Bữa ăn người Việt “giàu” món nhưng “nghèo” canxi
Nhu cầu canxi mỗi ngày trung bình khoảng 1000mg nhưng người Việt chỉ đạt được từ 50 đến 60%, thậm chí có nơi chỉ đạt được 30%.
Ăn "sướng" nhưng thiếu canxi
PGS.TS Lê Bạch Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia đã gióng lên hồi chuông cảnh báo tình trạng thiếu canxi trong bữa ăn của người Việt.
Thiếu canxi có thể gây ra nhiều bệnh trong đó có bệnh loãng xương.
Hàm lượng canxi (mg) trong 100g thực phẩm không kể thải bỏ như sau: Cua đồng 5.040mg, tôm nhỏ 910mg, cá dầu 527mg, sữa chua 65 - 150mg, đậu tương 165mg, rau đậu 60mg, thịt 50mg, sữa tươi 120mg. Tuy nhiên người Việt có thói quen ăn cua bỏ mai và yếm, ăn tôm bỏ vỏ, nơi chứa phần giá trị canxi chủ yếu.
Khẩu phần của người Việt chưa có thành phần sữa vì sữa chỉ dành cho trẻ nhỏ, người ốm, người già trong khi canxi trong sữa chiếm một giá trị rất quan trọng.
Tiến sĩ, bác sĩ Trương Hồng Sơn, Trung tâm Dinh dưỡng và Sức khỏe Viện nghiên cứu Y – Xã hội học cho biết việc bổ sung canxi để giúp cơ thể khỏe mạnh hơn, phòng chống loãng xương là biện pháp cần thiết và giúp mọi người có sức khỏe tốt hơn.
Theo khuyến nghị khi bổ sung canxi cần quan tâm đến sử dụng các thực phẩm giàu canxi đây là giải pháp an toàn. Ngoài ra, có thể bổ sung canxi bằng các viên uống canxi 500mg/ngày.
Tuy nhiên, bổ sung nhưng vẫn không bỏ chế độ ăn thực phẩm chứa canxi như cá dầu, cá mè, u đậu tương, đậu đũa, đậu phụ chúc, xúp lơ xanh, cải xanh, tép khô, ốc bươu, tôm đồng, tẹp gạo, trai, cá nguyên xương, lòng đỏ trứng, cua bể.
Bổ sung canxi bằng các thực phẩm giàu canxi.
Để việc hấp thụ canxi tốt hơn, mọi người nên hạn chế ăn mặn vì ăn nhiều Natri là nguyên nhân dẫn đến việc hấp thụ canxi kém hiệu quả. PGS.TS Mai còn cho rằng cần sử dụng ít các loại đồ uống có ga vì các axit trong đồ uống có gas gây đào thải canxi. Ăn nhiều chất xơ làm cho việc hấp thụ canxi giảm.
Không chỉ thiếu canxi, người Việt Nam cũng rất thiếu vitamin D. Theo thống kê, người Việt mới chỉ đạt 8% nhu cầu cho phụ nữ và 11% cho trẻ em. Đáng chú ý, chỉ 10-20% lượng vitamin D được lấy từ thực phẩm, còn lại chủ yếu lấy từ ánh nắng mặt trời.
"Khẩu phần ăn của người Việt dễ dẫn đến thiếu vi chất. Thực tế, các thực phẩm giàu vitamin D như cá béo, cá dầu, lòng đỏ trứng, gan cá không được tiêu thụ phổ biến trong hầu hết chế độ ăn của người Việt"- PGS.TS Mai khuyến cáo.