BS không nhận "cảm ơn" sau điều trị thì khó xử?

“Khi người nhà bệnh nhân "cảm ơn" bác sĩ sau quá trình điều trị mà không nhận thì không chỉ người nhà bệnh nhân khó xử mà các bác sĩ cũng khó xử…” - bác sĩ Đinh Thị Kim Liên nhận định.

Bác sĩ chỉ nhận phong bì sau điều trị

Vấn nạn phong bì trong bệnh viện luôn khiến các cơ quan chức năng đau đầu tìm giải pháp để chấn chỉnh. Thực tế, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như do tâm lý bệnh nhân cho rằng muốn sớm khỏi bệnh, được chăm sóc điều trị tốt thì phải có phong bì cho bác sĩ; mặt khác, đời sống của nhiều nhân viên y bác sĩ chưa được cải thiện cũng dẫn đến tình trạng nhận phong bì, thậm chí gợi ý nhận phong bì... Ngoài ra, một số bệnh nhân cũng chủ động gửi phong bì cho bác sĩ để cảm ơn sau quá trình điều trị.

Để làm trong sạch môi trường bệnh viện, công đoàn ngành y tế đã phát động phong trào thực hiện "Quy tắc ứng xử của cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp y tế", một trong 5 tiêu chí đó chính là việc "nói không với phong bì" trong bệnh viện.

5 bệnh viện lớn tại Hà Nội là Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện K và Bệnh viện E được chọn để thí điểm tiên phong thực hiện quy tắc ứng xử trên.

BS không nhận "cảm ơn" sau điều trị thì khó xử? - 1

Nhiều bác sĩ đã từ chối nhận phong bì trong quá trình điều trị.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu từ giám đốc đến trưởng, phó khoa và nhân viên các cơ sở y tế phải ký cam kết “nói không với phong bì”. Người nhà bệnh nhân cũng phải ký cam kết không đưa phong bì cho bác sĩ trước và trong khi điều trị, còn sau đó lại là vấn đề khác.

Nhiều ý kiến cho rằng, chính yêu cầu của bà Kim Tiến đã mở cửa sau cho vấn đề phong bì trong bệnh viện.

Tìm hiểu thực tế, PV đã có mặt tại một số bệnh viện ở Hà Nội.

Ngày 3/4, có mặt tại khoa Khám chữa bệnh, Bệnh viện Bạch Mai, trong vai một bệnh nhân đi khám bệnh, trước khi vào phòng khám, PV đã đưa phong bì cho bác sĩ để thử lòng, nhưng các bác sĩ đều từ chối nhận với lý do: Nếu nhận quà cảm ơn sau khi chữa bệnh xong thì sẽ nhận, còn phong bì đưa trước và trong quá trình khám chữa bệnh thì sẽ không nhận.

Nhiều bệnh nhân và người nhà bệnh nhân do tâm lý muốn chữa nhanh khỏi bệnh nên đưa phong bì cho bác sĩ cũng đều bị từ chối với lý do như trên.

Trao đổi với PV, bác sĩ Đinh Thị Kim Liên, Chủ tịch Công đoàn Bệnh Viện Bạch Mai, Giám đốc Trung tâm Dinh Dưỡng Lâm sang cho biết: “Trong thực tế, Bệnh viện Bạch Mai đã phổ biến quy tắc ứng xử và "nói không với phong bì" đến bác sĩ. Trường hợp nhận phong bì sẽ bị xử lý nghiêm, vừa kỷ luật nghiêm khắc vừa họp hội đồng xử lý nên hầu hết bác sĩ đều không nhận phong bì trước và trong quá trình điều trị”.

BS không nhận "cảm ơn" sau điều trị thì khó xử? - 2

Bác sĩ Đinh Thị Kim Liên

Tuy nhiên, bác sĩ Đinh Thị Kim Liên cũng khẳng định, bác sĩ bệnh viện vẫn nhận sự cảm ơn của bệnh nhân sau quá trình điều trị: “Khi ra viện, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân cảm ơn thì vẫn nhận. Bởi đó là tình nghĩa, thể hiện lòng biết ơn của bệnh nhân. Nếu không nhận cũng khó cư xử, bởi vì tết nhất, người nhà bệnh nhân mang tâm lý cảm ơn sẽ mang gà đến nhà chúc tết... Như vậy khiến người nhà bệnh nhân và bệnh nhân vất vả hơn, bác sĩ cũng khó xử”.

Tại Bệnh viện Mắt Trung ương các bác sĩ cũng từ chối nhận phong bì trong quá trình trước và sau điều trị.

Theo PGĐ Bệnh viện Mắt Trung ương Nguyễn Xuân Hiệp, do tâm lý người nhà bệnh nhân muốn được điều trị tốt nên đưa phong bì cho bác sĩ. Bệnh viện cũng yêu cầu bệnh nhân cam kết không đưa tiền hoặc quà cho nhân viên y tế trong quá trình điều trị, đồng thời đảm bảo cam kết sẽ điều trị tốt cho bệnh nhân nên tình trạng phong bì có phần giảm tải.

Không đưa phong bì vẫn được điều trị tốt

Về những giải pháp để hạn chế và chấm dứt tình trạng phong bì trong bệnh viện, bác sĩ Đinh Thị Kim Liên cho rằng: “Hầu hết các sinh viên ngành y trước khi ra trường đều hiểu về y đức. Thực tế, tình trạng cán bộ y bác sĩ nhận phong bì không nhiều. Bởi họ coi trọng tính mạng người bệnh.

Hơn nữa bác sĩ có trình độ, ai cũng có lòng tự trọng. Ở bệnh viện lớn, các bác sĩ có chế độ tốt nên họ làm việc có trách nhiệm. Như Bệnh viện Bạch Mai, khi tuyển đầu vào đều có trình độ, họ không dại gì vì nhận phong bì mà ảnh hưởng đến uy tín của mình. Bởi người ta say mê với nghề sẽ không để mình bị kỷ luật vì nhận phong bì”.

“Tuy nhiên, hiện nay không phải bệnh viện nào cũng có chế độ đãi ngộ tốt, nhất là các bệnh viện địa phương. Cuộc sống của họ khó khăn do chỉ được nhận tiền lương.

Nếu giáo viên chỉ có nửa ngày làm, thời gian còn lại họ đi dạy thêm kiếm thu nhập thì bác sĩ phải làm việc 24/24 giờ. Vì vậy, muốn giảm thiểu tình trạng nhận phong bì trong bệnh viện thì phải cải thiện kinh tế cho y bác sĩ. Cuộc sống của họ được cải thiện, chế độ đãi ngộ tốt, đủ sống thì họ sẽ không vi phạm”.

BS không nhận "cảm ơn" sau điều trị thì khó xử? - 3

Không đưa phong bì, bệnh nhân vẫn sẽ được điều trị tốt

“Quan niệm người bệnh cứ vào viện là phải có phong bì cho bác sĩ là điều sai lầm. Không cần thiết phải đưa phong bì, bệnh nhân vẫn sẽ được điều trị tốt. Nếu bệnh nhân và người nhà bệnh nhân nhận thức tốt về vấn đề này, họ không đưa phong bì thì vấn nạn phong bì sẽ được giảm tải”.

Phó Chủ tịch Công đoàn y tế Việt Nam bà Trần Thị Thanh Tâm cho rằng, vấn đề phong bì trong bệnh viện là vấn đề không dễ giải quyết. Muốn giảm thiểu tình trạng trên, các bệnh viện phải tuyên truyền giải thích cho người nhà bệnh nhân biết rằng, đưa phong bì trong bệnh viện là không cần thiết. Không đưa phong bì, bệnh nhân vẫn được điều trị tốt. Đồng thời các y bác sĩ nếu phát hiện đồng nghiệp nhận phong bì không nên bao che mà phải nhắc nhở, báo cáo với lãnh đạo bệnh viện.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hải Ninh (Kiến Thức)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN