Ca bệnh COVID-19 ở TP.HCM phải làm gì khi được cách ly tại nhà?
Chăm sóc và theo dõi sức khỏe tại nhà đối với ca bệnh COVID-19 nhằm tránh tình trạng quá tải người mắc COVID-19 tại các cơ sở y tế, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, điều trị, tạo tâm lý thoải mái cho người bệnh.
Chiều 29-7, Sở Y tế TP.HCM ban hành công văn hướng dẫn triển khai chăm sóc và theo dõi sức khỏe tại nhà đối với người mắc COVID-19.
Công văn được gửi các bệnh viện (BV) công lập và ngoài công lập, BV thu dung điều trị COVID-19, trung tâm không giường bệnh TP, UBND cùng Trung tâm Y tế TP Thủ Đức và quận, huyện.
Theo đó, người mắc COVID-19 không triệu chứng đang chăm sóc, điều trị tại các cơ sở y tế đủ điều kiện xuất viện vào ngày thứ 7 được tiếp tục theo dõi, giám sát y tế tại nhà, nơi lưu trú trong 14 ngày.
Người mắc COVID-19 mới được phát hiện tại cộng đồng, không triệu chứng lâm sàng, không yếu tố nguy cơ (không có bệnh nền hoặc có bệnh nền đã điều trị ổn định, không béo phì) thì được cách ly tại nhà trong 14 ngày.
Một điểm trên địa bàn TP.HCM bị phong tỏa do có ca bệnh COVID-19. Ảnh: TRẦN NGỌC
Điều kiện cách ly tại nhà, phải có phòng riêng dành cho người mắc COVID-19, có cửa sổ thông thoáng, có nhà vệ sinh riêng, có số điện thoại riêng, có sẵn số điện thoại của cơ sở y tế, số điện thoại của tổ phản ứng nhanh quận, huyện để liên hệ khi cần thiết.
Có bàn hoặc ghế cá nhân đặt trước cửa phòng cách ly để nhận thức ăn và các vật dụng cá nhân cần thiết; có thùng rác cá nhân có nắp và túi rác đi kèm. Có sẵn dung dịch khử khuẩn tay và bể mặt, nước súc họng hoặc nước muối sinh lý (0,9%), khẩu trang y tế, nhiệt kế.
Có một số loại thuốc thiết yếu gồm thuốc hạ sốt, thuốc nâng cao thể trạng như các loại vitamin, chất dinh dưỡng vi lượng, các thuốc y học cổ truyền.
Đối với trẻ em, người cao tuổi, người có bệnh lý nền không tự chăm sóc cá nhân thì cần có người hỗ trợ và chăm sóc khi cách ly tại nhà. Người mắc COVID-19 có nguyện vọng, cam kết đủ điều kiện và tuân thủ các hướng dẫn khi cách ly tại nhà.
Trong trường hợp tất cả người trong hộ gia đình đều là người mắc COVID-19, có thể tự chăm sóc sức khỏe lẫn nhau thì không cần điều kiện phòng riêng cho từng cá nhân.
Đối với người mắc COVID-19, phải mang khẩu trang thường xuyên, trừ khi ăn uống, vệ sinh cá nhân. Thay khẩu trang hai lần một ngày, khử khuẩn bằng côn trước khi loại bỏ khẩu trang. Thường xuyên khử khuẩn tay, các vật dụng và bề mặt tiếp xúc như mặt bàn, tay nắm cửa, bồn cầu, lavabo… Đo thân nhiệt tối thiểu 2 lần mỗi ngày hoặc khi cảm thấy có dấu hiệu sốt. Khai báo y tế mỗi ngày ít nhất 1 lần qua ứng dụng khai báo y tế điện tử.
Ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, uống nhiều nước. Tập thể dục tại chỗ, tập thở ít nhất 15 phút mỗi ngày. Nếu có sử dụng thuốc thì phải theo sự hướng dẫn hoặc tư vấn của nhân viên y tế.
Gọi ngay nhân viên y tế khi có một trong các dấu hiệu sốt trên 38 độ C, ho, đau họng, tiêu chảy, mất mùi vị, đau ngực, nặng ngực, cảm giác khó thở (khi không thể hít sâu và nín thở đủ 10 giây), khỉ nhịp thở >20 lần/phút.
Gọi ngay tổng đài 115 hoặc số điện thoại của tổ phản ứng nhanh quận, huyện khỉ có dấu hiệu chuyển nặng như khó thở, thở hụt hơi, thở nhanh trên 30 lần/phút, li bì, lừ đừ, tím tái môi và đầu chi, SpO2 < 95% (nếu có dụng cụ đo SpO2 tại nhà).
Đối với người chăm sóc, người ở cùng nhà với người mắc COVID-19, phải cam kết với chính quyền địa phương tuân thủ các điều kiện cách ly tại nhà theo quy định. Khai báo y tế điện tử cho bản thân và cho người mắc COVID-19 (trong trường hợp người bệnh không tự khai báo được) mỗi ngày 11 lần và khi có dấu hiệu bất thường cần khai báo.
Bên cạnh đó, thực hành được các biện pháp phòng, kiểm soát lây nhiễm, biết phát hiện các dấu hiệu chuyển nặng qua các tài liệu thông tin truyền thông của ngành y tế.
Đối với các cơ sở y tế, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP Thủ Đức và quận, huyện lập nhóm bác sĩ tư vấn sức khỏe qua điện thoại cho người mắc COVID-19. Bao gồm các bác sĩ của trung tâm y tế, trạm y tế, cơ sở y tế tư nhân, bác sĩ đã nghỉ hưu cư trú trên địa bàn.
Ngoài ra, Trung tâm Y tế TP Thủ Đức và quận huyện tổ chức đường dây tiếp nhận cuộc gọi của người mắc COVID-19 (khỉ cần). Đường dây tiếp nhận hoạt động 24/7 để hướng dẫn người bệnh cách chăm sóc tại nhà, khám tại nhà hoặc đến cơ sở y tế.
Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM chịu trách nhiệm tiếp nhận các cuộc gọi cấp cứu của người mắc COVID-19 khi có triệu chứng nặng tại nhà. Trung tâm này sử dụng hệ thống xe cấp cứu, xe vận chuyển người bệnh, xe ta xi (được phân bổ theo 5 cụm: Bình Tân, Bình Chánh, quận 10, quận 12, TP Thủ Đức) để chuyển người bệnh đến các bệnh viện gần nhất.
Trung tâm Y tế TP Thủ Đức và quận, huyện chịu trách nhiệm tổ chức lấy mẫu tại nhà cho người mắc COVID-19 vào ngày thứ 14 để làm xét nghiệm test nhanh hoặc PCR để kết thúc thời gian cách ly tại nhà nếu kết quả âm tính.
Trạm y tế phường, xã, thị trấn chịu trách nhiệm theo dõi kết quả khai báo y tế của người cách ly tại nhà (qua tài khoản quản trị ứng dụng “khai báo y tế” do Sở Y tế TP.HCM cấp cho mỗi trạm y tế).
Bên cạnh đó, kịp thời liên hệ người cách ly để tư vấn hoặc có hướng xử trí phù hợp khi phát hiện người cách ly có triệu chứng qua khai báo y tế. Ngoài ra, hàng ngày tổng hợp và báo cáo cho Trung tâm Y tế TP Thủ Đức và quận, huyện tình hình sức khỏe của người cách ly tại nhà trên địa bàn.
Đối với chính quyền địa phương, tổ COVID-19 cộng đồng, tổ công tác quản lý tại các khu phong tỏa chịu trách nhiệm truyền thông vận động người mắc COVID-19 cùng gia đình thực hiện đúng bản cam kết và giám sát sự chấp hành của người mắc COVID-19 đang cách ly tại nhà.
Bên cạnh đó, truyền thông những điều người sống trong khu vực phong tỏa cần biết, những quy định về thu gom và xử lý rác, ghi nhận số điện thoại liên lạc của từng hộ dân có người cách ly tại nhà để thường xuyên liên hệ, hỗ trợ khi cần thiết. Ngoài ra, giám sát sự tuân thủ của người cách lý theo quy định và bảo cáo cho Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 phường, xã, thị trấn.
Thành lập tổ phản ứng nhanh (gồm bác sĩ, điều dưỡng của BV quận, huyện, công an và các tình nguyện viên...). Cung cấp số điện thoại của tổ phản ứng nhanh để người mắc COVID-19 đang cách ly tại nhà dễ dàng liên hệ khi cần hỗ trợ trong những tình huống khẩn cấp. Tổ phản ứng nhanh được phép sử dụng xe cứu thương của BV quận, huyện khi cần thiết.
Trong trường hợp người mắc COVID-19 không tuân thủ đúng cam kết, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 địa phương ban hành quyết định chuyển người mắc COVID-19 đến các cơ sở cách ly tập trung dành cho F0 trên địa bàn phường, xã, thị trấn và quận, huyện để tiếp tục chăm sóc và theo dõi sức khỏe. Tùy vào mức độ vi phạm, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch địa phương đưa ra các hình thức xử lý phù hợp theo quy định.
Theo Sở Y tế TP.HCM, chăm sóc và theo dõi sức khỏe tại nhà đối với ca bệnh COVID-19 nhằm tránh tình trạng quá tải người mắc COVID-19 tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Bên cạnh đó, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, điều trị và tạo tâm lý thoải mái cho ca bệnh COVID-19.
Sở Y tế TP.HCM đề xuất Bộ Y tế tinh giản một số thủ tục trước và sau tiêm chủng vắc-xin.
Nguồn: [Link nguồn]