Bộ Y tế nâng mức cảnh báo về Zika: Nhiều thai phụ vẫn thờ ơ
Mặc dù Bộ Y tế nâng mức cảnh báo với Zika nhưng rất nhiều thai phụ vẫn cho rằng, dịch zika vẫn đang ở đâu đó.
PGS. TS Trần Danh Cường cho hay, trẻ bị hội chứng đầu nhỏ sẽ chậm phát triển về trí tuệ và ảnh hưởng đến vận động.
Đến thời điểm này, cả nước phát hiện 9 trường hợp nhiễm virus Zika. TP.Hồ Chí Minh, nơi có số ca nhiễm Zika nhiều nhất (5 người) cũng công bố dịch ở cấp phường, xã. Bộ Y tế nâng mức cảnh báo với loại virus này với hi vọng hạn chế thấp nhất số người mắc.
Tuy nhiên, với cơ quan chức năng là vậy, nhưng với nhiều người dân, virus Zika vẫn còn quá xa lạ và dường như chưa có khái niệm về bệnh này.
Có mặt tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương sáng ngày 27/9, chị Trần Thị Hải (Hoàng Mai, Hà Nội) đang mang thai ở tháng thứ 3 (Đây là giai đoạn mà em bé vẫn tiếp tục hình thành, hoàn thiện các cơ quan) vẫn tỏ ra thờ ơ và cho biết, chị không hề quan tâm trước dịch Zika có nguy cơ lan rộng ở Việt Nam.
“Tôi cũng không quan tâm lắm, vì dịch còn đang ở xa mình. Ở miền Bắc, dịch Zika đã xảy ra đâu”, chị Hải nói.
Ngồi bên cạnh chị Hải, sản phụ Nguyễn Bích Liên (Hà Nội) cũng cho rằng, Zika vẫn đang ở đâu đó chứ khó lây nhiễm.
Mặc dù nghe khuyến cáo phải ngủ màn để phòng Zika nhưng chị Liên rất ít khi thực hiện. Chị Liên cho rằng, chỉ có các tầng thấp mới có muỗi hay côn trùng. Còn các khu vực tầng cao như gia đình chị thường ít có muỗi.
Anh Nguyễn Huy Tuấn (Hà Nam) đưa vợ đi khám ở Khu Khám bệnh theo yêu cầu cho biết, anh có nghe báo chí, tivi nói về virus này nhưng không biết căn bệnh này lại nguy hiểm với thai nhi đến vậy. Thậm chí anh Tuấn còn chưa biết căn bệnh này đã có mặt tại Việt Nam hay chưa, có thể phòng chống và chữa trị được hay không.
Lý giải sự thờ ơ với dịch, đại đa số đều cho rằng, virus Zika khó lây nên không quan tâm. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, chính sự thờ ơ đó có thể sẽ khiến cho bệnh dịch bùng phát trong thời gian tới.
Chia sẻ với phóng viên, PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cảnh báo: “Virus Zika đã lưu hành ở Việt Nam và sẽ tiếp tục lưu hành. Vì thế, dịch bệnh do virus Zika sẽ tiếp tục bùng phát, số ca mắc không chỉ ngừng ở 9 người”.
Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, tình hình dịch bệnh ở phía Bắc đang tương đối “yên ắng”, nhưng Zika vẫn có thể bùng phát vì có sự giao thương giữa các tỉnh/thành.
PGS.TS. Trần Đắc Phu lý giải, cũng giống như dịch sốt xuất huyết, virus Zika nếu đã xuất hiện thì sẽ lây lan. Với phụ nữ mang thai 3 tháng đầu lại có nguy cơ vì Zika có thể gây ra hội chứng não nhỏ ở trẻ sơ sinh.
Rất nhiều sản phụ vẫn thờ ơ với dịch Zika
Tại Việt Nam, Bộ Y tế đã chỉ đạo hệ thống sản nhi có hướng dẫn đối với các bà mẹ mang thai trong vòng 3 tháng đầu, nếu có các biểu hiện như sốt, biểu hiện sốt phát ban, có triệu chứng của viêm kết mạc cần đến ngay các cơ sở y tế để được theo dõi.
PGS. TS Trần Danh Cường, Phó Giám đốc Bệnh viện phụ sản Trung ương, Giám đốc Trung tâm chẩn đoán trước sinh cho biết, nếu phụ nữ bị nhiễm virus Zika trong 3 tháng đầu thai kỳ sẽ có nguy cơ sinh con mắc hội chứng đầu nhỏ cao hơn bởi đây là thời kỳ hình thành thai nhi. Do đó, phụ nữ mang thai cần theo dõi sát sao, siêu âm đo kích thước đầu 2 tuần/lần, sau đó, so với biểu đồ phát triển đầu bình thường sẽ biết được tốc độ phát triển đầu của thai nhi.
“Trẻ bị hội chứng đầu nhỏ sẽ ảnh hưởng đến cấu trúc não không phát triển, gây ra nguy cơ chậm phát triển về trí tuệ và ảnh hưởng đến vận động”, ông Cường nói.
Ông Cường khuyến cáo, biện pháp hữu hiệu nhất để phòng tránh dịch Zika lây lan là diệt loăng quăng, bọ gậy, diệt muỗi.