Ca mắc tăng cao, Bình Dương làm gì để cứu F0?

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Mặc dù ca mắc COVID-19 mỗi ngày ghi nhận cao thuộc top đầu cả nước nhưng Bình Dương quyết tâm đến ngày 15/9 sẽ kiểm soát được dịch, trở về trạng thái bình thường mới. Với việc ca mắc COVID-19 liên tục ghi nhận, Bình Dương làm gì để cứu F0?

Tính từ đợt dịch thứ 4 đến nay, tỉnh Bình Dương ghi nhận 110.258 ca mắc COVID-19; 858 bệnh nhân tử vong và gần 58.000 bệnh nhân xuất viện về nhà.​ Bình Dương đang áp dụng giãn cách xã hội, trong đó áp thực hiện biện pháp mạnh hơn Chỉ thị 16 trên tinh thần “đông cứng, khóa chặt” 15 phường thuộc TX Tân Uyên, TP Thuận An và TP Dĩ An.

Số ca mắc theo ngày từ đầu tháng 8 đến nay (biểu đồ thống kê của tỉnh Bình Dương)

Số ca mắc theo ngày từ đầu tháng 8 đến nay (biểu đồ thống kê của tỉnh Bình Dương)

Bình Dương đã lên kế hoạch ứng phó với 150.000 ca mắc COVID-19 (tổng lũy kế) trong bối cảnh xét nghiệm diện rộng và ghi nhận ca mắc đến 4 con số mỗi ngày. Với việc thần tốc xét nghiệm, những ngày qua, địa phương này ghi nhận số ca mắc giao động từ 2 đến 4.000 ca mỗi ngày, có hôm lên đến 6.000 ca (30/8). Số ca ghi nhận nhiều chủ yếu ở các “vùng đỏ”.

Thần tốc bóc tách, cứu F0

Với quyết tâm chậm nhất đến ngày 15/9 sẽ kiểm soát được dịch bệnh, trở về trạng thái bình thường mới, tỉnh Bình Dương đã huy động nhân lực tập trung dập dịch. “Trong những ngày tới, Bình Dương quyết tâm bóc tách hoàn toàn F0 ra khỏi cộng đồng. Thu hẹp “vùng đỏ” mở rộng “vùng xanh” tiến tới xanh hóa toàn bộ”, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi cho biết.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi (bìa trái) chỉ đạo các đơn vị, địa phương thần tốc bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng và đưa đi khu điều trị ngay khi test nhanh dương tính không cần chờ kết quả PCR

Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi (bìa trái) chỉ đạo các đơn vị, địa phương thần tốc bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng và đưa đi khu điều trị ngay khi test nhanh dương tính không cần chờ kết quả PCR

Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương cho hay đã yêu cầu các đơn vị, địa phương tổ chức sắp xếp lại nhân lực y tế phù hợp với tình hình thực tế một cách khoa học, trong đó mô hình trạm y tế lưu động phải gắn liền với các bệnh viện, cơ sơ điều trị dã chiến tầng 1. Trạm y tế lưu động phải bảo đảm đủ điều kiện hoạt động, bắt buộc phải có cơ số thuốc, bình oxy, nhân lực y tế để kịp thời chữa trị F0 ngay từ khi mới phát hiện, tránh bệnh diễn biến nặng, giảm áp lực cho các tầng điều trị.

Về bóc tách, điều trị F0, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi cũng yêu cầu các đơn vị, địa phương tổ chức hoạt động y tế theo hướng không còn khu cách ly, mà chỉ có khu điều trị. Kiên trì xét nghiệm theo phương án ngày 1;3;5 để nhanh chóng bóc tách F0 khỏi cộng đồng.

“Quá trình xét nghiệm diện rộng, nhất là ở “vùng đỏ” phải tiến hành thần tốc nhưng phải đảm bảo an toàn không để lây chéo. Ngay khi test nhanh ghi nhận kết quả dương tính không cần chờ kết quả PCR, lập tức đưa F0 đến khu điều trị. Trước mắt, từ nguồn vắc xin phân bổ chưa nhiều, địa phương sẽ ưu tiên cho các địa bàn “vùng đỏ””, ông Lợi nói.

Cũng theo lãnh đạo Tỉnh ủy Bình Dương, địa phương xác định “lấy xã, phường làm pháo đài” trên mặt trận phòng, chống dịch; nêu cao tinh thần trách nhiệm của từng người dân, xem việc chống dịch là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi người dân. Chiến thắng dịch là chiến thắng của nhân dân. Để làm được điều đó, Tỉnh ủy Bình Dương đã đề nghị các đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm việc giãn cách, đảm bảo an sinh xã hội, an ninh trật tự thông qua việc tuyên truyền đến từng khu phố, ấp, khu cách ly cho người dân biết, hiểu, tin tưởng, chia sẻ, thực hiện.

Bình Dương tổ chức xét nghiệm diện rộng

Bình Dương tổ chức xét nghiệm diện rộng

Lãnh đạo Tỉnh ủy Bình Dương cho biết thêm, đối với việc đảm bảo sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa và học tập sẽ thực hiện dựa theo tình hình diễn biến dịch bệnh. Đến ngày 15/9, nếu dịch bệnh đã được kiểm soát tốt sẽ triển khai.

TS.BS Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết thêm, F0 bắt buộc phải thu dung điều trị tại cơ sở điều trị cách ly tập trung thuộc các trường hợp gồm: Người béo phì; độ tuổi từ 65 trở lên; có các bệnh nền; phụ nữ đang mang thai và các trường hợp có triệu chứng, sốt, ho, khó thở.

Đối với 15 địa phương đang thực hiện “khoá chặt, đông cứng” tại 3 địa phương “vùng đỏ” gồm TP.Thuận An, TP .Dĩ An và TX.Tân Uyên, ngành y tế sẽ thực hiện ít nhất 3 lần lấy mẫu theo nguyên tắc ngày 1,3,5 và sau đó khẳng định bằng phương pháp xét nghiệm RT- PCR để tìm bóc tách hết F0 khỏi các “vùng đỏ”. Ngoài ra, ưu tiên tiêm vắc xin cho người dân “vùng đỏ” để hạn chế F0 diễn biến nặng.

"Trước diễn biến dịch bệnh phức tạp, ngoài việc tập trung cứu F0, chúng ta cần phải miễn dịch cho người dân bằng vắc xin. Theo tôi, bất kể là vắc xin loại nào, sản xuất từ đâu khi đã được quốc tế và Việt Nam công nhận thì đều có công dụng tương đương nhau. Đây không phải là lúc để lựa chọn, nhất là đang trong bối cảnh nguồn vắc xin phẩn bổ không nhiều", đại diện Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Dương chia sẻ với PV Tiền Phong.

Nguồn: [Link nguồn]

Chuyên gia lý giải vì sao số ca tử vong do COVID-19 tăng cao và biện pháp hạn chế

GS.TS Nguyễn Gia Bình - Chủ tịch hội Hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam, Tổ trưởng tổ điều trị bệnh nhân COVID-19...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hương Chi ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN