Các nước tiêm vắc-xin COVID-19 cho trẻ em như thế nào?

Sự kiện: Vắc-xin COVID-19

Mỹ đã cấp phép tiêm vắc-xin BioNTech/Pfizer cho trẻ em từ 12 đến 15 tuổi nhằm mở rộng chương trình tiêm chủng và đưa trẻ em trở lại trường học. Hãng Pfizer/BioNTech còn đang thử nghiệm vắc-xin đối với nhóm nhỏ tuổi hơn, gồm cả trẻ 6 tháng tuổi.

So với người lớn, trẻ em ít bị ốm nghiêm trọng nếu mắc COVID-19 nhưng chúng có thể lây bệnh cho người khác. Đã có gần 4 triệu trẻ em Mỹ mắc bệnh này kể từ đầu đại dịch. Các bác sĩ phát hiện một số trường hợp gặp hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em, xảy ra khi COVID-19 tác động đến nhiều cơ quan nội tạng, trong đó có tim. Tiêm phòng cho trẻ em có thể góp phần khống chế virus nhờ giảm tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng.

Cậu bé 12 tuổi người Mỹ Skyler Hamm được tiêm vắc-xin Pfizer - BioNTech hồi tháng 5 Ảnh: NYT

Cậu bé 12 tuổi người Mỹ Skyler Hamm được tiêm vắc-xin Pfizer - BioNTech hồi tháng 5 Ảnh: NYT

Tháng 6 vừa qua, Pfizer thông báo sắp thử nghiệm vắc-xin trên trẻ em trong nhóm 5 - 11 tuổi. Pfizer hy vọng sẽ nộp hồ sơ đề nghị Cục Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Mỹ cấp phép khẩn cấp cho dùng vắc-xin đối với nhóm tuổi này.

Kết quả thử nghiệm đối với nhóm 2-5 tuổi có thể có không lâu sau đó, New York Times dẫn lời ông Kit Longley, phát ngôn viên của Pfizer. Dữ liệu từ thử nghiệm trên nhóm 6 tháng - 2 tuổi có thể xong vào tháng 10 hoặc 11, và FDA sẽ cấp phép không lâu sau đó, ông Longley khẳng định. Moderna cũng đang thử nghiệm vắc-xin trên trẻ em dưới 12 tuổi.

Trước đó, vào giữa tháng 5, Mỹ cấp phép cho tiêm vắc-xin BioNTech/Pfizer cho trẻ em từ 12-15 tuổi nhằm mở rộng chương trình tiêm chủng. Tiêm phòng cho trẻ em được coi là bước đi quan trọng để đưa trẻ em trở lại trường học. “Nếu bạn là những bậc bố mẹ muốn bảo vệ con mình, quyết định ngày hôm nay sẽ tiến thêm một bước đến mục tiêu đó”, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói hồi tháng 5.

20 quốc gia châu Âu và nhiều quốc gia khác như UAE, Israel, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc, Canada và Philippines, đã hoặc sắp cho phép tiêm vắc-xin cho nhóm tuổi 12-18, theo Reuters.

Ngoài mục tiêu bảo vệ trẻ em khỏi virus SARS-CoV-2, một trong những mục tiêu chính của việc mở rộng đối tượng tiêm chủng sang nhóm trẻ hơn là để phá vỡ các chuỗi lây nhiễm trong gia đình và trường học. Tốc độ lây lan rất nhanh của biến chủng Delta khiến các nhà khoa học lo ngại trẻ em có thể lây bệnh cho người lớn tuổi vì nhóm này dễ bị nặng và tử vong.

Đã có bằng chứng ở một số quốc gia đang tiêm vắc-xin cho các nhóm trẻ tuổi hơn, cho thấy bước đi này có thể giảm tỷ lệ lây lan. Tại Israel, nơi bắt đầu tiêm cho nhóm 16-18 tuổi từ tháng 12 năm ngoái, số ca bệnh đã giảm từ khoảng 100.000 hồi giữa tháng 1 xuống chỉ còn khoảng 559, và điều này cũng giúp giảm tốc độ mắc bệnh ở nhóm trẻ chưa được tiêm.

Nhưng dù vắc-xin vẫn là vũ khí bảo vệ mạnh nhất của con người trước COVID-19, các nhà khoa học nhấn mạnh cần đánh giá cẩn thận những lợi ích và rủi ro khi tiêm cho trẻ em. Cơ thể trẻ em nhạy cảm hơn, và khác nhau ở từng giai đoạn phát triển, vì thế vắc-xin cũng cần được điều chỉnh để phù hợp.

Hệ thống miễn dịch của trẻ vị thành niên có thể phản ứng mạnh hơn với vắc-xin, dẫn đến những tác dụng phụ mà đến khi chúng trưởng thành mới thể hiện. Điều này được cho là nguyên nhân dẫn đến những ca bị viêm cơ tim. Vì thế, một số nhà khoa học nêu ý tưởng chỉ tiêm cho trẻ em 1 mũi, thay vì 2 mũi như với người lớn. Tuy nhiên, cả hai vấn đề này đều chưa được nghiên cứu kỹ càng.

Người cao tuổi càng nên tiêm

Đối với nhóm người cao tuổi, đánh giá của các cơ quan quản lý dược quốc tế ở nhiều nước có kinh nghiệm về tiêm vắc-xin không tìm thấy bằng chứng cho thấy sự lo ngại về việc tiêm vắc-xin cho những người này. CDC thúc giục những người từ 65 tuổi trở lên nên tiêm vắc-xin COVID-19 để tránh bị ốm nặng nếu mắc bệnh.

CDC xác định rằng hầu hết những tác dụng phụ của vắc-xin lên nhóm đối tượng này đều không nghiêm trọng. Phân tích những trường hợp tử vong tại các cơ sở chăm sóc người cao tuổi không tìm thấy mô hình nào gợi ý mối liên quan giữa tiêm vắc-xin và tử vong bất thường.

Theo nghiên cứu của Cơ quan y tế cộng đồng Anh (PHE), vắc-xin COVID-19 đã cứu mạng 10.400 người từ 60 tuổi trở lên trong thời gian từ ngày 8/12 năm ngoái đến cuối tháng 3 năm nay. Con số này gợi ý rằng hơn 9.000 trường hợp tử vong ở nhóm tuổi từ 80 trở lên đã được ngăn chặn. PHE cho biết họ sử dụng dữ liệu thời gian thực để đánh giá hiệu quả của mũi tiêm. Cơ quan này khẳng định ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy vắc-xin giúp giảm lây nhiễm.

Cơ quan dược phẩm châu Âu không tìm thấy mối quan ngại an toàn cụ thể nào khi tiêm cho nhóm cao tuổi, dựa trên đánh giá số liệu thực khắp thế giới và báo cáo về những trường hợp gặp tác dụng phụ ở châu Âu sau khi tiêm vắc-xin Pfizer/BioNTech, trong bối cảnh có báo cáo về một số trường hợp tử vong ở Na Uy sau khi tiêm phòng.

Ngoài mục tiêu bảo vệ trẻ em khỏi virus SARS-CoV-2, một trong những mục tiêu chính của việc mở rộng đối tượng tiêm chủng sang nhóm trẻ hơn là để phá vỡ các chuỗi lây nhiễm trong gia đình và trường học.

Nguồn: [Link nguồn]

Những đối tượng nào chống chỉ định tiêm vắc-xin COVID-19 cùng loại?

Theo Bộ Y tế, những người bị tiền sử phản vệ từ độ 2 trở lên (nêu rõ tác nhân dị ứng) thuộc diện chống chỉ định...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thu Loan ([Tên nguồn])
Vắc-xin COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN