Bộ trưởng Bộ Y tế: "Các địa phương chuẩn bị phương án cao nhất cho điều trị"
Chiều tối 7/8, Bộ trưởng Bộ Y tế ký ban hành Công điện về tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Trong công điện này, Bộ trưởng Bộ Y tế một lần nữa đề nghị các tỉnh, thành đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin phòng COVID-19.
Trong công điện nêu rõ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố quyết định đối tượng được tiêm phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu phòng, chống dịch trên địa bàn. Tổ chức tiêm chủng cho tất cả các trường hợp từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn; ưu tiên cho các địa bàn, khu vực đang có dịch và tiêm ngay cho lực lượng y tế tuyến đầu, người cao tuổi, các trường hợp có bệnh lý nền, các nhân viên đại sứ quán, lãnh sự quán các nước tại Việt Nam và lực lượng tuyến đầu về phát triển kinh tế (các nhà đầu tư, doanh nghiệp, khu công nghiệp, nhóm cung cấp dịch vụ thiết yếu, nhóm đảm bảo lưu thông, cung cấp hàng hóa thiết yếu,…).
Bộ trưởng đề nghị các địa phương huy động tối đa các lực lượng tham gia tiêm chủng bao gồm cả y tế nhà nước và tư nhân, các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh, y tế các ngành…, tổ chức tiêm ngay cho lực lượng y tế cả nhà nước, tư nhân, dược sỹ, người lao động, người làm trong các nhà máy, doanh nghiệp sản xuất thuốc, trang thiết bị, sản xuất, lưu thông ôxy…; tổ chức tiêm tại các cơ sở cố định và nhiều điểm tiêm chủng lưu động tại các khu dân cư, cơ quan, đơn vị; chuẩn bị đầy đủ hệ thống kho bảo quản vắc xin.
Ảnh minh họa
Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu bố trí nhân lực tiêm chủng và các bộ phận hỗ trợ làm việc toàn thời gian trong suốt thời gian tổ chức chiến dịch tiêm chủng. Không giới hạn số lượng người tiêm trong mỗi buổi tiêm chủng, phát huy tối đa năng lực của các điểm tiêm chủng. "Thực hiện tiêm cuốn chiếu, khu vực nào xong khu vực đó để tạo ra vùng xanh an toàn trong khu vực đang bùng phát dịch", Công điện nêu rõ.
Tại các khu phong tỏa, chính quyền địa phương căn cứ số lượng người dân để bố trí các điểm tiêm chủng cố định hoặc lưu động phù hợp, tránh để người dân phải di chuyển đến các khu vực khác khi tham gia tiêm chủng. Tiếp tục đẩy mạnh việc áp dụng nền tảng Hồ sơ sức khỏe điện tử để quản lý và theo dõi tiến độ tiêm chủng.
Chuẩn bị phương án cao nhất cho điều trị
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu các địa phương chuẩn bị các phương án cao nhất có thể cho điều trị, bảo đảm đầy đủ ôxy, máy thở, giường cấp cứu và các vật tư, trang thiết bị cần thiết khác trong thời gian sớm nhất.
Các địa phương cũng thiết lập và chuẩn bị sẵn sàng đưa vào sử dụng nhanh nhất các cơ sở thu dung, điều trị theo mô hình tháp 3 tầng của Bộ Y tế, theo tiến triển và mức độ lâm sàng của người bệnh: Nhóm người bệnh nhẹ, không triệu chứng; nhóm người bệnh mức độ trung bình, có triệu chứng và nhóm bệnh nhân nặng, nguy kịch.
Với các địa phương có số lượng người bệnh và nhu cầu điều trị tăng cao, Bộ trưởng Y tế đề nghị UBND các tỉnh xem xét cho xuất viện sớm với trường hợp mắc COVID-19 không có triệu chứng đang được chăm sóc, điều trị tại các cơ sở y tế.
Cụ thể, nhóm đối tượng này có thể xuất viện vào ngày thứ 7 khi xét nghiệm RT-PCR âm tính hoặc có hoặc tải lượng virus thấp (giá trị CT ≥ 30). Các bệnh nhân tiếp tục theo dõi, giám sát y tế tại nhà, nơi lưu trú. Với ca bệnh dương tính phát hiện tại cộng đồng không có triệu chứng lâm sàng, nếu có tải lượng virus thấp thì không cần thiết đưa vào cơ sở y tế mà chỉ theo dõi y tế tại nhà.
Đối với các địa phương có nhiều người nhiễm, được áp dụng cách ly y tế tại nhà đối với các trường hợp nhiễm. Địa phương chịu trách nhiệm tổ chức các tổ công tác y tế, các tổ tư vấn, tổng đài tư vấn để giúp đỡ, chăm sóc người bệnh và kịp thời chuyển đến cơ sở y tế kịp thời khi có dấu hiệu chuyển nặng. Các địa phương chịu trách nhiệm tổ chức công tác khám chữa bệnh bảo đảm chăm sóc y tế cho mỗi người dân khi có nhu cầu ở mọi lúc, mọi nơi.
Đêm 7/8, BVĐK Hà Đông (Hà Nội) cho biết, đã có kết quả xét nghiệm RT-PCR của toàn bộ 600 bệnh nhân, người nhà bệnh nhân,...
Nguồn: [Link nguồn]