Bị liệt, mù vì ký sinh trùng ẩn trong kính áp tròng
Một người phụ nữ 38 tuổi đã bị mù, hói và liệt do một loại ký sinh trùng tên là acanthamoeba keratitis (AK) ẩn trong kính áp tròng.
Nạn nhân là bà Claire Wilkinson sống tại Brisbane, Úc, đã bị nhiễm ký sinh trùng này trong 10 năm khiến bà không thể đi ra nơi sáng, buộc phải đeo kính râm và buộc khăn lên đầu khi ra ngoài. Không những thế, bàn chân bà cũng bị sưng to gấp đôi bàn chân của người bình thường.
Ngay khi phát hiện ra bị nhiễm ký sinh trùng AK, bà Claire Wilkinson đã điều trị nhưng các phương pháp chữa trị không thể tiêu diệt được loại ký sinh trùng sống trong mắt bà, thậm chí còn gây loét ở mắt trái. Sau đó, một ca phẫu thuật não đã khiến bà đột quỵ, việc ghép giác mạc cũng không thành công. Kinh hoàng hơn, bà thậm chí còn kể lại rằng có thể cảm giác được con ký sinh trùng này hoạt động trong mắt mình.
Trước đó, vào khoảng tháng 2-2007, bà Claire Wilkinson đeo kính áp tròng như thường lệ. Nhưng 30 phút sau, bà bắt đầu thấy đau đớn không chịu nổi ở mắt trái. Từ đó, ngay cả tia sáng nhỏ nhất cũng khiến bà bị sang chấn.
Ban đầu, bác sĩ địa phương chẩn đoán bà bị viêm mắt thông thường. Nhưng tối hôm ấy, bà cảm thấy như có gì đó bò qua bò lại trong mắt. Bốn ngày sau, bà đi khám tại chuyên khoa mắt bệnh viện Princess Alexandra, các bác sĩ cạo 1 lớp giác mạc của bà và xác định bà bị nhiễm ký sinh trùng AK-một loại vi sinh vật thường gặp trong tự nhiên và có trong các nguồn nước tự nhiên lẫn nước máy.
Vì bị ký sinh trùng ăn vào trong mắt, bà bị đau dây thần kinh sinh ba và đã phải phẫu thuật não vào năm 2011 để cắt dây thần kinh. Điều này dẫn tới bà mất đi cảm giác ở vùng mặt. Khoảng một tháng sau phẫu thuật, bà bị liệt. Năm 2012, bà được điều trị vật lý trị liệu để đi lại nhưng tóc bị rụng hết, chân sưng lên.
Theo bác sĩ tư vấn nhãn khoa Parwez Hossain của Bệnh viện đa khoa Southampton, mọi người thường ít ý thức về sự nguy hiểm khi dùng kính sát tròng đi bơi, đi tắm. Các trường hợp nhiễm trùng qua kính sát tròng đang gia tăng do nhiều bệnh nhân bị viêm mắt vì rửa kính bằng nước máy hay đeo kính sát tròng đi bơi. Vệ sinh kính sát tròng kém, không thay kính thường xuyên cũng gây tác hại tương tự.
1 phụ nữ 67 tuổi người Anh có tới 27 kính áp tròng nằm trong mắt mà không hề hay biết cho tới khi bác sỹ phát hiện ra.