Bộ trưởng Y tế cảnh báo hàng loạt dịch bệnh sắp bùng phát

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cảnh báo, thời tiết giao mùa có thể bùng phát nhiều dịch bệnh, nếu chủ quan nhiều dịch bệnh có thể gây tử vong.

Bộ trưởng Y tế cảnh báo hàng loạt dịch bệnh sắp bùng phát - 1

Nếu chủ quan, nhiều dịch bệnh sẽ tấn công con người trong mùa Đông sắp tới. 

Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh trong mùa thu đông, chiều 27/9, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị trực tuyến phòng và chống dịch bệnh nguy hiểm và dịch bệnh mùa thu đông tại 4 điểm cầu trên cả nước nhằm phòng chống dịch bệnh kịp thời nhất.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhận định, ngoài những bệnh mới nổi, còn có những căn bệnh khác như sốt xuất huyết, cúm gia cầm, sốt rét đã và đang lưu hành ở Việt Nam có thể sắp bùng phát. Đặc biệt là virus zika đang khiến nhiều nước lo lắng và tích cực đối phó. Ở nước ta, tuy phát hiện không nhiều, nhưng cũng không thể chủ quan.

Do đó, để đối phó với dịch bệnh nói chung, ngành y tế cần tập trung vào dự phòng, phát hiện, đáp ứng và khống chế dịch bệnh.

“Chúng ta không nên chủ quan với bất kỳ căn bệnh nào, kể cả bệnh cúm thường (H1N1) cũng rất nguy hiểm và gây tử vong. Hiện bệnh cúm mùa đang gia tăng ở một số tỉnh, bởi vậy chúng ta phải có biện pháp phòng chống bệnh kịp thời”, bà Tiến nhấn mạnh.

Đối với bệnh sốt rét, Bộ trưởng Bộ Y tế nhận định, bệnh đang có khả năng tăng cao, nguyên nhân là do người di cư, người lao động Việt Nam từ nước ngoài về...Đáng nói là bệnh sốt rét có tỷ lệ kháng thuốc cao, vì thế sẽ gây khó khăn trong việc điều trị.

“Thậm chí có những bệnh tưởng chừng chúng ta đã thanh toán được như bạch hầu, nhưng gần đây lại xuất hiện 1 số ổ dịch, bởi vậy nếu chủ quan là bệnh bùng phát”, Bộ trưởng Tiến cảnh báo.

PGS.TS Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, đối với bệnh do virus Zika gây nên, ở Việt Nam đã ghi nhận có 3 trường hợp dương tính được phát hiện ở một số tỉnh (Phú Yên, Khánh Hòa, TP HCM).

Về bệnh sốt huyết, tính từ đầu năm đến nay, ghi nhận 72.372 trường hợp ở ở 53 tỉnh/thành phố, so với cùng kỳ năm ngoái, con số này có gia tăng.

Ngoài ra, một số căn bệnh khác như cúm gia cầm, cúm mùa, sốt rét, bạch hầu cũng có nhiều diễn biến phức tạp. Đặc biệt, xuất hiện các trường hợp mắc bệnh sốt rét kháng thuốc ở một số nơi, đây cũng là thách thức mới đặt ra trong thời gian tới.

Để đẩy mạnh phòng chống dịch bệnh trong thời gian tới, người dân nên tự diệt muỗi để phòng bệnh do virus Zika và sốt xuất huyết.

Ngoài ra, người dân hãy đưa con đi tiêm chủng đúng thời gian, đủ liều để phòng các căn bệnh nguy hiểm như viêm não, ho gà, bạch hầu, sởi...

Ngành y tế cũng khuyến cáo mọi người, nhất là trẻ em, người chăm sóc trẻ nên thực hiện ba sạch: ăn (uống) sạch; ở sạch; bàn tay sạch và chơi đồ chơi sạch. Mọi người cần rửa tay nhiều lần trong ngày bằng xà phòng dưới vòi nước sạch, thực hiện tốt vệ sinh ăn uống.

Tay chân miệng vào mùa

Theo ông Nguyễn Văn Thường, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, số bệnh nhi nhập viện trong thời điểm giao mùa ngày càng tăng, bên cạnh các bệnh lý hô hấp và tiêu hóa, đáng lo là bệnh tay chân miệng. Tay chân miệng hiện chưa có vắc xin phòng bệnh.

Ông Nguyễn Văn Thường cho biết, theo ghi nhận tại Khoa Nhi của Bệnh viện, số bệnh nhi tăng 25 đến 30% so với ngày thường, trong đó báo động nhất là bệnh tay chân miệng. Theo đó, trung bình mỗi ngày bệnh viện Xanh Pôn ghi nhận từ 30- 40 bệnh nhi vào khám, trong số đó chủ yếu là điều trị ngoại trú ở nhà.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, theo bác sỹ Đỗ Thiện Hải- Phó Trưởng Khoa Truyền nhiễm, thời điểm này bệnh tay chân miệng đang vào mùa nên lượng bệnh nhân tới khám, điều trị cũng tăng so với thời điểm trước. Trung bình mỗi ngày có khoảng 50-70 bệnh nhân tới khám và điều trị liên quan tới bệnh tay chân miệng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN