Các bệnh viện dã chiến gồng mình tiếp nhận F0
Những trường hợp mới phát hiện mắc COVID-19 vẫn ở mức cao, thành phố đang tăng năng lực tiếp nhận, điều trị nhưng nhân sự và cơ sở vật chất có giới hạn. Dù có những khó khăn nhất định trong công tác chuyên môn những tất cả các y bác sĩ đang cố gắng để chăm sóc tốt nhất cho bệnh nhân.
Trưa 18/7 rất nhiều phương tiện vận chuyển F0 đến Khu tái định cư An Khánh chờ làm thủ tục cho bệnh nhân nhập viện.
Trưa 18/7, nhiều chuyến xe tiếp tục vận chuyển bệnh nhân F0 mới được phát hiện đến các bệnh viện dã chiến tại Khu tái định cư An Khánh trên địa bàn Thành phố Thủ Đức. “Trên xe đang có 5 bệnh nhân được sàng lọc và phát hiện tại bệnh viện và ngoài cộng đồng. Tôi đã liên hệ với Bệnh viện Dã chiến số 6 để làm thủ tục cho họ nhập viện, hy vọng họ sớm tiếp nhận” – Nam tài xế xe cứu thương của Bệnh viện An Sinh cho biết.
Lực lượng y tế chủ động các phương án khử khuẩn, tiếp nhận bệnh nhân từ các nơi chuyển đến bệnh viện dã chiến.
Cùng thời điểm này, nhiều xe buýt, xe khách và xe cấp cứu khác cũng đang xếp hàng trên đường chờ làm thủ tục cho bệnh nhân nhập viện. “Chúng tôi từ quận 7 vừa phát hiện dương tính tối hôm qua, sáng nay được chuyển tới đây. Trên xe có một số em người đang bị khó thở, mong sớm vào bệnh viện để được các bác sĩ hỗ trợ” – một người đàn ông ngồi trên xe buýt đang dừng trước bệnh viện dã chiến chia sẻ.
Khoảng 5% bệnh nhân COVID-19 trở nặng sau khi nhập viện phải tiếp tục chuyển lên tuyến trên điều trị.
Hiện nay, Khu tái định cư An Khánh đã có 4 bệnh viện dã chiến đi vào hoạt động với công suất đáp ứng 19.000 bệnh nhân. Trao đổi với phóng viên báo Tiền Phong, BS Trần Kinh Quế, Phó giám đốc Bệnh viện Thống Nhất đang hỗ trợ chuyên môn trong công tác chống dịch cho Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 8 cho biết: "Tổng công suất của bệnh viện là 5.000 giường, tuy nhiên chúng tôi không thể một lúc tiếp nhận đủ số bệnh nhân mà còn phải chuẩn bị cho công tác nhân sự, trang thiết bị và hậu cần. Đến sáng nay, bệnh viện hiện có hơn 2.300 bệnh nhân đang được điều trị, mỗi phòng có khoảng 6 đến 8 bệnh nhân ở cùng nhau.
Lực lượng hậu cần tại Bệnh viện Dã chiến số 6 đang tiếp tế thực phẩm cho bệnh nhân.
Bệnh viện đã đi vào hoạt động được 6 ngày, những ngày đầu hoạt động, mọi điều kiện còn khá khó khăn, thiếu thốn. Đây là chung cư mới được xây dựng, nỗi lo lớn nhất của chúng tôi là tình trạng điện nước chưa ổn định nếu xảy ra sự cố chập điện dẫn tới cháy nổ thì hậu quả sẽ khó lường.
Lãnh đạo bệnh viện đã phải bàn bạc với chính quyền địa phương để sắp xếp hiệu quả hơn các vấn đề hạn chế còn tồn tại. Đến nay công tác tổ chức tiếp nhận bệnh nhân đang từng bước ổn định. Dù phải đối mặt với những khó khăn, nhưng lực lượng y tế đang cố gắng để chăm sóc tốt nhất cho bệnh nhân".
Tương tự tại Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 6, TS.BS Phan Minh Hoàng, Giám đốc Bệnh viện cho biết: “Công suất của bệnh viện là 5.500 giường, đến trưa 18/7 chúng tôi đã tiếp nhận 3.858 bệnh nhân trong nhóm không có triệu chứng đến bệnh nhẹ. Thực tế việc điều trị những ngày qua cho thấy có khoảng 5% bệnh nhân chuyển nặng đột ngột phải tiến hành các biện pháp cấp cứu và chuyển lên tuyến trên”.
TS.BS Phan Minh Hoàng, Giám đốc Bệnh viện Dã chiến số 6, trực tiếp kiểm tra công tác chuẩn bị thuốc điều trị cho bệnh nhân.
BS Phan Minh Hoàng cho biết, để đáp ứng nhanh nhất với mọi tình huống khẩn cấp, BV đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và điều trị bệnh nhân. Mặt khác, theo chỉ đạo của Sở Y tế, các bệnh viện ở tuyến đầu sẽ từng bước nâng cao năng lực điều trị để giảm lượng bệnh nặng phải chuyển lên tuyến trên. Tại Bệnh viện Dã chiến số 6 hiện đã được trang bị phòng xét nghiệm các chỉ số sinh hóa, sắp tới sẽ tăng cường thêm nhiều trang thiết bị y tế và nguồn oxy để đáp ứng cho nhu cầu điều trị.
Cuộc chiến giành giật sự sống cho bệnh nhân trong đại dịch dự báo còn kéo dài.
Tính đến trưa 18/7 trên địa bàn TPHCM hiện có 26.873 bệnh nhân mắc COVID-19 đang điều trị, hiện đã có 189 bệnh nhân tử vong. Ngoài nỗ lực xét nghiệm để tách F0 ra khỏi cộng đồng, ngành y tế đang tập trung cho công tác điều trị với hy vọng kéo giảm được số ca tử vong. Tuy nhiên, nhiều ngày qua tổng số ca bệnh phát hiện mỗi ngày vẫn ở mức cao, nếu không kéo giảm được số ca mắc, ca tử vong, nguy cơ toàn thành phố sẽ phải tiếp tục thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16.
Nguồn: [Link nguồn]
Đây là những chia sẻ thiết thực được nhiều người quan tâm của bác sĩ Lương Trường Sơn, nguyên Phó Viện trưởng Viện...