Các dấu hiệu nghi ngờ mắc đậu mùa khỉ và cách phòng tránh
Nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ khi bạn có các nốt phát ban dạng mụn nước hoặc mụn mủ và có các dấu hiệu bệnh đi kèm và có các yếu tố dịch tễ.
Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), đậu mùa khỉ lây truyền từ động vật sang người, việc lây truyền từ người sang người xảy ra khi tiếp xúc trực tiếp gần, lây qua vết thương hở, dịch cơ thể, giọt bắn lớn của đường hô hấp và qua tiếp xúc với các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh.
Sự lây truyền đậu mùa khỉ cũng có thể xảy ra qua nhau thai từ mẹ sang thai nhi hoặc khi tiếp xúc gần trong và sau khi sinh.
Trường hợp nào được xem là nghi ngờ mắc đậu mùa khỉ
Là trường hợp có phát ban cấp tính dạng mụn nước hoặc mụn mủ và không giải thích được bằng các bệnh phát ban phổ biến khác (thủy đậu, herpes, sởi, nhiễm trùng da do vi khuẩn, lậu, giang mai...)
Và có một hoặc nhiều triệu chứng sau: Đau đầu; sốt trên 38,5°C; nổi hạch (sưng hạch bạch huyết); đau cơ, đau lưng, đau nhức cơ thể; mệt mỏi.
Đồng thời, có một hoặc nhiều yếu tố dịch tễ sau:
Trong vòng 21 ngày trước khi khởi phát triệu chứng, có tiếp xúc với trường hợp bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh nghi ngờ đậu mùa khỉ, thông qua tiếp xúc trực tiếp với da hoặc tổn thương da (bao gồm cả quan hệ tình dục), hoặc tiếp xúc với các vật dụng bị ô nhiễm như quần áo, giường, đồ dùng cá nhân của người bệnh.
Trong vòng 21 ngày trước khi khởi phát triệu chứng, có quan hệ với nhiều bạn tình.
Cần làm gì nếu nghi ngờ mắc bệnh?
Nếu nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ, hãy khai báo với trạm y tế hoặc đến các cơ sở khám chữa bệnh.
Hạn chế tối đa việc tiếp xúc với người khác, đeo khẩu trang và giữ khoảng cách từ 2 mét trở lên khi tiếp xúc nếu cần thiết.
Không ăn uống chung, ngủ chung bao gồm cả quan hệ tình dục với người khác.
Sử dụng riêng các vật dụng, đồ dùng sinh hoạt cá nhân.
Thông báo cho những người tiếp xúc gần biết để tự theo dõi sức khỏe và liên hệ cơ sở y tế ngay khi có triệu chứng nghi ngờ.
Xác định mắc bệnh bằng cách nào?
Bệnh nhân sẽ được lấy mẫu xét nghiệm tại các tổn thương trên da. Trường hợp bệnh xác định khi có kết quả xét nghiệm dương tính với virus đậu mùa khỉ bằng kỹ thuật Real-time PCR và/hoặc giải trình tự gen.
Nếu được chẩn đoán xác định mắc bệnh thì sẽ thực hiện cách ly tối thiểu 14 ngày và phải hết các triệu chứng bệnh (không xuất hiện tổn thương trên da mới tối thiểu 48 giờ và các sang thương đã đóng vẩy khô).
7 biện pháp phòng ngừa đậu mùa khỉ
Bảy biện pháp phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ được Bộ Y tế khuyến cáo. Ảnh: HCDC
HCDC đã điều tra tiền sử đi lại, lập danh sách gồm 8 người tiếp xúc gần với bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ ở Đồng Nai.
Nguồn: [Link nguồn]