Các dấu hiệu nhận biết bạn đã mắc các bệnh về gan

Sự kiện: Bệnh gan

Các triệu chứng thường là mệt mỏi, ăn không ngon miệng, giảm cân không rõ lý do, đau tức vùng bụng phải...

Theo BS Nguyễn Thái Anh Tuấn, Khoa Điều trị Gan-Mật-Tụy, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, gan là một tạng lớn nhất trong cơ thể, đảm nhiệm tới hơn 500 chức năng, trong đó một trong những chức năng quan trọng là chuyển hoá các chất dinh dưỡng, trung hoà và thải trừ các chất gây hại cho cơ thể.

BS thăm khám cho bệnh nhân. 

BS thăm khám cho bệnh nhân. 

Các dấu hiệu thường gặp của bệnh lý gan

Các triệu chứng có thể xuất hiện một cách tự nhiên hoặc sau khi có một số yếu tố như: Sau khi uống quá nhiều rượu, lạm dụng thuốc hoặc nhiễm virus viêm gan….

Các triệu chứng thường là mệt mỏi, ăn không ngon miệng, giảm cân không rõ lý do, đau tức vùng bụng phải, tiểu vàng sẫm, da và củng mạc mắt vàng, chảy máu cam, chảy máu chân răng, phù chân.

Với cuộc sống hiện đại, có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng tới sức khoẻ. Một số bệnh lý gan ngày càng tăng như: Viêm gan virus, bệnh gan nhiễm mỡ do rượu, bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu…

Trên thực tế, Khoa điều trị Gan mật tụy 108 đã tiếp nhận thông tin nhiều người bệnh tự ý sử dụng các loại thuốc, thực phẩm chức năng để điều trị các bệnh lý gan mật, tuy nhiên bệnh không những không đỡ mà lại tiến triển nặng.

Thay đổi lối sống có thể giúp cho gan khỏe mạnh mà không cần các liệu pháp giải độc gan bằng thuốc, dưới đây là một số phương pháp hiệu quả bệnh nhân cần lưu ý:

1. Hạn chế sử dụng rượu bia

Gan chỉ có thể xử lý một lượng bia, rượu nhất định cùng một lúc, gan phải làm việc nhiều hơn khi bạn uống càng nhiều bia rượu. Theo thời gian, điều này có thể dẫn đến viêm, xơ hoặc ung thư gan. Do đó, hạn chế sử dụng bia, rượu là cách tốt nhất để bảo vệ lá gan của bạn.

2. Xây dựng một chế độ ăn uống cân bằng hàng ngày

Ăn nhiều trái cây cùng chất xơ từ rau, quả hạch, hạt và ngũ cốc nguyên hạt. Đảm bảo bổ sung protein cho các enzym giúp cơ thể giải độc một cách tự nhiên.

3. Tránh các đồ ăn nhanh

Đồ ăn nhanh thường chứa nhiều dầu mỡ, hàm lượng carbohydrate cao, dễ dẫn tới thừa cân, béo phì và các bệnh lý chuyển hoá như đái tháo đường.

4. Giữ cân nặng hợp lý

Giảm cân, duy trì chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 18,5 -22,9 Kg/m2, duy trì vòng bụng dưới 90 cm ở nam và dưới 80 cm ở nữ.

5. Tập thể dục hàng ngày

Tập thể dục thường xuyên, ít nhất 30 phút mỗi ngày, 5 ngày mỗi tuần. Trường hợp có bệnh lý tim mạch, hô hấp, cần tập luyện theo chế độ chuyên khoa hướng dẫn để đảm bảo an toàn. Tránh tập luyện quá sức làm nặng thêm tình trạng bệnh.

6. Giảm các nguy cơ có thể dẫn đến bệnh lý viêm gan vi rút

Tiêm vắc xin phòng bệnh viêm gan, không quan hệ tình dục không có “bảo vệ” với những người mà bạn không biết. Không dùng chung đồ vệ sinh cá nhân như bàn chải đánh răng, dao cạo râu… Không sử dụng chung bơm tiêm. Tránh ăn đồ ăn chưa được nấu chín để phòng các bệnh viêm gan virus lây qua đường tiêu hoá.

7. Đi khám định kỳ nếu có bệnh lý gan mạn tính

Những bệnh nhân viêm gan B, C mạn tính, bệnh gan do rượu, xơ gan cần đi khám định kỳ nhằm tầm soát ung thư gan. Nếu ung thư gan được phát hiện và điều trị từ giai đoạn sớm sẽ mang lại hiệu quả tốt.

Đặc biệt, hiện nay hội chứng chuyển hoá đang có xu hướng gia tăng ở các nước đang phát triển. Đây là một trong những nguyên nhân gây bệnh lý gan mạn tính, gọi là bệnh lý gan nhiễm mỡ không do rượu. Bệnh lý này hay gặp ở những người mắc bệnh đái tháo đường typ 2, tăng huyết áp, béo phì, thừa cân, mỡ bụng, rối loạn chuyển hoá lipid, bệnh gout.

Do đó, để đề phòng bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu cần thực hiện tốt chế độ điều trị bệnh lý nền tim mạch, đái tháo đường theo đơn của bác sỹ chuyên khoa.

Bên cạnh đó, thực hiện chế độ ăn phù hợp theo từng mặt bệnh (giảm ăn mặn ở những người tăng huyết áp, hạn chế ăn ngọt, ăn nhiều bữa nhỏ ở bệnh nhân đái tháo đường, hạn chế ăn thức ăn nhiều đạm động vật, phủ tạng động vật ở bệnh nhân gout…). Thực hiện chế độ sinh hoạt, vận động thể dục thể thao hợp lý theo từng mặt bệnh chuyên khoa, mục đích duy trì cân nặng hợp lý, giảm mỡ bụng.

Những người nào dễ mắc ung thư gan, cần đi khám sớm?

Bác sỹ Hà Hải Nam, Phó Trưởng khoa Ngoại bụng 1 – Bệnh viện K chỉ ra những đối tượng có nguy cơ cao cần tầm soát ung thư gan.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo DIỆU THU ([Tên nguồn])
Bệnh gan Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN