Cách điều trị thoái hóa khớp gối

Chưa có tổng kết bao nhiêu người bị đau do thoái hóa khớp gối. Nhưng nếu căn cứ vào số bệnh nhân ở các phòng khám, vào số người đi nghe tư vấn về khớp gối thì bệnh nhân không hề ít.

Những dấu hiệu như đau khớp gối khi đi, nhất là leo cầu thang, đau khi ngồi xổm... là dấu hiệu chung của tình trạng thoái hóa khớp gối.

Đi lại khó, chân cong

Diễn tiến nặng hơn, bệnh nhân có thể có những đợt gối bị sưng to, khi đi khám bác sĩ sẽ dùng kim chọc hút từ khớp gối ra một lượng dịch màu vàng trong. Các bác sĩ sẽ cho băng thun ép đầu gối để tránh bị tràn dịch trở lại và uống thuốc. Tình trạng này có thể xảy ra nhiều lần. Những trường hợp thoái hóa khớp gối nhưng không có viêm màng khớp gối thì thông thường khi đi mới đau, ngồi không đau.

Khi màng khớp bị viêm, bệnh nhân sẽ có những cơn đau vào ban đêm. Cơn đau xuất hiện nặng nhất khi chuyển từ ngồi hay nằm sang đứng dậy đi. Nặng hơn nữa, tự bệnh nhân thấy mình thấp đi vì hai chân bị cong vẹo vào trong (hơn 95% bệnh nhân bị gối vẹo vào trong), đi lại khó khăn và không ngồi xổm được nữa.

Cách điều trị thoái hóa khớp gối - 1

Các BS đang phẫu thuật cho bệnh nhân bị thoái hóa khớp gối. (Ảnh minh họa)

Chẩn đoán thoái hóa khớp gối không khó. Cái khó chính là làm sao cho bệnh nhân hiểu và sống chung với gối bị thoái hóa. Mục tiêu của việc điều trị là làm sao cho bệnh nhân không đau. Lý tưởng nhất là làm thế nào để bệnh nhân có một khớp gối với đầy đủ sụn như xưa. Tuy nhiên việc này đến nay vẫn là niềm mơ ước mặc dù có nhiều nghiên cứu ứng dụng bơm tế bào gốc vào khớp gối.

Nhiều phương pháp điều trị

Với người bị thoái hóa khớp gối thì việc giảm cân, thay đổi lối sống như tránh ngồi xổm, tránh ngồi xếp bằng, hạn chế leo cầu thang hay leo dốc, hạn chế khiêng vác nặng là chuyện cần làm suốt đời. Có thể mang nẹp gối trong giai đoạn đang bị đau, nhưng sau đó cần phải tập cơ tứ đầu để có một khớp gối vững khi đi đứng, vì khi bị đau gối bao giờ cơ tứ đầu đùi cũng bị teo nhỏ.

Việc dùng thuốc kháng viêm giảm đau chỉ có tác dụng nhất thời mà không làm hồi phục sụn hư. Nếu tình trạng sụn hư nhiều thuốc sẽ khó có tác dụng. Hơn nữa việc dùng thuốc lâu dài có khả năng gây loét dạ dày cũng như hư thận.

Các dung dịch chất nhờn bơm vào gối hay dùng đường uống cho thấy có tác dụng giảm cơn đau của gối. Sau một thời gian sáu tháng hay một năm, bệnh nhân cần được tiêm trở lại nếu khớp gối bị đau tái phát. Tuy nhiên biện pháp tiêm thuốc vào gối cần được thực hiện một cách vô trùng vì nguy cơ nhiễm trùng khớp gối. Mặt khác người tiêm cần được theo học một lớp kỹ thuật chích khớp để đảm bảo là thuốc vào trong khớp gối, nếu không bệnh nhân sẽ bị tiền mất tật mang vì thuốc được tiêm nằm ở ngoài khớp.

Cách điều trị thoái hóa khớp gối - 2

Bài tập nhẹ cho bệnh nhân vừa được thay khớp gối nhân tạo tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM - Ảnh: Thanh Đạm

Nội soi cắt lọc khớp gối được xem như biện pháp điều trị tạm thời khi bệnh nhân có triệu chứng kẹt khớp, khi các biện pháp uống thuốc, chích khớp không còn hiệu quả. Biện pháp này có hạn chế là chỉ áp dụng cho các trường hợp hư khớp gối ít đến vừa phải. Một nghiên cứu tại Bệnh viện Đại học Y dược cho thấy tỉ lệ thành công khoảng 70%, nhưng nếu bệnh nhân có hư khớp gối từ hai khoang trở lên thì tỉ lệ này chỉ còn 50%. Một khi khớp gối hư nhiều thì phương pháp này không còn giá trị.

Việc tiêm tế bào gốc hay tiêm huyết tương giàu tiểu cầu lấy từ chính cơ thể bệnh nhân được hi vọng là làm sụn khớp mọc trở lại và hồi phục mặt sụn. Các bác sĩ sẽ lấy tế bào gốc từ mỡ của bệnh nhân, kích hoạt để tế bào gốc hoạt động, sau đó trộn với huyết tương của bệnh nhân đã làm cô đặc để làm giàu tiểu cầu (vì trong huyết tương giàu tiểu cầu có yếu tố tăng trưởng). Dung dịch này sẽ được bơm vào trong khớp gối. Người ta hi vọng sau một thời gian tế bào gốc sẽ bám vào được mặt sụn và phát triển thành tế bào sụn. Song chưa ai chứng minh được hiệu quả của phương pháp này so với các phương pháp nội soi cổ điển. Việc giảm đau trong khớp gối sau khi bơm vài ba tuần không thể xem là thành công.

Biện pháp cuối cùng khi khớp gối đã hư hoàn toàn thì thay khớp là để có thể đưa bệnh nhân về cuộc sống bình thường. Cuộc chiến chống lại sự lão hóa của con người nói chung và khớp nói riêng vẫn chưa có hồi kết. Hi vọng trong tương lai sẽ có nhiều phương pháp khác hiệu quả hơn để điều trị bệnh lý này.

Thoái hóa khớp gối là gì?

Đây là tình trạng hư hại sụn khớp không hồi phục. Sụn khớp chính là thành phần trắng, giòn, sừn sựt như khi chúng ta ăn xí quách. Sụn khớp bị hư hại do nhiều nguyên nhân khác nhau như khiêng vác quá nặng, béo phì, ngồi xổm, leo cầu thang hay leo dốc nhiều, chấn thương khớp gối hoặc có thể do chấn thương lặp đi lặp lại như trong trường hợp bị đứt dây chằng chéo khớp gối.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo BS Tăng Hà Nam Anh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN