Bộ Y tế đề xuất “tăng cao nhất” mức phụ cấp cho nhân viên y tế
Khi xây dựng chế độ tiền lương mới, Bộ Y tế đề nghị Chính phủ tăng chế độ phụ cấp ngành y ở mức cao nhất để đảm bảo quyền lợi người lao động.
Quyền Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan vừa cho biết nội dung trên trong văn bản trả lời cử tri tỉnh Thái Nguyên về đề nghị tăng phụ cấp nghề lên 80-100% với nhân viên y tế tại cơ sở khám chữa bệnh; tăng phụ cấp thường trực với cán bộ y tế.
Trước đó, cử tri Thái Nguyên có gửi nội dung kiến nghị với nội dung “đề nghị tăng phụ cấp nghề lên 80 - 100% đối với nhân viên y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh; điều chỉnh tăng phụ cấp thường trực đối với cán bộ y tế”.
(Ảnh minh họa).
Theo Quyền Bộ trưởng Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã nêu rõ thiết kế cơ cấu tiền lương mới gồm: lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương). Bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp).
Khi xây dựng chế độ tiền lương mới, Bộ Y tế đã có báo cáo trình Chính phủ, trong đó đề nghị thực hiện phụ cấp theo nghề mức cao nhất đối với ngành y tế theo tinh thần Nghị quyết 27 và Nghị quyết số 107 của Chính phủ. Ngoài ra, chức danh Bác sĩ, Bác sĩ Y học dự phòng, Dược sĩ đề nghị xếp lương bậc 2 đối với tất cả các hạng chức danh.
Bộ Y tế cũng đang xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 56/2011/NĐ-CP quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập. Trong đó, đề nghị áp dụng mức phụ cấp ưu đãi nghề 100% đối với viên chức làm chuyên môn y tế dự phòng, y tế cơ sở. Văn bản này hiện nay đang trình các cơ quan có thẩm quyền để ban hành theo quy định.
Theo Bộ Y tế, lương và phụ cấp đối với viên chức y tế trong hệ thống y tế công lập thấp, nhất là tại các cơ sở y tế dự phòng và y tế cơ sở (nguồn kinh phí hoạt động chủ yếu là do ngân sách nhà nước bảo đảm, nguồn thu sự nghiệp thấp). Mức lương này chỉ đảm bảo một phần nhu cầu cuộc sống, không tương xứng với đặc thù làm việc và quá trình đào tạo.
Báo cáo của các địa phương giai đoạn năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022 cho thấy có tổng số 9.397 viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc. Trong đó, riêng năm 2021 con số này là hơn 5.200, và 6 tháng đầu năm 2022 là 4.113 (3.756 viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của các Sở Y tế và 357 người công tác tại các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế).
Tình trạng này có nhiều nguyên nhân. Trong đó chủ yếu là do thu nhập thấp, lương và chế độ phụ cấp chưa bảo đảm nhu cầu cuộc sống, nhất là tại các cơ sở y tế dự phòng và y tế cơ sở. Ngoài ra còn do chính sách thu hút nguồn nhân lực tốt của hệ thống y tế tư nhân, nhất là đối với nhân lực có trình độ cao, chuyên môn sâu.
Bên cạnh đó là áp lực công việc cao, cường độ lao động lớn, đặc biệt từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Môi trường làm việc nguy hiểm, có nguy cơ mắc bệnh cao, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Theo quy định về chế độ tiền lương và phụ cấp hiện nay, (với mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng), bác sĩ sau khi học 6 năm và sau 18 tháng thực hành để được cấp chứng chỉ hành nghề, nếu tuyển dụng vào đơn vị sự nghiệp công lập thì hưởng lương là 2,34 x 1.490.000 đồng = 3.486.000 đồng. Với phụ cấp ưu đãi nghề là 40% thì mức thu nhập 4.881.240 đồng (chưa trừ nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế).
Trong nước đã ghi nhận các trường hợp nhiễm biến thể phụ BA.4, BA.5, BA.2.74 trong cộng đồng, nhất là biến thể phụ BA.5 đang tiến tới chiếm ưu thế trong số các ca mắc.
Nguồn: [Link nguồn]