồ, hãy sử dụng khay đá đặc phía dưới để thức ăn được bảo quản lạnh tốt hơn và thay thường xuyên khi đá tan chảy. Khi dùng khay đá, bạn nên đựng thức ăn vào đồ đựng nông để tất cả các phần trong thức ăn được bảo quản đều. Nếu bạn muốn bày thức ăn nóng trong hơn 2 tiếng, bạn nên sử dụng khay giữ nóng thức ăn, lò hâm để ở bàn ăn để giữ thức ăn luôn nóng.
Phát hiện và xử lý khi bị ngộ độc Dấu hiện ngộ độc thực phẩm: Người bệnh đột ngột có những triệu chứng: buồn nôn và nôn ngay, có khi nôn cả ra máu, đau bụng, đi ngoài nhiều lần (phân nước, có thể lẫn máu), có thể không sốt hoặc sốt cao trên 38 độ C. Cách xử trí Nếu người bị ngộ độc còn tỉnh táo, cần làm cho chất độc lẫn trong thức ăn đào thải ra ngoài càng nhanh càng tốt bằng cách: Dùng hai ngón tay để ngoáy họng hay dùng một thìa nhỏ đưa vào gốc lưỡi (cẩn thận tránh làm xây xát miệng) để gây nôn. Khi bệnh nhân nôn, để đầu cúi thấp hơn ngực, tránh bị sặc vào phổi. Lúc này, bệnh nhân bị mất nước nghiêm trọng nên cần bù nước và chất điện giải bằng cách cho uống Oresol hoặc nước cháo, nước cam, nước dừa, nhất là sau mỗi lần nôn hay đi ngoài. Tiếp đó, cho bệnh nhân ăn các thức ăn mềm, dễ tiêu. Nếu thấy không cải thiện mà mất nước nặng, li bì, sốt cao hay phân có máu thì phải khẩn trương đưa BN đến bệnh viện để được điều trị kịp thời. |