Bộ Y tế đề nghị kiểm tra việc mua sắm các loại kit test nhanh và xét nghiệm RT-PCR
Bộ Y tế cho biết, theo phản ánh của người dân, giá xét nghiệm COVID-19 tại một số nơi cao hơn so với thực tế, không thống nhất, nhiều cơ sở xét nghiệm thu cao, đặc biệt là tại khu vực y tế tư nhân...
Bộ Y tế vừa có công văn gửi các tỉnh, thành phố về việc tăng cường kiểm tra việc nhập khẩu, kinh doanh, mua sắm các loại kit xét nghiệm nhanh và xét nghiệm RT-PCR.
Theo Bộ Y tế, tình hình dịch đã từng bước được kiểm soát, cuộc sống của nhân dân dần trở lại trạng thái bình thường mới. Bên cạnh việc triển khai các hoạt động chuyên môn, như: "5K", tiêm vắc-xin thì các biện pháp phòng, chống tham nhũng, lãng phí và tiêu cực trong các khâu của công tác phòng, chống dịch COVID-19 được Đảng và Chính phủ quan tâm ngay từ khi dịch bùng phát.
Xét nghiệm COVID-19.
Bộ Y tế đã có nhiều công văn nhắc nhở các địa phương, đơn vị thực hiện có hiệu quả và tiết kiệm cũng như tăng cường thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động phòng, chống dịch.
Đặc biệt, Bộ Y tế đã ban hành công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế về việc tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về phòng, chống dịch COVID-19.
Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân và một số cơ quan truyền thông, giá mua bán các loại test xét nghiệm kháng nguyên nhanh, xét nghiệm RT-PCR và giá dịch vụ các loại xét nghiệm COVID-19 có một số hiện tượng như giá xét nghiệm cao hơn so với thực tế, không thống nhất, nhiều cơ sở xét nghiệm thu cao, đặc biệt là tại khu vực y tế tư nhân...
Để kịp thời phát hiện và xử lý những hành vi liên quan đến việc lợi dụng dịch bệnh để trục lợi và nâng giá, lợi ích nhóm, Bộ Y tế đề nghị Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo thanh tra một số nội dung.
Cụ thể:
Thứ nhất, giao Thanh tra tỉnh thành lập đoàn thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở nhập khẩu, mua bán, sản xuất, kinh doanh và sử dụng các trang thiết bị, vật tư, phương tiện phòng, chống dịch, đặc biệt là các loại xét nghiệm chẩn đoán nhanh và xét nghiệm RT-PCR.
Thứ hai, rà soát về quy trình, thủ tục mua sắm, về chất lượng, giá, tư cách pháp nhân... theo đúng quy định của pháp luật.
Thứ ba, tập trung vào giá xét nghiệm và giá dịch vụ xét nghiệm đang thực hiện tại các công ty cung ứng, các cơ sở sử dụng các loại xét nghiệm (bao gồm cả test xét nghiệm chẩn đoán kháng nguyên nhanh và RT-PCR).
Thứ tư, kịp thời chấn chỉnh và xử lý ngay các hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật, thông tin kết quả xử lý trên phương tiện thông tin đại chúng theo quy định. Trường hợp phát hiện có dấu hiệu hình sự, chuyển ngay hồ sơ sang cơ quan công an để xử lý theo quy định.
Tính đến ngày 4/10, Bộ Y tế đã cấp phép cho 97 xét nghiệm virus SARS-CoV-2, trong đó có 35 test xét nghiệm RT-PCR, 39 test xét nghiệm kháng nguyên (33 test nhanh và 6 test chạy cùng máy xét nghiệm), 23 test xét nghiệm kháng thể (4 test nhanh và 19 test chạy máy).
CDC Hà Nội nhận định, bệnh nhân di chuyển nhiều giữa các khoa, phòng khác nhau, làm tăng độ tiếp xúc và nguy cơ.
Nguồn: [Link nguồn]