7 cách giữ gìn sức khoẻ cho bạn và gia đình trong thời gian giãn cách
Ở nhà thời gian dài sẽ khiến nhiều người bị ảnh hưởng về thể chất và tinh thần. Dưới đây là những cách giúp bạn có sức khỏe ổn định trong thời gian này.
Thực hiện theo các lời khuyên về lối sống lành mạnh như ăn uống cân bằng, đủ nước, hoạt động thể chất, ngủ đủ giấc và kiểm soát căng thẳng là những khuyến nghị tốt nhất để giữ gìn sức khỏe trong thời gian giãn cách.
1. Có một chế độ ăn uống cân bằng và đa dạng
Theo nghiên cứu, không có loại thực phẩm hoặc chất bổ sung nào có thể “tăng cường” hệ thống miễn dịch của chúng ta giúp ngăn ngừa hoặc điều trị COVID-19. Tuy nhiên, có một chế độ ăn uống cân bằng với nhiều trái cây và rau quả, ngũ cốc nguyên hạt, protein thực vật và chất béo lành mạnh là cách tốt nhất để nhận được tất cả các chất dinh dưỡng thiết yếu mà chúng ta cần để có sức khỏe tốt và chức năng miễn dịch bình thường.
Vì sự giãn cách có thể khiến chúng ta ít hoạt động hơn, nên điều quan trọng là phải chú ý đến khẩu phần ăn và điều chỉnh để cân bằng năng lượng, từ đó đáp ứng nhu cầu của cơ thể.
2. Thiết lập thói quen ăn uống có kiểm soát
Trong những lúc bất an thì bạn thường có cảm giác lo lắng, buồn bã, căng thẳng và sợ hãi. Duy trì thói quen ăn uống bình thường hằng ngày có thể giúp kiểm soát những căng thẳng này. Một cách chúng ta có thể làm là tuân theo giờ ăn thường ngày và lên kế hoạch trước cho các bữa ăn. Điều này có thể giúp chúng ta kiểm soát tốt hơn mức độ đói, đáp ứng các yêu cầu về chất dinh dưỡng và cho phép chúng ta tận dụng tối đa lượng thức ăn có sẵn, tránh lãng phí thức ăn.
Thêm vào đó, khi cảm thấy căng thẳng, chúng ta sẽ ăn nhiều hơn mức cần thiết hoặc có cảm giác chán ăn, tùy vào từng người. Vì vậy, ăn uống theo giờ giấc là một chiến lược hữu ích để duy trì mối quan hệ lành mạnh với thực phẩm, đồng thời giúp chúng ta cân bằng năng lượng nạp vào cơ thể.
Dưới đây là một số mẹo giúp bạn ăn uống có kiểm soát hơn:
- Đừng ăn khi đang di chuyển - rất khó để nhận biết bạn đang ăn bao nhiêu. Khi ăn hãy ngồi yên 1 chỗ
- Tránh ăn thẳng từ túi/hộp. Hãy cho chúng ra bát, đĩa để đo lường lượng thức ăn nạp vào cơ thể
- Loại bỏ các yếu tố gây xao nhãng: Tắt tivi và mọi thứ khác có màn hình, như máy tính, điện thoại,... trong khi ăn
- Hãy cắn từng miếng nhỏ và nhai kỹ, đồng thời tập trung vào mùi, vị và kết cấu của thức ăn
- Đừng cố ăn hết cả đĩa. Nếu bạn cảm thấy no, hãy giữ thức ăn thừa một cách an toàn để sử dụng sau.
3. Uống đủ nước
Uống đủ nước là điều cần thiết cho sức khỏe tổng thể. Lượng nước khuyến nghị cần phụ thuộc vào độ tuổi, giới tính, cân nặng, chiều cao, mức độ hoạt động thể chất và điều kiện môi trường (nhiệt độ, độ ẩm,…).
Nước lọc là thức uống rẻ và lành mạnh nhất. Bên cạnh đó, để tăng cảm giác sảng khoái, bạn có thể thêm lát chanh, dưa chuột, bạc hà hoặc quả mọng. Các thức uống khác như cà phê không đường, trà đá hoặc nước có hương vị (có ga) cũng là những lựa chọn tốt để bổ sung nước cho cơ thể.
4. Giữ vệ sinh an toàn thực phẩm
Theo Cơ quan An toàn Thực phẩm Châu Âu , hiện chưa có bằng chứng cho thấy COVID-19 được truyền qua đường ăn uống. Tuy nhiên, giữ an toàn thực phẩm rất quan trọng để giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh khác do thực phẩm gây ra.
Khi chuẩn bị thức ăn, hãy đảm bảo:
- Rửa tay trong 20 giây bằng xà phòng trước và sau khi chuẩn bị hoặc ăn thức ăn
- Che miệng và mũi bằng khăn giấy hoặc tay áo khi ho, hắt hơi và sau đó nhớ rửa tay
- Rửa trái cây và rau củ trước khi ăn
- Khử trùng bề mặt đồ vật trước và sau khi sử dụng
- Để thực phẩm sống và chín riêng biệt để tránh vi khuẩn có hại từ thực phẩm sống lây lan sang thực phẩm chín
- Sử dụng các dụng cụ / thớt khác nhau cho thực phẩm sống và chín để tránh lây nhiễm chéo
- Đảm bảo nấu và hâm nóng thức ăn ở nhiệt độ thích hợp (tối thiểu 72°C trong 2 phút)
5. Duy trì hoạt động thể chất ở nhà
Hoạt động thể chất có lợi cho cả thể chất và tinh thần. Người lớn nên dành ít nhất 30 phút hoạt động hàng ngày và trẻ em (5-17 tuổi) nên dành ít nhất 1 giờ.
Thực hiện theo các mẹo sau để duy trì hoạt động thể chất trong thời gian cách ly:
- Lập kế hoạch cho hoạt động thể chất trong ngày của bạn
- Không ngồi 1 chỗ quá lâu, thường xuyên đứng lên, vươn vai hoặc đi bộ
- Tham gia một lớp tập thể dục trực tuyến
- Hãy suy nghĩ tích cực: các hoạt động như khiêu vũ, dọn dẹp nhà cửa hoặc chơi với con đều được tính là hoạt động thể chất.
6. Ngủ đủ giấc
Một giấc ngủ thiếu chất lượng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến cả sức khỏe thể chất và tinh thần của chúng ta, cũng như làm giảm khả năng chống lại nhiễm trùng của hệ thống miễn dịch.
Thời lượng ngủ cần phụ thuộc vào độ tuổi. Nói chung, người lớn nên đặt mục tiêu ngủ ít nhất 7 giờ mỗi đêm. Căng thẳng do đại dịch COVID-19 có thể tác động tiêu cực đến giấc ngủ của chúng ta. Vì vậy, chúng ta cần tạo những thói quen tốt khi ngủ và đảm bảo ngủ đủ giấc.
Dưới đây là một số mẹo giúp bạn cải thiện giấc ngủ của mình:
- Thiết lập một lịch trình ngủ đều đặn (đi ngủ và thức dậy vào những giờ đã định), và duy trì nó kể cả cuối tuần và khi làm việc ở nhà
- Hạn chế uống rượu và không hút thuốc
- Tránh uống caffeine trước khi đi ngủ
- Luyện tập thể dục đều đặn
- Giữ giường ngủ thoải mái
- Giữ phòng ngủ yên tĩnh, tối và ở nhiệt độ thoải mái
- Tránh xa thiết bị điện tử trước khi đi ngủ
- Thử các kỹ thuật thư giãn như thiền định.
7. Xem thông tin từ các nguồn đáng tin cậy
Có rất nhiều thông tin sai lệch xung quanh COVID-19 trên internet và phương tiện truyền thông xã hội. Điều quan trọng là cần lấy thông tin từ các nguồn đáng tin cậy, giảm thiểu việc xem những tin tức sai lệch khiến chúng ta hoang mang và lo lắng.
Nguồn: [Link nguồn]
Cho đến nay Việt Nam đã tiếp nhận tổng số hơn 27 triệu liều vắc xin. Trong đó đã sử dụng khoảng 19 triệu liều.