Bộ trưởng Bộ Y tế: Dịch COVID-19 tại các "điểm nóng" cơ bản được kiểm soát

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Tại Bắc Giang, Bắc Ninh và Hà Nội, số ca mắc tuần qua giảm hơn 14% so với tuần trước. TP.HCM đang triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch. Bộ trưởng đánh giá, tình hình dịch tại các địa phương này cơ bản đã được kiểm soát.

Tình hình dịch tại các điểm nóng cơ bản được kiểm soát

Chia sẻ cuối giờ chiều 7/6, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, thời gian qua, với sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia cũng như sự vào cuộc của các bộ, ngành và đặc biệt là sự vào cuộc rất đồng bộ của tất cả các địa phương, cho đến thời điểm hiện nay, tình hình dịch về cơ bản đã được kiểm soát, số ca mắc tuần qua giảm hơn so với tuần trước.

Tính từ ngày 27/4 đến nay, Việt Nam ghi nhận 5.832 ca mắc trong nước tại 39 tỉnh, thành phố. Trong đó có 15 địa phương đã qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới. Số ca khỏi bệnh tiếp tục gia tăng nâng tổng số ca khỏi bệnh trên cả nước đợt dịch này là lên hơn 700 người.

Trên phạm vi cả nước, dịch bệnh vẫn đang được kiểm soát tốt. Trong tuần qua, cả nước ghi nhận 1.675 ca (giảm 106 ca, tương đương 6,1% so với tuần trước đó), chủ yếu là số các trường hợp F1 đã được truy vết cách ly tập trung tại một số điểm nóng hiện nay.

Bộ trưởng Bộ Y tế: Dịch COVID-19 tại các "điểm nóng" cơ bản được kiểm soát - 1

Trên phạm vi cả nước, dịch bệnh vẫn đang được kiểm soát tốt. Trong tuần qua, cả nước ghi nhận 1.675 ca (giảm 106 ca, tương đương 6,1% so với tuần trước đó), chủ yếu là số các trường hợp F1 đã được truy vết cách ly tập trung tại một số điểm nóng hiện nay.

Tại Bắc Giang, Bắc Ninh và Hà Nội, trong tuần qua, số ca mắc giảm hơn 14% so với tuần trước. Bộ trưởng đánh giá, tình hình dịch tại các địa phương này cơ bản đã được kiểm soát tốt.

Tại TP. Hồ Chí Minh, trong tuần qua ghi nhận 247 trường hợp và tích lũy có 388 trường hợp. Số trường hợp mắc tập trung vào các ngày đầu khi mới phát hiện ổ dịch có liên quan đến nhóm truyền giáo Phục Hưng, sau đó bắt đầu giảm dần do đã khoanh vùng, cách ly kịp thời khu vực và các trường hợp có liên quan.

"TP HCM đang triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch từ giãn cách xã hội, lấy mẫu diện rộng, xét nghiệm tầm soát cũng như truy vết... TP đã kiểm soát được tình hình dịch" - Bộ trưởng đánh giá.

Biến thể mới có tốc độ lây lan nhanh, làm bệnh tăng nặng hơn

Thông tin về biến thể mới của virus SARS-CoV-2, có tốc độ lây lan rất nhanh trong đợt dịch lần này, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng biến thể lần đầu tìm thấy ở Ấn Độ đúng là một biến thể mới đối với Việt Nam trong đợt dịch thứ 4 này. 

Theo đánh giá của giới chuyên môn, biến thể lần đầu tìm thấy ở Anh có tốc độ lây nhiễm tăng hơn 1,7 lần so với chủng trước đây. Thế nhưng biến thể của Ấn Độ tăng hơn cả biến thể của Anh 1,4 lần, tức là tăng hơn 40%, điều này đã được các nhà khoa học ở Anh đưa ra. Vì vậy trong đợt dịch này, tốc độ lây lan nhanh hơn rất nhiều so với đợt trước.

Bệnh nhân COVID-19 nặng điều trị ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương

Bệnh nhân COVID-19 nặng điều trị ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương

Điểm thứ 2, đợt dịch lần này về mặt lâm sàng, Bộ Y tế thấy rằng tốc độ tăng nặng của các bệnh nhân tăng hơn so với lần trước. "Đây là một trong những điều mà ngành Y tế rất quan ngại" - GS.TS Nguyễn Thanh Long bày tỏ.

Các biện pháp chống dịch triển khai hài hoà, đồng bộ

Về các biện pháp chống dịch đang được triển khai tại các tỉnh, thành phố, hiện nay theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, những biện pháp chúng ta đang triển khai rất đồng bộ, kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng ngự và tấn công, lấy dự phòng là cơ bản, lấy tấn công là vấn đề quyết định.

Thứ hai, Việt Nam thực hiện giãn cách theo từng quy mô, phù hợp để làm giảm tác động đối với kinh tế-xã hội nhưng vẫn có thể khống chế, kiểm soát tình hình dịch.

Thứ ba, các địa phương đã thực hiện rất nghiêm túc chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia, của Bộ Y tế trong vấn đề truy vết và cách ly.

Thứ tư, công tác xét nghiệm đã triển khai trên diện rộng, tốc độ xét nghiệm được nâng lên rất nhiều so với trước đây. Tổng số xét nghiệm lần này gấp 3 lần so với trước đây và trung bình một ngày gấp 3 lần so với những ngày cao nhất trong đợt dịch trước đây. Cụ thể, từ 29/4 đến nay, Việt Nam đã thực hiện 1.708.316 mẫu xét nghiệm cho 3.540.482 lượt người.

Về điều trị, thực hiện phương châm "4 tại chỗ" theo đúng chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia, chúng ta đã triển khai các bệnh viện dã chiến, thành lập những trung tâm hồi sức cấp cứu tại các địa phương. Một lực lượng lớn nhân viên y tế ở tất cả các tỉnh, thành phố từ Trung ương cũng như các trường đại học được huy động về hỗ trợ cho những điểm nóng trong một thời gian rất ngắn.

Chúng ta cũng đã triển khai các biện pháp về công nghệ để có thể tăng thêm giám sát trong vấn đề cách ly và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch tại Bắc Giang và Bắc Ninh, triển khai chương trình tiêm chủng rất chủ động, tăng số lượng tiêm chủng lên rất nhiều.

Việt Nam đã hoàn toàn chủ động trong đàm phán vaccine

Về chiến lược vaccine Việt Nam đang thực hiện, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, theo chỉ đạo tại Kết luận số 50 của Bộ Chính trị, cần để người dân tiếp cận với vaccine một cách nhanh nhất, rộng nhất. Trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các nghị quyết của Chính phủ về vấn đề tiếp cận vaccine. Trên cơ sở đó, Bộ Y tế cùng với các bộ, ngành đã phối hợp để tăng cường đàm phán với tất cả các hãng vaccine lớn, các quốc gia sản xuất vaccine.

Theo người đứng đầu ngành Y tế, Việt Nam đã hoàn toàn chủ động trong đàm phán. Cụ thể, từ 1 năm trước, Bộ Y tế đã thực hiện gần 200 cuộc đàm phán, trao đổi với các hãng và đơn vị để mua vaccine, nhập vaccine và viện trợ vaccine. Cho đến nay, qua đàm phán, trao đổi, chúng ta đã được các nhà cung cấp, các hãng cam kết cung cấp khoảng 128,9 triệu liều để có thể đảm bảo vaccine từ nay đến cuối năm.

Bộ Y tế phấn đấu có đủ 150 triệu liều và vẫn đang tiếp tục tìm kiếm tất cả các nguồn vaccine để có thể đảm bảo cho người dân Việt Nam thực hiện miễn dịch cộng đồng, đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Nguồn: [Link nguồn]

Phấn đấu 10 - 14 ngày nữa, cơ bản khống chế xong dịch bệnh tại Bắc Giang

Bắc Giang phấn đấu trong vòng 7 - 10 ngày tới kiểm soát số ca F0 phát sinh ở các khu cách ly, từ 10 - 14 ngày nữa sẽ cơ bản...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Võ Thu ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN