Cách nhận biết loại cây vông gây ngộ độc cho hàng chục trẻ em ở Điện Biên

Mới đây, tại Điện Biên, 40 học sinh nội trú bị ngộ độc do ăn quả vông. Cần nhận biết và phân biệt các loại cây vông để phòng ngừa các trường hợp ngộ độc tương tự...

1. Ngộ độc quả vông

Chiều ngày 8/9, 40 em học sinh nội trú Trường Phổ thông trung học bán trú - Trung học cơ sở Mùn Chung, Mùn Chung, Tuần Giáo, Điện Biên đã rủ nhau ăn quả vông mọc ở bên bờ suối hái về và bị ngộ độc với các biểu hiện nôn, đi ngoài. Ngay lập tức các em được các thầy cô giáo của nhà trường đưa đến Trung tâm Y tế huyện Mùn Chung cấp cứu. Các bác sĩ tại đây đã điều trị theo phác đồ ngộ độc quả dại. Đến sáng ngày 9/9 sức khỏe của cả 40 học sinh này đều ổn định và được xuất viện.

Trước đó, ngày 5/7/2018 Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang cũng đã tiếp nhận 10 trẻ trú tại xã Tân Tiến, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang bị ngộ độc do ăn quả vông. Trẻ đi chơi gần nhà, thấy quả vông mọc ở gần đường nên rủ nhau ăn. Sau khi ăn, các trẻ đều có biểu hiện đau bụng, buồn nôn và nôn nhiều. Gia đình đã đưa các cháu đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang để cấp cứu. Các bác sĩ tại đây đã xử trí bằng các phương pháp: Rửa dạ dày, bù dịch, làm các xét nghiệm đánh giá chức năng gan, thận, điện giải đồ… Sau điều trị, các cháu nhỏ đều đã qua cơn nguy kịch.

Quả của cây vông đồng gây ngộ độc cấp tính.

Quả của cây vông đồng gây ngộ độc cấp tính.

Qua các trường hợp trẻ bị ngộ độc do ăn quả vông các bác sĩ khuyến cáo nhà trường tăng cường tuyên truyền giáo dục cho học sinh cách nhận biết quả có độc và tuyệt đối không ăn các quả lạ, để tránh các trường hợp ngộ độc tương tự.

Quả vông gây ngộ độc là quả của cây vông đồng, còn cây vông vang, cây vông nem lại cho ta các vị thuốc chữa bệnh trong Y học cổ truyền.

2. Phân biệt các loại cây vông

2.1. Hạt vông vang – thuốc trấn kinh, chữa di tinh

Theo ThS. BS. Nguyễn Quang Dương – Khoa Nội Tổng hợp Bệnh viện Tuệ Tĩnh, vông vang còn gọi là bông vang. Tên khoa học Hibiscus abelmoschus L. Thuộc họ Bông Malvaceae.

Vông vang là một cây thân cỏ cao khoảng 1m, phía gốc hơi thành gỗ và thân hơi có lông. Lá hình tim, có cạnh hoặc chia thùy khá sâu, cả hai mặt đều phủ nhiều lông. 5 thùy hình ba cạnh, mép có răng cưa, trên có 3-5 gân chính. Hoa màu vàng, mọc đơn độc ở nách lá phía trên, cuống hoa phủ lông và phía sát hoa hơi phình lên. Quả thuôn trên phủ đầy lông trắng nhạt, chiều dài quả 4-5cm, với 5 cạnh, phía trong cũng phủ lông, chứa nhiều hạt hình thận, dẹt, dài 3-4mm, rộng 1-2mm, trên mặt có những đường nhăn đồng tâm xung quanh rốn hạt.

Cây vông vang mọc hoang khắp nơi ở những ruộng và những vùng mới vỡ hoang, trên những đồng cỏ. Có nơi trồng lấy hạt và rễ dùng trong công nghiệp nước hoa hoặc làm thuốc. Cây vông vang còn thấy ở Ấn Độ, Malaysia, Trung Quốc, Philippin.

Cây vông vang cho ta vị thuốc chữa mất ngủ.

Cây vông vang cho ta vị thuốc chữa mất ngủ.

Về y dược, hạt vông vang được dùng làm thuốc trấn kinh, chữa di tinh và thông tiểu. Ngày dùng 4 đến 6g dưới dạng thuốc sắc hay thuốc bột, ngoài ra, còn dùng chữa rắn cắn.

Rễ vông vang do có chứa chất nhầy nên được dùng để hồ giấy hoặc chế tinh bột hoặc được dùng làm thuốc bổ, thuốc mát thay sâm bố chính.

Đơn thuốc có hạt vông vang chữa mất ngủ: Hạt vông 4g, lạc tiên 12g, xuyên khung 12g, đương quy 12g, thục địa 12g, tâm sen 12g sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần sáng chiều. Uống khi thuốc còn ấm.

2.2. Vông nem – chữa lưng gối đau nhức

ThS. BS. Nguyễn Quang Dương cho biết, cây vông nem còn có tên là hải đồng bì, thích đồng bì. Tên khoa học Erythrina orientalis (L) Murr. Thuộc họ Cánh bướm.

Cây vông nem cao từ 10-20m, mọc khắp nơi, nhưng đặc biệt ưa mọc ven biển, thân có gai ngắn. Lá gồm 3 lá chét, dài 10-15cm, hai lá chét hai bên dài hơn rộng hình 3 cạnh. Hoa màu đỏ tươi tụ họp từ 1-3 thành chùm dầy. Quả giáp dài 15-30cm, đen, hơi hẹp lại ở giữa các hạt. Trong mỗi quả có 5-6 hạt hình thận màu đỏ hoặc nâu, tễ rộng, hình trứng đen có vành trắng.

Cây vông nem mọc hoang và được trồng ở khắp nơi trong nước ta để làm hàng rào và lấy lá ăn, hoặc làm cảnh.

Lá và hoa vông nem.

Lá và hoa vông nem.

Cây vông nem có công dụng làm thuốc an thần, gây ngủ. Rượu lá vông dùng với 1-2g một ngày, hoặc siro lá vông (rượu lá vông tươi 1/5, 150ml, siro vừa đủ 500ml) uống mỗi ngày 20ml trước khi đi ngủ. Có thể dùng thuốc hãm hoặc thuốc sắc, ngày uống 2 đến 4g lá. Nhân dân ta còn uống lá vông và đắp lá vông hơ nóng vào hậu môn chữa trĩ.

Nhân dân Trung Quốc dùng vỏ cây vông làm thuốc chữa sốt, sát trùng, thông tiểu, an thần và gây ngủ, dùng trong bệnh thổ tả, lỵ, amip và trực trùng, nhuận tràng. Dùng với liều 6-12g dưới dạng thuốc sắc.

Theo tài liệu cổ, vỏ vông nem có vị đắng tính bình, vào hai can và thận; có tác dụng khứ phong thấp, thông kinh lạc, sát trùng... dùng chữa lưng gối đau nhức, tê liệt, lở ngứa. Người không phong hàn thấp không dùng được.

Đơn thuốc có vông nem: Lá vông nem 100g, thịt nạc 50g, cho vào nấu canh ăn trong ngày, chữa chứng ra mồ hôi chân tay, mất ngủ. Dùng 1 đến 2 tuần.

2.3. Cây vông đồng gây ngộ độc

Cây vông đồng, còn gọi là cây bã đậu, tên khoa học là Hura crepitans.

Cây vông đồng là loài gỗ lớn thường xanh, có thể cao tới 30m. Cành cây thường to lớn, thuộc dạng thân hợp trục. Vỏ thân cành có màu vàng nâu với nhiều gai biểu bì. Lá đơn mọc cách vòng tập trung ở đầu cành. Cuống lá dài 4–20cm, có hai tuyến nổi. Phiến lá hình trứng rộng có kích thước dài 2–29 cm, rộng 5–17 cm, đầu lá vuốt mũi nhọn, đuôi lá hình tim. Mạng gân lông chim với gân giữa nổi lên ở cả hai mặt của phiến lá, có 10-13 cặp gân phụ ở hai bên.

Vông đồng là loài cây đơn tính cùng gốc. Các hoa màu đỏ không có cánh hoa. Hoa đực mọc thành chùm dài còn các hoa cái mọc đơn độc tại các nách lá. Quả hình cầu dẹt, thuộc dạng quả nang lớn, nổ to khi nứt. Khi chín, các quả nang có thể phóng hạt đi xa tới 100m.

Cây vông đồng có nhiều thành phần gây độc.

Cây vông đồng có nhiều thành phần gây độc.

Cây vông đồng hay được trồng để lấy bóng mát ven đường hoặc làm cây che bóng cho các loại cây trồng mục đích chính như ca cao hay va ni. Gỗ của vông đồng có thể dùng để đóng đồ gia dụng, thùng hộp, ván ép.

Cây vông đồng có hạt, dầu hạt, vỏ thân, nhựa mủ đều rất độc, có tác dụng diệt sâu bọ, đặc biệt chất crepitin có độc tính rất cao. Nếu dính vào da, có thể gây rộp da, bắn vào mắt gây tổn thương mắt và có thể bị mù.

Hạt của loài bã đậu Hura crepitans có chứa các chất độc: Toxalbumin, curcine… Chất curcine ít gây kích ứng cho dạ dày-ruột. Theo các thử nghiệm, cứ tám giọt dầu bã đậu được cảnh báo dễ gây ra nôn mửa, tiếp đến là tiêu chảy.Việc sử dụng các thảo dược đông y nên tham khảo và hỏi ý kiến các bác sĩ lĩnh vực y học cổ truyền để có sự an toàn cao nhất. Nhà trường, các thầy cô giáo và cha mẹ cần giáo dục, tuyên truyền cho trẻ em về loại cây vông đồng và tuyệt đối không ăn quả của cây này để tránh những trường hợp ngộ độc tương tự.

Nguồn: [Link nguồn]

8 người ở Hà Tĩnh bị ngộ độc sau khi ăn tiết canh

Sau khi ăn tiết canh bê, 8 người dân ở Hà Tĩnh có dấu hiệu đau đầu, đau bụng phải nhập viện cấp cứu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hải Long ([Tên nguồn])
Ngộ độc thực phẩm Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN