Cách chăm sóc trẻ mọc răng

Răng của trẻ nhỏ bắt đầu mọc từ 6 tháng cho đến khi 3 tuổi. Đấy là bộ răng sữa. Khoảng thời gian này, các bậc phụ huynh rất vất vả vì ngoài một số ít trẻ không gặp phiền phức gì nhiều khi mọc răng thì đa số trẻ bị đau đớn và khó chịu.

Răng của trẻ con dễ bị sâu hơn răng người lớn và dễ bị chấn thương hơn do chạy nhảy, đùa nghịch, vì vậy cần phải được quan tâm, chăm sóc chu đáo. Nếu trẻ em được giáo dục tốt về ý thức giữ gìn sức khoẻ răng miệng ngay từ khi còn nhỏ thì điều đó sẽ trở thành thói quen tự nhiên khi lớn lên.

Trình tự mọc răng của trẻ như thế nào?

Trẻ bắt đầu mọc răng cửa hàm dưới trước tiên rồi đến răng cửa hàm trên, tiếp theo là răng cối sữa thứ nhất, sau đó là răng nanh. Khi mọc đến răng cối sữa thứ hai cũng là lúc bộ răng sữa đã mọc đủ, khi đó trẻ đã được khoảng 3 tuổi. Thông thường thì bé bắt đầu mọc răng khi được khoảng 6 tháng tuổi. Tuy nhiên, cũng có trường hợp trẻ mọc răng lúc mới 4 tháng tuổi và đến 1 tuổi đã mọc đầy đủ bộ răng sữa. Hoặc có trẻ không mọc một chiếc răng nào mãi cho đến khi được 2 tuổi. Các răng khác sẽ tiếp tục mọc lên theo đúng trình tự. Nếu lợi (nướu) của trẻ dày hơn các bạn cùng tuổi thì răng sẽ khó mọc hơn, nhưng cũng không cần phải lo lắng gì cả, vì cuối cùng răng cũng sẽ mọc.

Cách chăm sóc trẻ mọc răng - 1

Trình tự mọc răng của trẻ

Những triệu chứng thường gặp khi mọc răng

Trẻ con có thể biểu hiện đủ thứ triệu chứng khi mọc răng. Có những biểu hiện dễ dàng nhận ra là do răng đang mọc, nhưng có những triệu chứng dường như chẳng có gì liên quan đến mọc răng. Đầu tiên, phần lợi bên trên răng sắp mọc sẽ bị sưng đỏ lên, ở một số trẻ có thể lợi còn bị chảy máu một chút. Thỉnh thoảng, một bên má hoặc cả hai bên má của trẻ có thể bị ửng đỏ và hơi nóng, trẻ hay quấy khóc. Một vài triệu chứng khác cũng hay gặp là đi phân lỏng, nổi rôm sảy, có thể sốt nhẹ và sổ mũi.

Cha mẹ cần phải nắm được tiến trình mọc răng của trẻ, nhận biết được các dấu hiệu và triệu chứng của sự mọc răng để giúp cho trẻ bớt khó chịu ngay từ đầu. Khi trẻ mọc răng không chỉ có các bậc phụ huynh đau đầu vì trẻ hay quấy khóc, cáu bẳn, mà bản thân trẻ cũng thật sự rất khó chịu. Ngoài cảm giác đau, trẻ còn phải chịu đựng một số triệu chứng khác khiến chúng cảm thấy trong người rất khó ở.

Trẻ mọc răng có nên dùng thuốc?

Thuốc paracetamol có tác dụng giảm đau và an toàn khi dùng cho trẻ. Sử dụng paracetamol đúng liều lượng với tuổi và cân nặng sẽ giúp trẻ vượt qua giai đoạn khó chịu này dễ dàng hơn, đặc biệt là buổi tối nhờ bớt đau, bé và cả cha mẹ sẽ được ngủ ngon. Dược sĩ hoặc bác sĩ sẽ hướng dẫn cho bạn liều dùng thích hợp với trẻ. Ngoài ra, một vài loại thuốc khác tương tự cũng có bán rộng rãi tại các cửa hàng và hiệu thuốc.

Những điều cần lưu ý khi trẻ mọc răng

Trong giai đoạn mọc răng, trẻ bị “ngứa” răng và lợi nên muốn cắn và nhai vật gì đó cho đỡ khó chịu. Vì vậy, bố mẹ nên tìm mua cho trẻ những vật để cắn an toàn, ví dụ như vòng cắn nhựa hay những cục cắn nhựa kích thước lớn có hình trái táo chẳng hạn. Bố mẹ có thể cho trẻ gặm những mẩu bánh mì nướng khô hay bánh quy cũng được, miễn là bất cứ vật gì đưa cho trẻ cắn thì phải an toàn và phù hợp với lứa tuổi.

Cách chăm sóc trẻ mọc răng - 2

Khi trẻ mọc răng bố mẹ có thể cho trẻ gặm những mẩu bánh mì nướng khô hay bánh quy cũng được. (Ảnhminh họa)

Ngoài ra còn có một số loại gel và bột mọc răng được bán trong các hiệu thuốc và siêu thị lớn. Bạn nên cho bé dùng thử vài loại và chọn ra loại mà bé thấy dễ chịu nhất. Cách làm đơn giản là bạn chỉ việc bôi một ít bột hoặc gel vào đầu ngón tay và chà nhẹ lên lợi của bé.

Một điều nữa là có thể bé sẽ trở nên biếng ăn, nhưng bạn cũng đừng quá lo lắng vì tình trạng này chỉ kéo dài trong 1 - 2 ngày đầu. Khi răng đã mọc lên được rồi thì bé sẽ ăn lại như bình thường. Những ngày này, bạn chỉ cần cho trẻ uống nhiều nước, cho ăn cháo nghiền hoặc thức ăn mềm, dễ tiêu hoá, hấp thu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo BS. Phan Kế Bính (Sức khỏe đời sống)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN