Bỏng nặng vì ăn lẩu bằng bếp cồn

Cho thêm cồn vào bếp lửa đang ăn lẩu, chị N.T.N ở Mê Linh (Hà Nội) thấy lửa cháy bùng lên và gây bỏng nặng ở mặt, bụng, tay, đùi.

Chị N cho biết, đang ăn lẩu, bếp gần hết cồn, chị cầm bình cồn ra châm trực tiếp vào bếp vẫn còn lửa nhỏ. Nhưng vừa chạm vào lửa thì bình cồn cháy phừng lên. Trước đó chị cũng đã nhiều lần châm cồn khi bếp vẫn còn lửa nhỏ nhưng không sao.

Hiện khoa Hồi sức Cấp cứu (Viện Bỏng Quốc gia) đang tiếp nhận điều trị cho cháu L.T.Đ, 10 tuổi ở TP Ninh Bình (Ninh Bình) bị bỏng 20% diện tích cơ thể do bếp cồn. Nguyên nhân là gia đình có việc nên bữa đó dùng bếp cồn nướng mực. Cháu Đ đứng bên cạnh xem. Khi thấy bếp hết lửa, một người lấy bình cồn nước châm thêm vào. Bất ngờ bếp bốc cháy khiến cháu Đ bị bỏng ở tay, chân, đầu, cổ… Đáng nói là gia đình khi thấy cháu bị bỏng lại dùng rượu để dập lửa khiến vết bỏng càng nặng thêm. Sau điều trị tích cực, Đ đã qua cơn nguy hiểm nhưng sức khoẻ vẫn còn yếu.

BS Trần Đình Hùng, Khoa hồi sức cấp cứu (Bệnh viện Bỏng quốc gia) cho biết, tai nạn bỏng từ bếp cồn không phải là hiếm gặp, chủ yếu là do ăn lẩu bằng bếp cồn, nướng mực bằng cồn. Có nhiều trường hợp vào viện trong tình trạng bỏng nặng hơn 50% cơ thể.

Bỏng nặng vì ăn lẩu bằng bếp cồn - 1

Chị N.T.N ở Mê Linh (Hà Nội) nhập viện vì bị bỏng cồn

Theo BS Trần Đình Hùng, Khoa hồi sức cấp cứu (BV Bỏng quốc gia), tai nạn bỏng từ bếp cồn không phải là hiếm gặp, chủ yếu là do ăn lẩu bằng bếp cồn, nướng mực bằng cồn. Có nhiều trường hợp vào viện trong tình trạng bỏng nặng hơn 50% cơ thể.

“Bỏng do cồn thường nặng, điều trị khó khăn hơn. Ngoài ra dễ để lại biến chứng nặng như nhiễm khuẩn huyết, nhiễm khuẩn tại chỗ, xuất huyết tiêu hóa gặp nhiều hơn so với các bệnh nhân bỏng khác. So với cùng diện tích bỏng do nguyên nhân khác, tỷ lệ tử vong cao hơn. Bệnh nhân thường bị bỏng ở những vùng da hở như tay, chân, mặt… nên dễ ảnh hưởng đến thẩm mỹ về sau” – BS Hùng cho biết.

TS.BS Vũ Trọng Tiến – Phó chủ nhiệm Khoa bỏng người lớn (Viện bỏng quốc gia) cũng cho biết, đa phần các vụ tai nạn do bếp cồn gây ra là do lỗi bất cẩn, chủ quan của người sử dụng. Đặc thù của lửa cồn là ngọn lửa xanh nên khó quan sát. Khi cồn cháy chưa hết, họ tưởng đã hết cồn, hết lửa liền đổ thêm cồn vào. Lửa sẽ bùng lên gây bỏng cho người cầm lọ cồn và người xung quanh nếu lọ cồn bắn tung tóe. Đáng lo ngại bỏng cồn thường khiến vết bỏng sâu, dễ gây biến chứng.

Không chỉ gây bỏng, bếp cồn còn gây ngộ độc. GS.TS Nguyễn Thị Dụ - Nguyên Giám đốc Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai lý giải, cồn khô nếu chiết xuất từ ethanol tinh khiết, độ cồn đạt từ 95% trở lên sẽ không ảnh hưởng sức khoẻ người dùng. Nhưng hiện có rất nhiều loại cồn không rõ nguồn gốc, được chiết xuất từ methanol nhằm thu nhiều lợi nhuận, do giá methanol chỉ bằng nửa ethanol. Hơi của methanol rất độc, có thể hấp thụ qua đường hô hấp gây nhức đầu, cay mắt, nặng có thể ảnh hưởng thị lực, hại thần kinh... Bởi vậy, khi có dấu hiệu bất thường cần kịp thời đến cơ sở y tế để tránh nguy hại.

Xử lý khi bị bỏng cồn

-    Đối với bỏng nhiệt khô và nhiệt ướt, đặc biệt là bỏng lửa cồn thì ngay sau khi bị bỏng phải ngâm vùng bỏng vào nước lạnh để nhanh chóng hạ nhiệt giúp hạn chế bỏng sâu và đau đớn cho bệnh nhân. Cởi bỏ quần áo, giầy dép có tác nhân gây bỏng. Ngâm nước lạnh từ 16 – 20 độ ngay những giây phút đầu tiên, càng sớm càng tốt, nếu để từ 15 – 30 phút sau mới ngâm thì ít hoặc không có tác dụng nữa

- Dùng băng gạc chặt chỗ bỏng và nhanh chóng chuyển đến cơ sở điều trị chuyên khoa gần nhất để sơ cứu tránh dị tật về sau. Bệnh nhân bị sốc, có thể bù dịch cho bệnh nhân bằng uống nước orezon.

- Để tránh nhiễm khuẩn tuyệt đối không bôi dầu, mỡ, tương, nước mắm, đắp muối, bùn hay sơ cứu bằng rượu… lên vùng bỏng vì sẽ làm tăng tình trạng sốc, khả năng nhiễm khuẩn vết thương của bệnh nhân; Không làm vỡ các đám da phỏng nước; Không được bóc da hoặc mảnh quần áo dính vào vết bỏng…

(TS.BS Vũ Trọng Tiến – Phó chủ nhiệm Khoa bỏng người lớn (Viện Bỏng quốc gia)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN