Cách nhận diện thịt lợn bị tiêm thuốc an thần, chất tạo nạc

Hàng loạt vụ việc thịt lợn nuôi bằng chất tạo nạc, tiêm thuốc an thần và bơm nước vào bụng lợn trước khi đem bán bị phát hiện khiến người dân lo lắng. Nhiều người còn tẩy chay thịt lợn vì sợ sẽ mắc phải những vấn đề nghiêm trọng cho sức khỏe khi ăn phải loại thịt này.

Cách nhận diện thịt lợn bị tiêm thuốc an thần, chất tạo nạc - 1

Người tiêu dùng nên mua thịt lợn ở những cửa hàng uy tín, phải có đóng dấu chứng nhận an toàn thực phẩm. Ảnh: Chí Cường

Nguy cơ bệnh tật cao

Cách đây vài ngày, cơ quan chức năng thị xã Bến Cát (tỉnh Bình Dương) đã bắt quả tang một cơ sở đang bơm nước và tiêm thuốc an thần trái phép vào lợn thịt tại khu phố An Hòa (phường Hòa Lợi, thị xã Bến Cát). Chủ cơ sở đã khai nhận, cơ sở này đã hoạt động từ tháng 9/2014, mỗi ngày thu mua khoảng gần 300 con lợn từ các hộ nuôi lợn tại tỉnh Bến Tre, rồi đưa lên cơ sở này bơm nước và tiêm thuốc an thần cho lợn. Sau đó, số lợn này được vận chuyển xuống lò mổ tại TP HCM để giết thịt.

Tại hiện trường, cơ quan chức năng đã thu giữ 44 chai thuốc an thần nhãn hiệu Prozil fort đã qua sử dụng và 4 chai đang sử dụng, 1 bơm tiêm và 32 xô nước có gắn vòi dùng để bơm nước vào lợn. Trước đó, nhiều vụ tiêm thuốc an thần vào thịt lợn cũng đã bị cơ quan chức năng bắt.

Thực tế, việc các cơ quan chức năng phát hiện chất cấm trong thịt lợn không phải là lần đầu. Những ngày gần đây, thông tin về lợn được nuôi bằng chất tạo nạc nguy hại thêm một lần nữa gây xôn xao dư luận. Cụ thể trong chăn nuôi, thường sử dụng các chất cấm như: Clenbuterol, Salbutamol, các loại chất này có tác dụng kích thích tăng trưởng và cho thịt siêu nạc. Vì sợ sẽ mắc phải những vấn đề nghiêm trọng cho sức khỏe khi ăn phải loại này, nhiều người nội trợ lo sợ còn tẩy chay thịt lợn.

Về ảnh hưởng khi sử dụng loại thịt lợn tiêm thuốc an thần, PGS.TS Nguyễn Hữu Đức (Đại học Y Dược TP HCM) cho rằng, Prozil là tên biệt dược của Acepromazine từng là một dược chất được dùng làm thuốc cho người. Vào những năm 1950 nó được dùng làm thuốc chống loạn thần, trị bệnh tâm thần phân liệt nhưng sau đó không được dùng chữa bệnh cho người nữa.

Thuốc Acepromazine được dùng trong lĩnh vực thú y nhằm khống chế trường hợp động vật hung hăng trở nên dễ thuần hóa hơn. Việc dùng thuốc này cần phải thận trọng vì thuốc có thể gây các phản ứng có hại, trong đó có tác dụng gây hạ huyết áp trầm trọng vì làm giãn mạch ngoại biên. Việc người chăn nuôi dùng thuốc an thần tiêm cho lợn trước khi giết mổ là việc làm hết sức nguy hiểm cho sức khỏe người tiêu dùng khi ăn phải, bởi bất cứ loại thuốc nào cũng có khả năng tích lũy trong cơ thể sống và gây hại.

Thuốc an thần tồn tại trong gan, cơ, thận của động vật và được bài thải chậm. Do đó động vật giết mổ sẽ tồn dư trong thịt một lượng thuốc an thần. Bởi từ khi tiêm thuốc đến khi giết mổ thường ngắn nên khó có thể đào thải hết được lượng tồn dư, mức tồn dư cao ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Khi ăn phải loại thịt lợn này sẽ xâm nhập vào cơ thể gây ra nhiều nguy cơ bệnh tật như rối loạn tiêu hóa, ảnh hưởng đến thần kinh, tim mạch, run chân tay, thay đổi huyết áp, nhức đầu và chóng mặt. Đặc biệt, với trẻ em, người già và những người có tiền sử về bệnh tim mạch, gan, thận càng nguy hiểm hơn.

Đối với loại thịt siêu nạc có sử dụng chất tạo nạc, theo các chuyên gia, khi người chăn nuôi dùng chất salbutamol sẽ làm giảm đi lượng mỡ trên cơ thể của lợn, tăng lượng nạc. Việc sử dụng chất salbutamol trên cơ thể lợn dẫn đến việc chất này sẽ ngấm vào trong thịt. Người tiêu dùng khi ăn thịt có tồn dư trong thời gian dài có thể bị tăng huyết áp, run cơ, ảnh hưởng hệ tiêu hóa, tim đập nhanh và có thể bị các bệnh khác. Trong ngành Y, thuốc salbutamol rất có hiệu quả trong việc điều trị hô hấp nhưng việc dùng cũng hết sức thận trọng và phải tuân thủ theo chỉ định của bác sỹ.

Cách nhận biết thịt sạch

Về cách nhận diện thịt lợn tiêm thuốc an thần, theo PGS.TS Nguyễn Hữu Đức rất khó bằng cảm quan nhận diện được. Các thương lái thường bơm nước kết hợp với tiêm thuốc an thần nên khi bắt gặp các loại thịt ướt, các thớ thịt căng mọng nước thì có khả năng lớn thịt chứa tồn dư của thuốc. Chúng ta có thể phát hiện sự hiện diện của thuốc tồn dư trong thịt bằng một số xét nghiệm nhưng chi phí cao, mất thời gian và đòi hỏi trang thiết bị phòng thí nghiệm.

Với loại thịt lợn siêu nạc, các chuyên gia khuyên mọi người có thể dựa vào các đặc điểm như nạc nhiều gần sát với da, lợn có mỡ ít, chỉ mỏng khoảng 0,4 cm. Màu sắc thịt đỏ như thịt bò, không mềm mại, khi chế biến mất chất béo. Loại thịt này tích nước nhiều, thịt có độ ẩm cao, mặt cắt trên thớ thịt không được mịn, thớ ngắn, độ săn chắc kém. Thịt lợn bình thường có màu hồng tự nhiên và mịn, độ dày lớp mỡ khoảng từ 1-1,5cm. Nếu miếng thịt bên ngoài bị ướt, bị nhớt thì nguy cơ thịt đã được ướp hàn the bảo quản.

Để chọn được thịt sạch, an toàn, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khuyến cáo, các bà nội trợ nên chọn mua thịt lợn ở những cửa hàng uy tín, có đóng dấu đỏ an toàn thực phẩm của cơ quan chức năng hoặc mua tại những siêu thị lớn, có thương hiệu. Khi chọn thịt nên chọn thịt rắn chắc, có độ đàn hồi cao khi ta ấn tay vào và thả ngón tay ra sẽ trở lại bình thường, các thớ thịt đều nhau, không có dịch bất thường nào chảy ra khi thái. Thông thường, thịt có hóa chất, khi chế biến thường ra nhiều nước, thịt hao hơn, vị thịt không đậm và ít có hương vị thơm tự nhiên. Thịt lợn bình thường không bị ra nước, thậm chí có thể nở hơn, có mùi thơm đặc trưng.

Ngoài ra, khi chế biến mọi người lưu ý trần bỏ đi nước đầu. Khi nấu sôi thịt bốc mùi lạ, người tiêu dùng nên kiên quyết đổ bỏ, không nên tiếc kẻo dễ rước bệnh vào người.

“Bất cứ thuốc nào cũng có tác dụng phụ. Ngoài chức năng chống động kinh và giảm đau trong mổ cho động vật, thuốc Prozil fort có nhiều tác dụng phụ. Làm việc này sẽ khiến thịt động vật sau mổ hồng tươi và dẻo bắt mắt. Tùy vào số lượng, nồng độ nhất định người ăn phải thịt lợn có tồn dư thuốc an thần Prozil fort mà nguy cơ bị nhiễm độc khác nhau. Nó có thể làm rối loạn yếu tố căng cơ, ảnh hưởng đến nội tiết, rối loạn giấc ngủ, huyết áp”.

BS La Đức Cương – Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo H.My – H.Dương (Báo Gia đình & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN