Bị xoắn tinh hoàn do va chạm trong lúc đá bóng, bác sĩ cảnh báo chấn thương nguy hiểm này
Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam vừa tiếp nhận nam bệnh nhân 15 tuổi bị xoắn tinh hoàn với bìu trái sưng to và đau dữ dội do va chạm đá bóng.
Theo BSCKII Dương Chí Lực, Phòng kế hoạch Tổng hợp – Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam, trước khi nhập viện khoảng 5 giờ người bệnh có tham gia đá bóng và đã va chạm vào vùng mu (do bóng), sau đó về nhà thì xuất hiện đau tức nhiều ở vùng mu và vùng bìu trái nên đã được người nhà đưa đến bệnh viện.
Tại đây, người bệnh được khám, siêu âm và các bác sĩ đã chẩn đoán là xoắn tinh hoàn trái khả năng do chấn thương. Người bệnh được phẫu thuật cấp cứu, trong lúc phẫu thuật, ban đầu tinh hoàn trái có màu tím (biểu hiện thiếu máu nuôi dưỡng), phù nề và đặc biệt là phát hiện xoắn ở phần mào tinh hoàn. Tinh hoàn được tháo xoắn, chườm ấm, sau vài phút thì hồng hào trở lại ... "Sau phẫu thuật, người bệnh hết đau, sức khỏe ổn định và được xuất viện 3 ngày sau đó"- BS Lực nói.
Nam giới cần cảnh giác với xoắn tinh hoàn
Tinh hoàn là hai cơ quan sinh sản nam, gồm 2 bên bìu, có hình bầu dục, mật độ mềm, giới hạn rõ và có kích thước thay đổi theo tuổi. Đây là nơi sản xuất tinh trùng và nội tiết tố Testosterol, một hormone sinh dục nam chịu trách nhiệm về sinh lý và phát triển cơ, xương ở nam giới.
Theo BS Lực, vì tinh hoàn nằm ở bìu có tổ chức lỏng lẻo, cho nên rất dễ bị tổn thương, đặc biệt khi có tác động vật lý trực tiếp hoặc gián tiếp. Một trong những tổn thương thường gặp đó là xoắn tinh hoàn.
Hình ảnh xoắn tinh hoàn với bìu trái sưng to do va chạm đá bóng. Ảnh BSCC
Xoắn tinh hoàn thường gặp ở lứa tuổi dậy thì, khi tinh hoàn đang phát triển. Khi đó, thừng tinh bị xoắn lại, giảm hoặc ngừng vận chuyển máu đến tinh hoàn, gây sưng đau đột ngột và dữ dội. Đây là một cấp cứu ngoại khoa, nếu không được xử trí kịp thời sẽ dẫn đến tổn thương tinh hoàn không phục hồi và phải cắt bỏ.
Bên cạnh nguyên nhân chấn thương là chủ yếu, còn có một số nguyên nhân khác như: di truyền, thay đổi nhiệt độ đột ngột, thay đổi tư thế đột ngột, sự phát triển nhanh chóng của tinh hoàn ở tuổi dậy thì. Các nguyên nhân có thể kết hợp với nhau.
Cũng theo BS Lực, triệu chứng của bệnh xoắn tinh hoàn bao gồm: đau đột ngột một bên bìu kết hợp với sưng to và cao hơn bên còn lại, có thể có đau bụng, buồn nôn, tiểu lắc nhắc hay sờ được khối nề bất thường ở vùng bìu.
Chú ý thời gian vàng
Về điều trị chủ yếu là phẫu thuật để tháo xoắn hoặc cắt bỏ nếu thiếu máu không phục hồi. Thường thì xoắn tinh hoàn quá 6 giờ thì có nhiều nguy cơ phải cắt bỏ.
"Nếu phải cắt bỏ, người bệnh sẽ chịu ảnh hưởng đến khả năng sinh sản sau này bởi vì khi đó số lượng tinh trùng sẽ ít lại. Để tránh những biến chứng cũng như giảm tỷ lệ cắt tinh hoàn, đối với các trường hợp đau vùng bìu thì phải nghi ngờ đến bệnh lý xoắn tinh hoàn và tìm cách chẩn đoán xác định để xử trí ngay. "- BS Lực khuyến cáo thêm.
Hiện không có biện pháp nào phòng ngừa hữu hiệu bệnh lý xoắn tinh hoàn. Khi hoạt động thể dục, thể thao, cần phải mặc đồ bảo hộ... mà điều quan trọng là phải tránh các tác động trực tiếp hay gián tiếp vào vùng bẹn, bìu. Bệnh xoắn tinh hoàn đôi khi xuất hiện muộn với mức độ tăng dần, cho nên cần cảnh giác với các chấn thương vùng bìu, cho dù là chấn thương nhẹ, đặc biệt ở các lứa tuổi dậy thì.
Xoắn tinh hoàn là một bệnh lý tối cấp cứu, nếu không xử lý sớm thì nguy cơ cao phải cắt bỏ tinh hoàn, ảnh hưởng một phần tới khả năng sinh sản của nam giới.
Nguồn: [Link nguồn]
-24/02/2025 14:26 PM (GMT+7)