Bố mẹ hoảng hốt khi thấy vùng kín của con phì đại, thâm đen

Thấy con thường kêu đau, vùng kín bị phình to hơn bình thường nên gia đình đắp thuốc vì nghĩ bị con gì đốt. Đến khi đau không chịu nổi anh chị mới đưa con đi viện, bác sĩ chẩn đoán thoát vị bẹn.

Bố mẹ hoảng hốt khi thấy vùng kín của con phì đại, thâm đen - 1

Hình ảnh minh họa thoát vị bẹn ở nam

Căn bệnh thoát vị vùng kín

Cháu Nguyễn Thanh L. trú tại Vân Hồ, Sơn La bị dị tật thoát vị bẹn nhưng gia đình không biết. 3 tuổi, bố mẹ bé L. thấy con có một bên vùng bẹn to bất thường. Họ đi mua thuốc lá về đắp cho con nhưng càng đắp chỗ bị thương tổn càng to.

Khi bé L. bị đau quá, không đi được, gia đình mới đưa bé đến bệnh viện khám. Các bác sĩ chẩn đoán bé bị thoát vị bẹn.

Trường hợp của bé Nguyễn Văn Th, trú tại Yên Phong, Bắc Ninh cũng tương tự. Bé Th. 13 tuổi, phát hiện 1 bên bìu to bất thường nhưng bé xấu hổ, giấu gia đình. Đến khi thoát vị ngày càng to, đau không đi được, Th mới nói với mẹ. Khi nhìn thấy bên vùng bìu của con to và chảy sệ, đen sẫm bố mẹ bé Th đã vô cùng hoảng hốt.

Bố mẹ đưa bé đến bệnh viện khám, các bác sĩ chẩn đoán thoát vị bẹn phải phẫu thuật gấp. Khi phẫu thuật, khối thoát vị đã chuyển màu tím ngắt đang chuyển sang hoại tử vì bị nghẹt ống thoát vị.

Hiện nay thoát vị bẹn, bìu là một trong dị tật bẩm sinh vùng kín ở cả bé trai và bé gái. 

Theo thạc sĩ Nguyễn Đình Liên, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, bình thường, khi trẻ sinh ra, một túi nhỏ thông từ khoang bụng ra lỗ bẹn sẽ được bít lại, nhưng vì lý do nào đó, túi thoát vị này không được bít sẽ khiến các cơ quan trong ổ bụng như ruột chui xuống dưới và tạo nên một khối phồng ở vùng bẹn, thường là trên xương mu, khiến một bên môi lớn to, bên kia nhỏ ở bé gái, hay ở bìu nếu là trẻ trai. Đây là hiện tượng thoát vị bẹn. 

Biến chứng kinh hoàng 

Thạc sĩ Liên cho biết, để điều trị bệnh này, phẫu thuật là phương pháp duy nhất. Nếu không được mổ kịp thời, có thể xảy ra hiện tượng ruột, buồng trứng chui xuống bên dưới bị nghẹt và hoại tử.

Đau tức vùng bẹn bìu, vùng bụng do tạng dính, gấp: Ruột non, mạc nối, vòi trứng, buồng trứng,… có thể dính vào túi thoát vị gây co kéo, xoắn vặn các tạng này nếu có những hoạt động gắng sức bất thường.

Thoát vị bẹn nếu không phát hiện xử lý có thể dẫn đến nhiều biến chứng. Thạc sĩ Liên cho biết, khi bị thoát vị sẽ thay đổi giải phẫu vùng bẹn – bìu. Lỗ thoát vị theo thời gian giãn rộng dần, các tạng di chuyển xuống càng nhiều sẽ làm cho khối thoát vị ở vùng bẹn bìu to ra, đi xuống dưới. Vùng bẹn bìu 2 bên mất cân đối, mất thẩm mỹ.

Những người bị thoát vị bẹn thường bị ảnh hưởng về tâm lý như rối loạn tâm lý: Stress, thiếu tự tin…

Trẻ em ở độ tuổi có nhận thức trong giao tiếp xã hội cho đến tuổi trưởng thành đều có rối loạn tâm lý từ nhẹ tới nặng. Trẻ sẽ rất ngại tham gia hoạt động nhóm như tập bơi, tập chạy… cùng các bạn. Người lớn càng hay gặp stress do lo lắng về các biến chứng của bệnh khi họ tìm hiểu về bệnh qua báo chí, bác sĩ tư vấn…

Ở người lớn, khối thoát vị càng to, sự hạn chế trong sinh hoạt từ mặc quần áo, quan hệ vợ chồng, lao động.... 

Mặt khác, khi bệnh nhân tham gia các hoạt động gắng sức mạnh sẽ có thể gặp biến chứng chấn thương tạng trong túi thoát vị.

Điều các bác sĩ lo lắng nhất đó là biến chứng nghẹt, hoại tử tạng. Đây là biến chứng đáng sợ nếu như các tạng chui xuống bao thoát vị mà bị cổ bao thoát vị bóp nghẹt gây ra sự thiếu máu tạng. Hậu quả là các tạng sẽ bị hoại tử gây rối loạn toàn thân tùy thuộc vào tạng bị thắt nghẹt. Như ruột non hay đại tràng bị nghẹt, hoại tử sẽ gây bệnh cảnh tắc ruột, viêm phúc mạc, nhiễm trùng nhiễm độc toàn thân.Với biến chứng này có thể gây tử vong cho người bệnh. 

Bác sĩ Liên cho biết, khi có sự bất thường vùng bẹn bìu nên đi khám để được chẩn đoán và điều trị sớm. Khi bác sĩ chẩn đoán thoát vị bẹn – bìu, bệnh nhân cần đến các trung tâm phẫu thuật để được tư vấn, lựa chọn phương pháp phẫu thuật càng sớm càng tốt, tránh các biến chứng không mong muốn nêu trên.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Khánh Ngọc (Infonet)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN