Các bệnh hay gặp khi trời nắng nóng
BS CKII. Nguyễn Viết Hậu - Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, thời tiết nắng nóng dễ gây ra các bệnh lý ảnh hưởng tới sức khỏe mọi người, thậm chí tử vong.
Bác sĩ Hậu cho biết, thời tiết hiện bắt đầu nắng nóng, nhiệt độ cũng tăng lên nên vào thời điểm này các bệnh nhân bị các bệnh liên quan tới nhiệt độ cũng tăng theo.
Đơn cử như bệnh phù do nhiệt, theo bác sĩ Hậu đây là triệu chứng xuất hiện khi mọi người thay đổi môi trường như đi du lịch đến nơi có thời tiết nắng nóng hơn nhiều so với nơi ở thường ngày, ở trong phòng máy lạnh lâu và đột ngột di chuyển ra môi trường nắng nóng...
Biểu hiện của bệnh là phù thường xuất hiện ở phần thấp cơ thể như mắt cá, bàn chân. Nguyên nhân là do mạch máu giãn ra để thải nhiệt, gây ra phù. Sau khi cơ thể thích nghi trong thời gian vài giờ hay một vài ngày thì triệu chứng sẽ mất đi. Nếu triệu chứng không mất đi, chúng ta có thể kê cao chân khi ngủ để mạch máu lưu thông bình thường. Ở mức độ này chúng ta không cần dùng thuốc.
Tuy nhiên, có nhiều người vì lo lắng nên đã uống thuốc lợi tiểu để giảm phù, điều này không có lợi mà còn gây hại thêm cho cơ thể vì làm tăng tình trạng mất nước của cơ thể.
Hay như bị phát ban do nhiệt, nguyên nhân là tại những vùng da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời hay nhiệt độ cao bên ngoài, các tuyến mồ hôi của da bị tắc và mồ hôi tiết ra không tới được bề mặt da để bay hơi, gây ra viêm da. Bệnh thường có biểu hiện là xuất hiện nhiều nốt nhỏ nổi trên mặt da, màu đỏ, gây cảm giác như kim châm hay ngứa ở da.
Ảnh minh họa
Bệnh này chỉ xuất hiện sau một thời gian sẽ phục hồi, không cần điều trị đặc hiệu. Nếu bị ngứa nhiều có thể dùng các loại thuốc chống dị ứng thông thường, hạn chế tiếp xúc với ánh nắng; sau đó cơ thể sẽ tự điều chỉnh và các triệu chứng sẽ biến mất.
Chuột rút do nhiệt, bệnh thường xuất hiện ở những người lao động nặng hay những vận động viên phải tập luyện với cường độ cao. Trong khi cơ thể đang vận động và sinh nhiệt, gặp nhiệt độ môi trường cao sẽ dễ gây ra chuột rút.
Bệnh thường có biểu hiện đau ở các cơ của thành bụng, đặc biệt ở các bắp đùi, cẳng chân. Các triệu chứng đau xuất hiện là do khi hoạt động nặng, các cơ phải làm việc liên tục đi kèm cơ thể bị mất nước và muối qua mồ hôi quá nhiều, dẫn đến tình trạng co thắt cơ.
Bác sĩ Hậu cho biết khi bị chuột rút do nhiệt có thể sử dụng các loại thuốc giảm đau thông thường, nghỉ ngơi, di chuyển đến nơi thoáng mát, bù nước có muối khoáng. Lưu ý không sử dụng nước lọc vì không thể đáp ứng nhu cầu mất muối và nước của cơ thể. Nước có muối khoáng chẳng hạn như các dung dịch nước điện giải trị tiêu chảy, nước chanh có pha muối, đường... Sau khi nghỉ ngơi, bù nước các triệu chứng sẽ tự giới hạn và sẽ biến mất.
Ngoài ra, bác sĩ Hậu cho biết, trong thời tiết nóng bức hay trong thời điểm giao mùa phải lưu ý thêm các bệnh lý về đường hô hấp. Nguyên nhân là do mọi người có xu hướng ở trong phòng máy lạnh quá lâu, sử dụng quạt mạnh hoặc ăn uống các loại thức ăn, thức uống lạnh hay có đá... Những hoạt động như vậy vô tình làm khô niêm mạc, khô chất nhầy của đường hô hấp. Làm cho các vi trùng có lợi cho cơ thể chết đi, tạo điều kiện thuận lợi cho các siêu vi, vi trùng ngoại lai dễ xâm nhập gây các bệnh lý như: nhiễm siêu vi, viêm đường hô hấp trên...
Khi nhiệt độ tăng cao thì sẽ dẫn đến việc tăng tiết mồ hôi và chất bã nhờn. Đặc biệt là ở trẻ em hay người già cao tuổi mắc các bệnh phải nằm lâu sẽ dễ bị lở loét, các vi nấm mọc nhiều hơn ở các vùng kẽ da như nách, bẹn...
Một số bệnh truyền nhiễm chúng ta ít chú ý tới như sởi, quai bị, bệnh tay chân miệng cũng thường xuất hiện trong thời gian này. Đối với trẻ ở độ tuổi cấp 1 hay cấp 2, cha mẹ ít chú ý kiểm tra lịch tiêm phòng. Tốt nhất, sau 3 đến 5 năm, chúng ta nên chích ngừa nhắc lại cho trẻ để phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm trong mùa nắng nóng.
Nguồn: [Link nguồn]
Đột quỵ chịu ảnh hưởng của rất nhiều yếu tố, trong đó thời tiết thay đổi, chuyển lạnh hoặc chuyển nóng đột ngột...