Cách “bảo toàn” sức khỏe khi đi hội

Các chuyên gia khuyến cáo, tại những nơi diễn ra lễ hội thường tập trung đông người, điều kiện ăn uống không được đảm bảo... là cơ hội để lây lan nhiều dịch bệnh, gây hại cho sức khỏe. Không ít người đã phải nhập viện, sức khỏe sa sút sau mùa lễ hội. Vậy để có chuyến du xuân an toàn, vui vẻ, cần lưu ý những điều gì?

Cách “bảo toàn” sức khỏe khi đi hội - 1

Các chuyên gia khuyến cáo, giữ sức khỏe để có mùa lễ hội vui vẻ, an toàn là điều rất quan trọng. Ảnh: Chí Cường

Đừng để phải nhập viện sau khi đi hội

Vừa đưa cô con gái 4 tuổi từ bệnh viện trở về, chị Nguyễn Thị Xuân Hòa (quê ở Ứng Hòa, Hà Nội) cho biết, ngày mùng 8 Âm lịch vừa qua, vợ chồng chị có đi lễ chùa ở Ba Vì (Hà Nội), cách nhà anh chị hơn 80km. Do không có người trông con nên anh chị quyết định cho bé đi cùng. Đến nửa đường, trời bắt đầu mưa nhỏ. Mặc dù đã mặc ấm cho con và che áo mưa cẩn thận nhưng cháu bé vẫn bị nhiễm lạnh.

“Đến nơi, người con lạnh toát, mặt tái mét và bị chảy nước mũi. Đôi lúc còn ôm bụng kêu đau. Thấy thế, vợ chồng tôi chỉ kịp dâng hương lễ Phật một lúc rồi vội vàng lên xe đưa bé đi viện ngay. Sau khi được bác sĩ thăm khám, bé được kết luận bị nhiễm khuẩn đường hô hấp ở mức độ nhẹ, theo dõi vài ngày là có thể xuất viện. Đúng là, đi hội mà hóa ra thành đi viện”, chị Hòa thở dài.

Thay vì đi trẩy hội du xuân như nhiều người, bà Phạm Thị Lan (62 tuổi, ở Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) lựa chọn phương pháp xem các lễ hội qua... màn hình tivi. Bà Lan cho biết, nguyên nhân một phần là do tuổi bà đã cao nên không muốn đi lại nhiều, phần khác là do dư âm về vụ tai nạn năm trước mà bà gặp phải khi đi lễ chùa đầu năm.

Bà Lan kể: “Mùng 10 tháng Giêng năm ngoái, gia đình tôi tổ chức du xuân đầu năm ở chùa Hương. Biết mình hay bị đau nhức xương khớp nên tôi đã từ chối vì sợ phải leo bậc thang nhiều. Thấy thế, các con tôi trấn an rằng cả nhà sẽ đi cáp treo nên tôi có thể yên tâm. Nghe bùi tai, tôi gật đầu đồng ý”.

Tuy nhiên, theo lời bà Lan, dù không phải là ngày khai hội nhưng lượng người “đổ” về chùa Hương ngày càng đông, tấp nập trên bến dưới thuyền. Mặc dù đi sớm nhưng gia đình bà vẫn phải xếp hàng rất lâu mới mua được vé để đi cáp treo. Không những thế, mọi người phải nhích từng bước một mới xuống được động Hương Tích. Khi ấy, chân bà bắt đầu cảm thấy mỏi.

Sau khi lễ lạt xong, gia đình bà quay lại cáp treo để đi xuống thì gặp cảnh tượng cả “rừng người” cùng đang nhốn nháo trước quầy vé. Tiếng người nói xì xào, tiếng trẻ con khóc như hỗn độn trước mắt bà. Bất giác, bà bị một ai đó từ phía sau xô thẳng vào người. Cú va chạm bất ngờ khiến bà ngã nhào về phía trước, tay phải chống xuống đất bị chấn thương nặng. Thấy thế, gia đình đã đưa bà đi cấp cứu. Hậu quả, sau chuyến đi du xuân, bà Lan phải ngồi nhà cả tháng với một bên cánh tay bó bột.

Giữ sức khỏe mùa lễ hội

ThS.BS Đỗ Thiện Hải, Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, giao mùa Đông - Xuân, thời tiết nóng lạnh thất thường, độ ẩm không khí tăng cao là những yếu tố thuận lợi cho virus, vi khuẩn gây bệnh nhất là đối với những người có sức đề kháng kém như người già, phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ. Mặt khác, có một thực tế là thời điểm hiện tại cũng là lúc diễn ra “mùa” lễ hội đầu năm, dẫn đến số lượng người tập trung tại một số điểm du lịch ngày càng tăng lên. Theo đó, giữ gìn sức khỏe trong thời điểm này là việc làm vô cùng quan trọng.

Theo BS Đỗ Thiện Hải, khi phụ huynh cho trẻ nhỏ đi chơi hội, cũng cần lưu ý chọn những lễ hội gần nhà, đi lại thuận tiện, chơi trong ngày hoặc một buổi để đảm bảo cho sức khỏe của trẻ. Các điểm đến nên có không khí trong lành, không quá đông người tham dự để tránh tình trạng chen lấn, xô đẩy và làm trẻ bị thương. Nếu đưa trẻ đến nơi đông người, phụ huynh cần đặc biệt để ý kỹ đến trẻ vì trẻ nhỏ rất hiếu động, ham chơi nên có thể sẽ bị lạc bố mẹ.

Ngoài ra, thời tiết thay đổi và thực phẩm bày bán không đảm bảo vệ sinh tại các điểm lễ hội rất dễ làm trẻ nhiễm các bệnh như cảm cúm, sốt, đau bụng, tiêu chảy. Do đó, trước khi đi, cha mẹ nên chuẩn bị sẵn đồ ăn, thức uống quen thuộc cho con để đảm bảo ăn uống vệ sinh. Bên cạnh đó, cần tăng cường cho trẻ uống đủ nước, ăn trái cây giàu vitamin C để tăng cường sức đề kháng. Đồng thời chuẩn bị đầy đủ quần áo, khẩu trang, khăn, mũ, găng tay, tất chân và các loại thuốc cần thiết để dùng khi cần. Trong quá trình đưa trẻ tham gia các lễ hội, nếu có các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh như hắt hơi liên tục, ho, sốt, quấy khóc, chán ăn… cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.

Ngoài trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai có tiền sử bị sẩy thai, sinh non, nhiễm độc thai nghén, thiếu máu hoặc đang mang thai 3 tháng đầu và cuối thai kỳ, cũng cần hạn chế tham gia các lễ hội, đặc biệt là những lễ hội tập trung đông người, lễ hội diễn ra ở vùng núi cao, vùng đang có dịch bệnh để tránh nguy cơ sẩy thai hoặc sinh non. Trong trường hợp tình trạng sức khỏe tốt, có thể tham gia một số lễ hội có phạm vi di chuyển ngắn. Tuy nhiên, trước khi chuẩn bị cho chuyến đi xa, thai phụ nên xin ý kiến chuyên môn của bác sĩ điều trị về những điều nên và hạn chế làm trong quá trình di chuyển để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và thai nhi.

Đối với người cao tuổi, người mắc các bệnh mạn tính như viêm phổi, nhồi máu cơ tim, hen suyễn, đái tháo đường, bệnh nhân mới phẫu thuật cần cân nhắc thật kỹ khi tham gia các lễ hội. Bởi lẽ, đây là những đối tượng nếu phải vận động quá sức, bị chen lấn, xô đẩy, kèm theo hít phải nhiều bụi bẩn, nhiễm lạnh thì rất dễ xảy ra tình trạng bị đột quỵ hoặc làm bệnh trầm trọng thêm. Thực tế, các bác sĩ thường khuyên những người mắc bệnh mạn tính hạn chế tới những nơi đông người, đặc biệt là ở lễ hội.

Lưu ý khi tham gia lễ hội

- Chọn điểm đến phù hợp với tình trạng sức khỏe của các thành viên tham gia. (Chẳng hạn, nếu có người cao tuổi, không nên chọn những nơi phải leo trèo hoặc không đảm bảo an toàn về độ cao).

- Theo dõi dự báo thời tiết nơi đến để chuẩn bị trang phục cho phù hợp. Nếu trời lạnh, không nên cho trẻ nhỏ đi cùng để tránh mắc các bệnh về đường hô hấp.

- Nên mang giày đế thấp để tiện cho việc di chuyển và khẩu trang để tránh các bệnh truyền nhiễm nơi đông người.

- Chuẩn bị nước lọc và một ít đồ ăn nhẹ dọc đường.

- Dự phòng một số loại thuốc cần thiết như thuốc đi ngoài, đau đầu, cảm cúm, thuốc chống côn trùng…

- Trước ngày tham gia lễ hội, cần ăn uống đầy đủ, ngủ đủ giấc để có tinh thần và sức khỏe tốt nhất cho chuyến đi.

- Tuân thủ việc ăn chín uống sôi.

- Không ăn các thực phẩm bày bán nơi đông người qua lại, bụi bẩn, có ruồi nhặng xung quanh.

-Rửa tay sạch sẽ sau khi đi vệ sinh tại nơi công cộng và trước khi ăn tại các địa điểm xung quanh lễ hội.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mai Thùy (Gia đình & Xã hội)
Sống khỏe Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN