Bị chó dại cắn: Lên cơn là hết cứu
Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, chưa có thuốc đặc trị và khi đã lên cơn dại thì vô phương cứu chữa.
Chưa đầy 10 giờ sau khi nhập viện, các bác sĩ (BS) đành chấp thuận lời xin về của gia đình bệnh nhân N.T.B, 43 tuổi, ở huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên.
Những cái chết bất ngờ
Mặc dù lên cơn dại nhưng bệnh nhân B. vẫn tỉnh táo trả lời mọi câu hỏi của BS về tình trạng bệnh và tình huống bị chó dại tấn công. Theo bệnh nhân B., cách đây khoảng 1 tháng, thấy con chó lạ vào nhà cắn đàn gà, chị B. chạy theo đánh đuổi khiến con chó tức giận cắn vào tay và cổ chị. Sau đó, con chó chạy mất, còn chị cũng quên bẵng việc bị chó cắn vì vết thương nhỏ và cũng nhanh lành.
Thế nhưng, mấy ngày gần đây, chị lên cơn dại với biểu hiện sợ nước, sợ gió, người mệt mỏi, nói đứt quãng, khó thở mặc dù ý thức hoàn toàn tỉnh táo. Tối 10-9, chị B. được chuyển đến Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới Trung ương nhưng sáng 11-9, người nhà đã xin BV cho chị về để đưa đến nhà một thầy lang với hy vọng sẽ chữa khỏi bệnh. Tuy nhiên, theo tiên lượng của các BS, việc cứu sống bệnh nhân này là không thể, sự sống chỉ còn tính bằng giờ vì lúc này virus dại đã tấn công vào não.
Bệnh nhân N.T.B vật vã với cơn dại sau 1 tháng bị chó cắn
Đây là trường hợp thứ 3 mắc bệnh dại được chuyển đến BV Bệnh nhiệt đới Trung ương trong khoảng 1 tháng qua. Trước đó, bé trai T.H.N, 5 tuổi, ở tỉnh Phú Thọ, cũng đã tử vong sau 2 ngày vật vã với cơn dại. Người nhà bệnh nhân cho biết trong lúc chơi đùa, cả hai anh em bé N. bị chó cắn nhưng về nhà lại không kể cho bố mẹ. Hơn 1 tháng sau, bé N. trở nên sợ gió, sợ nước, khó thở, có tiếng thở rít… Lúc này, anh trai bé N. mới kể chuyện 2 anh em bị chó cắn. Nghe vậy, bố mẹ bé N. vội vàng đưa con trai đến BV Bệnh nhiệt đới Trung ương nhưng cậu bé đã không qua khỏi.
Theo BS Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng Khoa Cấp cứu BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, hầu hết những trường hợp tử vong vì bệnh dại là do không tiêm phòng sau khi bị chó cắn. “Đáng nói là nhiều trường hợp nghĩ là chó nhà nuôi cắn thì không sao và trước đó con chó cũng không có biểu hiện gì đặc biệt nên nhiều người đã chủ quan không tiêm phòng. Chỉ đến khi bất ngờ lên cơn dại mới vội vàng tiêm vắc-xin phòng bệnh thì đã quá muộn. Lúc này, virus bệnh dại đã lên não và phát bệnh thì không có thuốc nào chữa được”- BS Cấp cho biết.
Nguy cơ bệnh dại lan rộng
Theo Cục Y tế dự phòng, trong 8 tháng năm 2013, cả nước đã có hơn 175.000 người bị chó cắn phải điều trị dự phòng, trong đó 64 người tử vong. GS-TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho biết nguy cơ bùng phát bệnh dại là rất lớn. “Hiện tại, ở nhiều tỉnh, thành, nhất là khu vực phía Bắc, xuất hiện tình trạng chó hoang mắc dại hoặc nghi nhiễm bệnh dại tấn công người. Kết quả xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm cho thấy virus dại lưu hành trên đàn chó rất cao. Một số mẫu xét nghiệm lấy tại lò giết mổ chó cũng có kết quả dương tính với virus dại” - ông Hiển lo ngại.
Tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, từ đầu năm đến nay đã tiếp nhận tới gần 20 trường hợp bị virus dại tấn công. BS Nguyễn Hồng Hà, Phó Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho biết thông thường bệnh nhân bị virus dại tấn công sau 3-4 tuần mới có biểu hiện bệnh nhưng cũng có trường hợp ủ bệnh sau nhiều tháng, thậm chí nhiều năm sau mới lên cơn dại và khi đã lên cơn dại thì không có cách gì cứu chữa.
BS Nguyễn Trung Cấp khuyến cáo: Khi bị chó trưởng thành cắn, cần theo dõi chặt chẽ con chó, sau 10 ngày nếu chó vẫn bình thường thì không cần thiết tiêm vắc-xin. Tuy nhiên, với chó, mèo nhỏ cắn và bị cắn ở một số vị trí như cổ, đầu, mặt, đầu chi, bộ phận sinh dục thì phải tiêm phòng trong thời gian sớm nhất bởi vị trí càng gần thần kinh trung ương càng nhanh phát bệnh. “Đáng nói là nhiều người dù hoang mang, sợ hãi sau khi bị chó dại cắn, họ vẫn không chịu đi tiêm phòng mà tìm đến các thầy lang và các cơ sở đông y điều trị. Thực tế ở Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào khi đã lên cơn dại mà được chữa khỏi bởi các bài thuốc đông y cũng như tây y” - BS Cấp khẳng định.
Xử lý khi bị chó, mèo cắn Với những trường hợp bị chó, mèo nghi dại cắn, cần rửa vết thương dưới vòi nước sạch từ 10-15 phút. Sau đó rửa tay bằng các chất sát trùng như xà phòng, cồn hoặc bêtadin. Đưa ngay bệnh nhân đến các cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm phòng vắc-xin dại. Hiện tỉ lệ tiêm phòng bệnh dại cho đàn chó rất thấp, nhiều nơi chỉ đạt khoảng 30%, tại các tỉnh miền núi và trung du chỉ đạt khoảng 10%, thậm chí có tỉnh chưa tiêm phòng bệnh dại. |