Bị đái tháo đường có nên uống thuốc Đông y
Theo các chuyên gia nội tiết thuốc Đông y, thuốc lá đều không có tác dụng nhiều trong điều trị tiểu đường mà cần thiết phải được bác sĩ kê đơn, theo dõi đường huyết bằng tây y.
Bệnh nặng thêm vì thuốc đông y
Ông Nguyễn Thanh Cẩn trú tại Hưng Hà, Thái Bình sau khi được bác sĩ chẩn đoán tiểu đường tuýp 2. Ông Cẩn cảm thấy hoang mang. Ông được người thân đưa về nhà uống thuốc bác sĩ kê đơn. Hết đơn thuốc, ông Cẩn đi cắt thuốc nam về uống với hi vọng bệnh kiểm soát. Tuy nhiên, đường huyết trong máu không giảm mà lúc nào cũng cao. Khi đói ông Cẩn đo đường huyết đã lên đến 10mmol/l. Điều đó khiến ông lúc nào cũng mệt mỏi.
Suy thận nhanh vì bị tiểu đường không điều trị đúng cách.
Bệnh nhân đến khám trong tình trạng mệt mỏi, mất ngủ triền miên. Chân tay tê bì. Bác sĩ cho biết đây là biến chứng của tiểu đường vì kiểm soát đường huyết không tốt. Ông Cẩn may mắn là đã đi khám và dừng uống thuốc đông y luôn để quay về điều trị tây y.
Trường hợp của bà Vũ Thị Hòa trú tại Lục Nam, Bắc Giang. Bà Hòa cho biết khi nghe bác sĩ thông báo tiểu đường, bà suy sụp hoàn toàn vì cách đây 10 năm hai đứa cháu gái con anh ruột bà Hòa đã qua đời vì biến chứng của tiểu đường mà không biết. Đến khi mình bị bệnh, bà cứ nghĩ là án tử nên có bệnh vái tứ phương.
Bà uống cả thuốc tây nhưng bệnh không giảm nên quay về cắt thuốc đông y uống. Kết quả dẫn đến suy thận do đường huyết tăng cao. Suy thận, tiểu đường, bà nghĩ cuộc sống của bà trở nên vô nghĩa. Không chỉ mệt mỏi vì tuần chạy thận 3 lần, bà Hòa còn mắc thêm nhiều bệnh nhiễm trùng cơ hội khác. Gương mặt gày gò khắc khổ sau ca chạy thận chu kỳ, bà Hòa chỉ còn biết tự trách mình.
“Lúc tôi đến khám, bác sĩ đã mắng vì đi uống thuốc đông y mà không kiểm soát đường huyết bằng tiêm insulin hay uống thuốc tây y. Từ chỗ sợ bệnh nặng thêm chạy chữa khắp nơi giờ bệnh đã nặng hơn thật. Những người cùng phát hiện ra mắc tiểu đường cùng năm với tôi nhiều người vẫn khỏe lắm, họ sinh hoạt bình thường” – bà Hòa nói.
Nhiều lý do không nên chữa tiểu đường từ đông y
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Huy Cường – nguyên bác sĩ khoa Đái tháo đường, Bệnh viện Nội tiết trung ương cho biết bệnh đái tháo đường là bệnh mãn tính và không thể chữa khỏi được. Bệnh nhân điều trị giảm đường huyết và tránh các biến chứng của bệnh.
Bản chất của bệnh đái tháo đường là bệnh rối loạn chuyển hoá do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên. Khi chẩn đoán tiểu đường, việc đầu tiên là điều trị kiểm soát đường huyết vì đặc trưng của bệnh là tăng đường máu mạn tính cùng với rối loạn chuyển hoá carbonhydrate (chất đường), lipide (chất béo), proteine (chất đạm) do thiếu insuline có kèm hoặc không kèm kháng insuline với các mức độ khác nhau. Hệ quả của tăng đường máu mạn tính là tổn thương nhiều cơ quan như: mắt, thận, thần kinh.
Qua khảo sát của bác sĩ Cường tại phòng khám nội tiết số 1, ngõ 133 Thái Hà, Hà Nội: chỉ có 10% bệnh nhân nhận là đang điều trị bệnh tiểu đường bằng Đông y. Ngay cả nước ngay cạnh chúng ta là Trung Quốc – vốn rất giỏi về Đông dược cũng phải nhập khẩu rất nhiều thuốc Tây y điều trị cho bệnh nhân tiểu đường của họ.
Bác sĩ Cường cho biết nếu nói rằng thuốc Đông y không có tác dụng phụ thì không đúng. Mọi người đều biết câu: 'Phúc thống phục nhân sâm-tắc tử’. Nhân sâm là loại thuốc quý hiếm, có thể hồi sinh sức khỏe rất lớn, vậy mà dùng không đúng lúc, đúng cách cũng có thể gây chết người như thường vì thế không phải vị thuốc nào trong đông y cũng hợp với bệnh nhân tiểu đường.
Thêm một lý do nữa rằng nguồn thuốc Đông dược hiện không còn nhiều vì đã bị nạn phá rừng và ô nhiễm môi trường hủy hoại nghiêm trọng khiến cho thuốc tốt hiện không còn nhiều và khai thác trở nên khó khăn.
Bác sĩ Cường còn cho biết thêm lý do cuối cùng rằng bệnh nhân tiểu đường Âu, Mỹ, Úc sống rất thọ với bệnh tiểu đường. Hiện bệnh nhân sống 30-40 năm với bệnh tiểu đường của họ là chuyện bình thường vì họ không có truyền thống dùng Đông dược nên việc điều trị bệnh tiểu đường dựa vào thuốc Tây y. Còn người Việt hay dùng thuốc tự do dẫn đến bệnh đái tháo đường gây ra các biến chứng gây ảnh hưởng đến sức khỏe, giảm tuổi thọ.