Biến chủng mới XE: Đã xuất hiện từ tháng 1, vẫn là Omicron

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, chưa chắc XE - virus tái tổ hợp giữa 2 biến chủng phụ của Omicron - lây lan nhanh hơn BA.2 khi nó đã xuất hiện ở Anh 2,5 tháng mà vẫn chưa thể lấn át.

Tuyên bố mới của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về XE - một kiểu biến chủng phụ của Omicron - được tạo ra dựa trên sự tái tổ hợp 2 chủng phổ biến là BA.1 và BA.2 đã gây chú ý và lập tức nó được quan tâm như một biến chủng mới, nhất là sau khi tuyên bố của WHO cho hay khả năng lây truyền của XE cao hơn BA.2 10%.

Tuy nhiên, theo Cục An ninh Y tế Vương Quốc Anh (UKHSCA), XE thật ra đã xuất hiện từ ngày 19-1 và từ đó cho đến ngày 2-3, có 637 trường hợp mới được báo cáo ở Anh.

XE là kết quả tái tổ hợp của 2 biến chủng phụ BA.1 và BA.2 của SARS-CoV-2 (Ảnh minh họa từ Internet)

XE là kết quả tái tổ hợp của 2 biến chủng phụ BA.1 và BA.2 của SARS-CoV-2 (Ảnh minh họa từ Internet)

NDTV cho hay Vương Quốc Anh đã trải qua mức tăng kỷ lục về số ca mắc Covid-19 trong những ngày qua. Theo Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh, cứ 13 người thì có 1 người nhiễm virus trong tuần lễ trước ngày 27-3. Tuy nhiên, XE được tìm thấy trong ít hơn 1% tổng số trường hợp được giải trình tự.

Theo WHO, XE vẫn được coi là thuộc về Omicron ít nhất là cho đến khi tìm thấy sự khác biệt đáng kể về đặc điểm lây truyền và bệnh tật.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh (cố vấn khối Nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 1, Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP HCM) phân tích rằng lý do WHO bàn đến XE là vì nhận thấy nó có thể lây lan nhanh hơn. Tuy nhiên, tuyên bố cũng cho rằng cần xem xét thêm, bởi ngay cả việc lây lan nhanh hơn này cũng chưa chắc.

"XE đã xuất hiện từ tháng 1 nhưng vẫn không chiếm được ưu thế trong cộng đồng ở Anh, như vậy không chắc nó lây lan nhanh hơn vì cái nào lây nhanh hơn, cái đó sẽ lấn át, như Omicron nhanh chóng lấn át Delta và BA.2 cũng nhanh chóng lấn át BA.1. Nhưng dù nó có lây nhanh hơn mà không gây bệnh nặng hơn thì không có vấn đề gì" - ông nói.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh cũng cho biết hiện tượng virus tái tổ hợp, đột biến để tạo nên những nhánh phụ của một biến chủng không có gì mới. Ngay cả Delta thật ra cũng có nhiều nhánh phụ, nhưng người ta không bàn vì không thấy khác biệt về mặt lây truyền hay độc lực.

Omicron thật ra đã có BA.3, nhưng sau này cũng không bàn nữa vì nó không lấn át được các biến chủng phụ trước đó và cũng không cho thấy sẽ có nguy cơ gây bệnh nặng hơn.

"Ngoài ra, việc trong cộng đồng đã có nhiều người vừa có miễn dịch từ vắc-xin, vừa có miễn dịch vì đã là F0 khỏi bệnh sẽ giúp kìm hãm số ca cho dù có xuất hiện biến chủng mới hay biến chủng phụ mới. Qua các thống kê thì người nhiễm Delta rồi vẫn có thể nhiễm lại Omicron, nhưng tỉ lệ vẫn thấp hơn so với người chưa từng nhiễm; nhưng đã nhiễm BA.1 rồi thì khả năng nhiễm BA.2 cực thấp, chỉ một vài phần triệu (theo thống kê từ Đan Mạch)" - bác sĩ Khanh phân tích.

Vì vậy theo ông, không nên lo lắng trước XE. Virus không ngừng biến đổi nhưng thường là theo hướng thuần dần với con người, lây lan ngày càng nhanh nhưng bệnh ngày càng nhẹ, Omicron là một ví dụ.

Nguồn: [Link nguồn]

Cảnh giác với biến chứng đột quỵ hậu COVID-19

Sau mắc COVID-19, nguy cơ bị Hội chứng hậu COVID chiếm tỷ lệ khoảng hơn 20% bệnh nhân, bao gồm mọi lứa tuổi và giới nhưng trẻ em và phụ nữ chiếm tỷ lệ thấp hơn nam giới....

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Anh Thư ([Tên nguồn])
BS Trương Hữu Khanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN