Bộ trưởng Bộ Y tế: Có thể xuất hiện tiếp các biến chủng mới nguy hiểm hơn, lây nhanh, mạnh hơn
Trên thế giới, dự báo dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, chưa có khả năng kiểm soát trong năm 2021. Nguy cơ bùng phát dịch là hiện hữu, kể cả tại các quốc gia đã đạt được độ bao phủ tiêm vaccine COVID-19 cao.
Ngày 4/7, báo cáo tại cuộc họp trực tuyến giữa Thủ tướng Chính phủ với TP HCM và 7 tỉnh lân cận thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam về công tác phòng chống dịch COVID-19, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay trên thế giới, dự báo dịch bệnh còn tiếp tục diễn biến phức tạp, chưa có khả năng kiểm soát trong năm 2021.
Theo Bộ trưởng, có thể tiếp tục xuất hiện các biến chủng mới nguy hiểm hơn, lây lan nhanh hơn, mạnh hơn. Nguy cơ bùng phát dịch là hiện hữu, kể cả tại các quốc gia đã đạt được độ bao phủ tiêm chủng cao.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, hiện biến chủng mới của SARS-CoV-2 (như Delta hay Delta plus) tiếp tục ghi nhận tại nhiều quốc gia với khả năng lây lan nhanh, mạnh; là nguyên nhân của các làn sóng lây nhiễm mới... Trong đó, biến chủng Delta đã xuất hiện ở hơn 90 quốc gia, có khả năng lây nhiễm cao hơn 60% so với biến chủng Alpha (biến chủng tìm thấy lần đầu ở Anh). Biến chủng Delta plus xuất hiện ở khoảng 10 quốc gia.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long. Ảnh: TTXVN
Tại Việt Nam, tình hình dịch bệnh vẫn đang được kiểm soát về tổng thể. Tại Bắc Giang, Bắc Ninh, tình hình dịch cơ bản đã được kiểm soát và đã bắt đầu ổn định. Hưng Yên, Nghệ An, Hà Tĩnh, TP. Đà Nẵng và một số địa phương đã rất nỗ lực để nhanh chóng kiểm soát được tình hình.
Riêng tại TP.HCM và một số tỉnh miền Đông, dịch đang diễn biến nhanh, phức tạp và dự báo sẽ tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc mới do mầm bệnh đã lưu hành trong một thời gian dài tại nhiều nơi, trong đó có các khu vực có nguy cơ cao bùng phát dịch như các nhà máy, khu công nghiệp, các chợ dân sinh...
Bộ trưởng khẳng định, các địa phương đang nỗ lực, khẩn trương và đã kịp thời đưa ra các biện pháp giãn cách phù hợp để có thể sớm kiểm soát tình hình. Tuy nhiên việc triển khai biện pháp phòng, chống dịch đang gặp một số khó khăn, đã có những lúng túng, bị động khi số ca bệnh tăng nhanh trong thời gian ngắn.
Tăng cường sử dụng test kháng nguyên nhanh
Bộ trưởng lưu ý TP HCM cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hơn sự chủ động của cấp quận, huyện và xã phường, phát huy vai trò của các tổ COVID-19 trong cộng đồng và các nhà máy.
Bộ trưởng đánh giá cao TP HCM đã lập trung tâm điều hành, điều phối công tác xét nghiệm, nhưng cần lập các tổ điều phối xét nghiệm tại cấp quận, huyện để xét nghiệm nhanh hơn nữa, bởi quy mô dân số thành phố rất lớn (hơn 10 triệu người).
Giải đáp các kiến nghị từ địa phương, trong đó nhiều địa phương kiến nghị hỗ trợ thêm máy xét nghiệm Realtime RT-PCR, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định Bộ sẽ nỗ lực cao nhất để cung cấp máy cho địa phương nhanh nhất có thể.
Tuy nhiên, Bộ trưởng khuyến cáo tăng cường sử dụng test kháng nguyên nhanh, khi phát hiện ca nghi nhiễm thì xét nghiệm khẳng định bằng máy Realtime RT-PCR. Việc sử dụng test kháng nguyên nhanh trong đợt dịch này rất hiệu quả vì với biến chủng mới, lượng virus có mật độ rất lớn trong mẫu của các ca nhiễm.
Đến 12h ngày 4/7, TP HCM đã ghi nhận 5.865 ca bệnh, trở thành địa phương có số ca nhiễm cao nhất cả nước trong đợt dịch thứ 4 (từ 27/4 đến nay).
Trên cả nước, tính tới chiều nay, Việt Nam ghi nhận 19.310 ca bệnh, riêng trong đợt dịch thứ 4 này có 15.892 ca, trong đó có 4.869 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh, 51 ca tử vong.
Nguồn: [Link nguồn]
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng, việc số ca mắc COVID-19 ở TP HCM liên tục tăng nhanh trong những ngày gần...