Ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên tại Việt Nam: Không nên hoang mang
Qua hệ thống giám sát chủ động, Sở Y tế TPHCM đã phát hiện ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên tại Việt Nam. Chuyên gia y tế khuyến cáo cộng đồng không nên hoang mang, cần bình tĩnh ứng phó.
Sáng 3/10, trong cuộc họp giao ban đầu tuần về tình hình dịch bệnh và nhiệm vụ trọng tâm quý IV/2022, PGS.BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, thành phố đã phát hiện 1 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ. Đây là trường hợp đầu tiên nhiễm căn bệnh này được ghi nhận tại Việt Nam kể từ khi dịch lây lan trên diện rộng và bùng phát tại nhiều quốc gia. Thông tin chi tiết về ca bệnh đã được báo cáo cụ thể đến Bộ Y tế.
Tại TPHCM, hệ thống giám sát chủ động đối với bệnh đậu mùa khỉ đã được triển khai từ khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo về nguy cơ bùng phát dịch.
BS Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM cho biết, hiện nay ngành y tế thành phố đang tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan theo dõi sát tất cả các ca nghi mắc bệnh đậu mùa khỉ từ cửa khẩu đến địa phương.
“Khi người nhập cảnh có những biểu hiện như sốt, phát ban sẽ được mời kiểm tra và điều tra dịch tễ. Nếu nghi ngờ bệnh đậu mùa khỉ, người bệnh phải thực hiện cách ly, tiếp tục theo dõi”, bác sĩ Tâm nói.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TPHCM là nơi tiếp nhận điều trị các ca bệnh đậu mùa khỉ. Ảnh: Vân Sơn
Hiện nay, Sở Y tế TPHCM đã chỉ đạo tất cả các trung tâm y tế, trạm y tế, đến các bệnh viện công lập và ngoài công lập tăng cường các biện pháp khám sàng lọc, phát hiện đối tượng nghi mắc bệnh đậu mùa khỉ.
Hệ thống giám sát của thành phố đang chủ động theo dõi và ngăn chặn nguy cơ xâm nhập, lây nhiễm trên địa bàn. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM được phân công là bệnh viện tuyến cuối tiếp nhận các trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ.
Không nên hoang mang
Bệnh đậu mùa khỉ (monkeypox) được ghi nhận lần đầu tiên vào năm 1958 trên các đàn khỉ được nuôi để nghiên cứu. Trường hợp bệnh đầu tiên ở người được ghi nhận vào năm 1970 tại Cộng hòa Dân chủ Công Gô. Từ tháng 5/2022 đến nay, đậu mùa khỉ có diễn biến bất thường, đã ghi nhận trên 35 nghìn ca mắc tại 92 quốc gia, trong đó có 12 trường hợp tử vong.
Trước khi Việt Nam ghi nhận ca bệnh đầu tiên, đậu mùa khỉ đã xuất hiện ở nhiều quốc gia lân cận như Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản. Ngày 23/7/2022, WHO công bố dịch bệnh này là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế.
Đậu mùa khỉ là bệnh lây truyền từ động vật sang người, lây truyền từ người sang người khi tiếp xúc trực tiếp gần, lây qua vết thương hở, dịch cơ thể, giọt bắn lớn của đường hô hấp và qua tiếp xúc với các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Sự lây truyền có thể xảy ra qua nhau thai từ mẹ sang thai nhi hoặc khi tiếp xúc gần trong và sau khi sinh.
Biến chứng ở các ca bệnh đậu mùa khỉ nặng bao gồm nhiễm trùng da, viêm phổi, lú lẫn, và nhiễm trùng mắt có thể dẫn đến mất thị giác, trường hợp nặng, không được điều trị kịp thời có thể dẫn tới tử vong.
Trao đổi với phóng viên, BS Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch thường trực Hội Truyền nhiễm TPHCM cho rằng, sau thời gian bùng phát trên nhiều quốc gia, đã có những nghiên cứu và hiểu biết về bệnh đậu mùa khỉ.
“Thực tế, những quốc gia đã xuất hiện nhiều ca đậu mùa khỉ, rất ít ghi nhận sự lây nhiễm trong cộng đồng qua các tiếp xúc khác ngoài nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới. Cụ thể tại Mỹ, ở những bang phát hiện nhiều ca bệnh, các điều tra dịch tễ cho thấy đậu mùa khỉ chủ yếu lây nhiễm trong cộng đồng MSM, chưa có sự lây nhiễm qua các tiếp xúc khác.
Do đó, nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng của bệnh đậu mùa khỉ là ở mức thấp, người dân không nên hoang mang, lo lắng” - BS Hữu Khanh nói.
Theo đại diện Bộ Y tế, việc lây nhiễm, khoanh vùng xử lý những người tiếp xúc gần cho thấy khó có khả năng trường hợp này lây bệnh ra cộng đồng.
Nguồn: [Link nguồn]