Ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên tại Việt Nam có dễ lây ra cộng đồng?
Theo đại diện Bộ Y tế, việc lây nhiễm, khoanh vùng xử lý những người tiếp xúc gần cho thấy khó có khả năng trường hợp này lây bệnh ra cộng đồng.
GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, về nguồn lây của ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên được phát hiện tại Việt Nam là từ nước ngoài. Vì trước đó, bệnh nhân này đã ở nước ngoài hơn 60 ngày, có biểu hiện bệnh ở nước ngoài, khi về Việt Nam đã mắc bệnh.
Từ khi trường hợp này có biểu hiện nghi ngờ, Bộ Y tế đã coi như một ca dương tính nên đã khoanh vùng, có biện pháp xử lý, giao các Viện, Sở Y tế TP.HCM khoanh vùng xử lý. Các trường hợp tiếp xúc gần gồm người trong gia đình, cán bộ y tế đã được theo dõi ngay từ đầu. Đến nay sau 11 ngày, tất cả đều chưa có biểu hiện mắc.
(Ảnh minh họa).
Theo ông Lân, đánh giá việc lây nhiễm, khoanh vùng xử lý những người tiếp xúc gần cho thấy khó có khả năng trường hợp này lây bệnh ra cộng đồng.
Ngoài ra, ca mắc này của Việt Nam là nhiễm chủng Tây Phi, giống như hầu hết các ca mắc ghi nhận ở bên ngoài châu Phi trong thời gian gần đây. Người mắc chủng Tây Phi thường có biểu hiện nhẹ hơn người mắc chủng Trung Phi.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh đậu mùa khỉ trên thế giới và tại một số nước khu vực Đông Nam Á trong đó có Việt Nam; để chủ động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp bệnh, kiểm soát dịch kịp thời không để bùng phát dịch bệnh đậu mùa khỉ, dịch chồng dịch, hạn chế tối đa số mắc và tử vong, Bộ Y tế đã có chỉ đạo khẩn.
Thứ nhất, chỉ đạo các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị trên địa bàn thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng tại Công điện số 680 và các hướng dẫn của Bộ Y tế về giám sát và phòng, chống bệnh; chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh…
Thứ 2, chuẩn bị sẵn sàng công tác phòng, chống dịch tại địa phương. Cụ thể, địa phương cần đẩy mạnh việc thực hiện nghiêm giám sát dịch bệnh tại các cửa khẩu, giám sát tại các cơ sở khám chữa bệnh và giám sát dựa vào sự kiện tại cộng đồng để phát hiện sớm, ngăn chặn dịch bệnh kịp thời. Đồng thời, tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến, đảm bảo việc thu dung, phân luồng, điều trị người bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh và phòng chống lây nhiễm tại các cơ sở xét nghiệm, y tế.
Nguồn: [Link nguồn]
Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo 6 biện pháp cần thực hiện ngay để phòng bệnh đậu mùa khỉ.