Bộ trưởng Y tế: Đừng đưa trẻ sốt xuất huyết lên tuyến trên
Kiên quyết chuyển bệnh nhân nhẹ về tuyến dưới để giảm quá tải tuyến trên.
“Nếu tôi có con cháu mắc sốt xuất huyết (SXH), tôi không đưa tới những bệnh viện (BV) tuyến trên như BV Nhi Trung ương (Hà Nội), Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 (TP.HCM) vì vừa gây quá tải vừa dễ nhiễm chéo BV. Tôi sẽ đưa tới BV tuyến tỉnh hoặc BV quận, huyện vì nơi đây đủ năng lực điều trị SXH” - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh tại hội nghị tăng cường công tác phòng, chống dịch SXH, tay-chân-miệng và viêm đường hô hấp tổ chức vào chiều 16-10 tại Bình Dương.
TS-BS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc BV Nhi đồng 1 (TP.HCM), báo động hiện BV Nhi đồng 1 cùng BV Nhi đồng 2 và BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM đang “gồng gánh” điều trị bệnh nhân SXH cả khu vực phía Nam nên luôn rơi vào tình trạng quá tải. “Ngoài tăng cường thêm phòng khám, BV Nhi đồng 1 còn tổ chức khám 24/24 giờ mới có thể giải quyết lượng bệnh nhi quá đông” - ông Hùng nói.
Trong khi đó, TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM, cho biết BV có ba khoa điều trị SXH dành cho trẻ em và người lớn. “Tổng số giường bệnh là 150 nhưng số bệnh nhân luôn vượt từ 10% đến 20% giường bệnh” - ông Châu cho biết.
Ông Châu cho biết BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM đã tập huấn phác đồ điều trị bệnh SXH cho các BV tỉnh và BV quận, huyện nên những cơ sở này đủ năng lực và trình độ điều trị SXH. “Tuy nhiên, sau khi lọc bệnh, BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM chuyển bệnh nhân về các BV tỉnh hoặc BV quận, huyện nhưng bệnh nhân nhất định không đi” - ông Châu nói.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến kiểm tra lăng quăng trong các vật dụng chứa nước tại thị xã Thuận An (Bình Dương). Ảnh: TRẦN NGỌC
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến dẫn số liệu từ đầu năm 2015 đến nay cả nước có 30 ca tử vong do SXH, trong đó có trường hợp tử vong tại các BV tuyến trên. “Điều này khiến tôi băn khoăn đến tình hình quá tải ở BV tuyến trên, bởi quá tải dẫn đến thực trạng giảm chất lượng khám, chữa bệnh và nhiễm chéo BV. Do vậy, các BV tuyến trên phải cương quyết lọc bệnh và chuyển bệnh nhân mắc SXH độ nhẹ về tuyến dưới điều trị. Bên cạnh đó, muốn được bệnh nhân tin tưởng thì các BV tỉnh, BV quận, huyện phải thể hiện năng lực khám và điều trị” - bà Tiến nói.
Phát động chiến dịch diệt lăng quăng Sáng 16-10, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã dẫn đầu đoàn công tác của Bộ Y tế phát động chiến dịch mẫu diệt lăng quăng phòng SXH tại tỉnh Bình Dương. Tại lễ phát động, Bộ trưởng Bộ Y tế kêu gọi chính quyền cùng ngành y tế địa phương đẩy mạnh công tác truyền thông để mỗi người dân, mỗi thành viên trong gia đình có trách nhiệm cùng chung tay tham gia phòng, chống SXH. “Mỗi người dân chỉ cần có những hành động đơn giản, thiết thực hướng đến mục tiêu không có lăng quăng/bọ gậy là không có SXH” - Bộ trưởng Tiến nhấn mạnh. Ngay sau lễ phát động, Bộ trưởng Bộ Y tế cùng đoàn cán bộ Viện Pasteur TP.HCM và tỉnh Bình Dương đã xuống phường An Phú (thị xã Dĩ An) tuyên truyền vận động đến từng hộ gia đình hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng, ngăn muỗi đẻ trứng phòng, chống bệnh. Sở Y tế tỉnh Bình Dương vừa có báo cáo về tình hình SXH trên địa bàn. Theo đó, từ đầu năm đến nay tỉnh ghi nhận 2.800 ca SXH rải đều khắp toàn tỉnh, tăng 66,62% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó có tám người tử vong (một người lớn và bảy trẻ em). VŨ HỘI Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), từ đầu năm 2015 đến hết tuần 40 cả nước ghi nhận gần 47.000 trường hợp mắc SXH tại 54 tỉnh, thành phố, trong đó có 30 trường hợp tử vong. |