Cách duy nhất làm giảm được nồng độ cồn trong máu
Nồng độ cồn trong máu càng cao thì càng tác động tiêu cực tới nhận thức, ý chí và sức khỏe người uống.
Theo Alcohol.org, trang web của Trung tâm Cai nghiện Mỹ (AAC), việc tính toán nồng độ cồn trong máu (BAC - Blood Alcohol Concentration) dựa trên giới tính, số cân nặng, độ rượu và lượng rượu, bia uống vào.
Nồng độ này được tính trong thời gian 30-70 phút sau khi uống rượu bia. Các chuyên gia nhận định không có thực phẩm nào có thể giải được BAC, cách duy nhất là thời gian.
Không có thực phẩm nào có thể giải được BAC, ngoài thời gian. Ảnh: TRƯỜNG GIANG
Cách duy nhất làm tan nồng độ cồn chính là thời gian
Theo đó, BAC là số gram cồn nguyên chất trong một lít máu. BAC cũng được đo bằng miligram cồn trên một lít khí thở ra. Một gram cồn nguyên chất trên một lít máu tương đương nửa miligram trên một lít khí thở ra.
Chẳng hạn, kết quả BAC 0,05% có nghĩa là trong 100 mililit máu có 50 miligram cồn, tương đương 0,25 mg mỗi lít khí thở ra. Mức BAC càng cao thì càng tác động nguy hại tới cơ thể. Cụ thể:
Mức BAC 0,0% (0mg/ml): Đây là mức tỉnh táo, không có nồng độ cồn trong cơ thể.
BAC 0,02% (20 mg/ml) : Ở tỷ lệ phần trăm này bạn có thể cảm thấy tâm trạng thay đổi thư giãn và hơi mất khả năng phán đoán. Đây cũng là mức nhiễm động thấp nhất với một số tác dụng tới não bộ và cơ thể.
BAC 0,05% (50 mg/ml): Mức BAC này, hành vi của bạn có thể trở nên cường điệu như nói to, cử chỉ nhiều hơn. Bạn cũng có thể mất kiểm soát các cơ nhỏ, như mất khả năng tập trung của mắt, do tầm nhìn sẽ bị mờ, giảm sự tỉnh táo và giảm khả năng phán đoán.
BAC 0,08% (80 mg/ml): bắt đầu ngưỡng say rượu. Bạn có thể bị giảm khả năng phối hợp cơ gây mất thăng bằng, khó phát hiện nguy hiểm hơn và khả năng suy giảm phán đoán giảm, tâm trạng cũng thay đổi như vui, buồn, giận dữ...
BAC đạt đến 0,14% (140 mg/100ml máu) : tác dụng ức chế của rượu, bia bắt đầu có hiệu lực, khiến cơ thể cảm thấy mệt mỏi, lo lắng hoặc bồn chồn. Việc đi, đứng trở nên khó khăn, loạng choạng và có thể nói ngọng.
BAC 0,15% (150 mg/100ml): BAC rất cao, việc đi lại và nói chuyện trở nên khó khăn, rối loạn hành vi, tâm trạng cũng thay đổi, dẫn tới giảm khả năng nhận thức và đưa ra quyết định. Họ có thể buồn nôn hoặc nôn mửa.
- BAC từ 0,2%- 0,29% (200 mg - 290 mg/100 ml máu) : Lúc lẫn, cảm giác choáng váng, mất phương hướng, líu lưỡi. Người có ngưỡng BAC này, sẽ gặp khó khăn khi kiểm soát tốc độ, phản ứng chậm với các tín hiệu và tình huống khẩn cấp.
Nhiều người khi đạt ngưỡng 0,25% có thể bất tỉnh, không thể nhớ được sự kiện đã xảy ra tại bữa tiệc và 0,3% có nguy cơ ngộ độc rượu cao.
- BAC khi đạt đến 0,3% - 0,39% (300 mg - 390 mg/100 ml máu): Đây là ngưỡng có thể bị ngộ độc rượu và đe dọa tính mạng gây mất ý thức. Lúc này tim và phổi sẽ hoạt động chậm lại và có thể rơi vào trạng thái mất ý thức.
-BAC trên 0,4% (Trên 400 mg/100 ml máu): Đây là mức BAC có khả năng gây tử vong cao dẫn tới hôn mê hoặc ngừng hô hấp.
Nồng độ cồn trong máu càng cao càng ảnh hưởng tới nhận thức và sức khỏe của người uống. Ảnh: HẠ QUYÊN
Không có ngưỡng an toàn khi uống rượu bia
PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, chuyên gia an toàn thực phẩm cho biết, hiện nay không có ngưỡng an toàn nào khi sử dụng rượu, bia. Theo đó, tùy thuộc vào thể trạng, giới tính, sức khỏe mà tác động của cồn đối với mỗi người sẽ khác nhau. Do đó, không nên thử thách ngưỡng chịu đựng của cơ thể với các thức uống có cồn.
Viện dinh dưỡng quốc gia cũng khuyến nghị, người dân không nên lạm dụng rượu bia, tức không nên uống quá hai đơn vị cồn/ngày đối với nam, và một đơn vị cồn/ngày đối với nữ, không uống quá 5 ngày/tuần. Đồng thời không để cho trẻ em và vị thành niên uống rượu bia.
Một đơn vị cồn tương đương 10 gram cồn nguyên chất chứa trong dung dịch uống. Như vậy 1 đơn vị cồn tương đương với 3/4 chai/lon bia 330 ml (5%); 1 cốc bia hơi 330 ml; 1 ly rượu vang 100 ml (13,5%); hoặc 1 chén rượu mạnh 30 ml (40%).
Vào các dịp như lễ, tết nếu phải uống rượu bia, người dân cần uống từ từ, chậm rãi nhằm giảm kích ứng niêm mạc miệng và dạ dày đồng thời giúp gan có thời gian để kịp oxy hóa rượu giảm nguy cơ say và ngộ độc rượu.
Trước khi uống rượu bia nên uống nước lọc, nước quả hoặc nước súp/súp hoặc nước canh và đồ ăn đặc biệt là rau xanh nhằm pha loãng nồng độ cồn của rượu, giảm kích ứng dạ dày.
Nên ăn đồ ăn có nhiều protein khi uống rượu để làm chậm quá trình hấp thu rượu vào máu.
Uống rượu, bia rõ nguồn gốc, đảm bảo chất lượng. Không nên uống rượu lúc đói, không uống rượu với đồ uống có ga, không uống rượu với caffeine. Không nên sử dụng rượu với aspirin, một loại thuốc giảm đau.
Đặc biệt, tuyệt đối không điều khiển phương tiện cơ giới sau khi uống rượu bia.
Rượu ba kích, rượu ngâm nhân sâm... sẽ tốt cho sức khỏe nếu dùng đúng liều lượng và ngâm đúng cách.
Nguồn: [Link nguồn]