Cà phê và sữa đẩy lùi loại ung thư phổ biến thứ 5 thế giới
Phân tích 6 nhóm thực phẩm khác nhau, các nhà khoa học đã tìm ra thêm một lợi ích bất ngờ của cà phê và sữa.
Theo một nghiên cứu công bố trên tạp chí khoa học Frontiers in Nutrition, một số nhóm thực phẩm có tác dụng đặc biệt lớn với nguy cơ ung thư dạ dày. Trong đó, những người uống nhiều cà phê và sữa hưởng lợi nhiều nhất.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ung thư dạ dày là loại ung thư phổ biến hàng thứ 5 và cũng gây tử vong cao thứ 5 trong số các bệnh ung thư.
Thói quen uống cà phê và sữa thường xuyên có thể giúp giảm nguy cơ ung thư dạ dày, theo nghiên cứu của Trung Quốc - Ảnh minh họa từ Internet
Nhóm tác giả đến từ Đại học Y khoa Thiên Tân, Đại học Y khoa Nội Mông, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa bệnh mãn tĩnh và bệnh không lây nhiễm quốc gia, Phòng thí nghiệm trọng điểm về chuyển hóa lâm sàng khối u Liêu Ninh (Trung Quốc) đã nghiên cứu trên 2.468 tình nguyện viên.
Những người này nhận được bảng hỏi chi tiết về các món họ thường xuyên ăn, sau đó xem xét dữ liệu theo 6 mô hình khác nhau.
Mô hình 1 đặc trưng bởi sự tiêu thụ gia vị, trứng, tỏi, rau và thịt đỏ, được gọi tắt là mô hình gia vị - tỏi - protein. Mô hình 2 đặc trưng bởi việc ăn nhiều thực phẩm nước, đồ chiên, thịt đỏ, hải sản, gọi tắt là mô hình thức ăn nhanh.
Mô hình 3 là mô hình rau - trái cây, mô hình 4 là mô hình thực phẩm ngâm chua - đậu nành, đặc trưng bởi việc tiêu thụ nhiều các món rau, dưa ngâm, thịt chế biến và sản phẩm đậu nành.
Mô hình 5 đặc trưng bởi lượng đồ ăn vặt và đồ uống có gas cao, gọi là mô hình thực phẩm không thiết yếu. Mô hình 6 đặc trưng bởi mức tiêu thụ cao cà phê và sữa.
Khi so sánh những người ăn nhiều nhất và ít nhất loại thực phẩm được đề cập đến trong mô hình, sự khác biệt đối với nguy cơ ung thư dạ dày thể hiện rõ rệt đối với mô hình 1, 2, 4, 5 và 6.
Trong đó, mô hình thức ăn nhanh đem đến tác động cực kỳ bất lợi, với nguy cơ ung thư dạ dày tăng hơn gấp đôi so với nhóm ăn ít nhất. Mô hình thức ăn không thiết yếu cũng đem đến cho nhóm ăn nhiều nhất mức tăng nguy cơ khoảng 60%.
Tác dụng có lợi ghi nhận ở mô hình 1, 4 và 6: Những người ăn/uống nhiều loại thực phẩm đặc trưng của mỗi mô hình giảm nguy cơ ung thư dạ dày lần lượt khoảng 21,4%, 19,6% và 31%.
Trong mô hình 4, tuy có bằng chứng cho thấy một số dạng thực phẩm ngâm chua có thể làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày, nhưng đậu nành lại có rất nhiều lợi ích, lấn át được tác động tiêu cực từ các thực phẩm khác.
Mô hình "thần kỳ nhất" - cà phê và sữa - bảo vệ mạnh mẽ khỏi ung thư dạ dày do một loạt hợp chất có lợi.
Cà phê chứ nhiều hợp chất hoạt tính sinh học, đặc biệt là nhóm phenolic, vốn có thể ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư thông qua tác dụng chống oxy hóa, chống độc tính gene, độc tính ti thể và chống viêm.
Trong khi đó sữa có vitamin D, khoáng chất, canxi và axit linoleic liên hợp, mang tác dụng chống ung thư nói chung. Các sản phẩm sữa lên men như phô mai và sữa chua có thể ngăn chặn vi khuẩn HP, thứ có thể thúc đẩy ung thư dạ dày trong một số trường hợp.
Trái với suy nghĩ thông thường, cà phê thực sự có tác động tích cực đến người bệnh cao huyết áp.
Nguồn: [Link nguồn]