Bị mèo cắn vào tay, người đàn ông nguy kịch
Sau 1 tuần cắn vào tay người đàn ông, con mèo lăn ra chết. Bệnh nhân cũng phải nhập viện sau 1 tháng với chẩn đoán theo dõi bệnh dại
Ngày 6-10, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết các bác sĩ vừa tiếp nhận 1 bệnh nhân nam (35 tuổi, ở Thái Nguyên), được chuyển đến với chẩn đoán theo dõi bệnh dại.
Khai thác tiền sử được biết bệnh nhân vốn khỏe mạnh, làm nghề thợ xây. Cách thời điểm vào viện 1 tháng, bệnh nhân bị mèo cắn vào tay nhưng không nhớ vị trí cắn. Sau 1 tuần con mèo chết, bệnh nhân cũng không tiêm phòng dại.
Bệnh nhân vẫn trong tình trạng hôn mê, đã được an thần, thở máy. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Hai ngày trước khi vào viện, bệnh nhân xuất hiện đau nhức người, đau cột sống thắt lưng. Sau khi tắm xong, bệnh nhân có biểu hiện kích thích, bồn chồn, tức ngực, khó thở, sợ gió, sợ nước, tăng tiết đờm dãi, khạc nhổ nhiều lần.
Bệnh nhân được chuyển đến Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng kích thích, bồn chồn, vật vã, sợ nước, sợ gió, tăng tiết, khạc nhổ thường xuyên, không ăn không uống được.
Các bác sĩ chẩn đoán theo dõi bệnh dại thể hung dữ. Sau 2 ngày nhập viện, bệnh nhân vẫn hôn mê, phải thở máy. Hiện bệnh nhân đã có kết quả khẳng định mắc bệnh dại.
Bác sĩ Bùi Thị Thúy, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra. Virus gây bệnh dại có thể lây qua các vết thương hở, hoặc bị chó mèo cào, cắn, liếm... Bệnh dại đến nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, khi lên cơn dại tỉ lệ tử vong là 100%.
Các bác sĩ cũng cho biết người bị mắc bệnh dại có 2 thể bệnh lâm sàng là thể hung dữ và thể liệt. Với thể hung dữ thường biểu hiện triệu chứng gào thét, tăng cảm giác của các giác quan, sợ gió, sợ nước nên thường được gọi là bệnh sợ nước, bị hoang tưởng, đập phá, co thắt thanh quản... Với thể liệt bệnh nhân thường nằm im lìm, hay có liệt hướng lên, liệt hô hấp.
Để phòng bệnh dại, bác sĩ khuyến cáo người bị chó, mèo cắn cần phải xử lý ngay vết thương bằng cách rửa thật sạch với nước xà phòng, sát khuẩn vết thương bằng cồn iod để chống bội nhiễm và giảm đến mức tối đa số lượng virus dại xâm nhập vào người… sau đó đến trung tâm y tế gần nhất để được bác sĩ tư vấn về liệu trình điều trị dự phòng; tuyệt đối không được điều trị bằng thuốc nam. Những trường hợp bị chó mèo cắn, tiếp xúc với chó mèo qua vết thương hở trên da cần tiêm phòng dại sớm nhất có thể.
Đối với chó nuôi đã được tiêm phòng dại hàng năm, cần theo dõi con vật trong vòng 14 ngày. Đối với chó, mèo không tiêm phòng dại, khi nghi mắc bệnh dại mà đã cắn, cào người phải nhốt theo dõi trong 90 ngày; trong trường hợp chưa cắn, cào người phải tiêu hủy.
Bị mèo cắn, nhưng anh Đ. chỉ xử lý vết thương bằng nước lã, không tiêm huyết thanh kháng dại và vắc xin dại vì điều kiện gia đình khó khăn và đã tử vong sau 3 tháng.
Nguồn: [Link nguồn]