Bị chó dại cắn: “Không được tự ý chữa bằng thuốc nam“

Để tránh “bệnh dại lên cơn”, người bị chó, mèo cắn phải đến ngay cơ sở y tế để được hướng dẫn điều trị. “Người dân không được tự chữa dại bằng thuốc nam", ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết.

Tại cuộc giao ban báo chí Thành uỷ Hà Nội chiều 12.5, báo giới phản ánh đến lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội về việc người nuôi, thả rông, dắt chó đi chơi... dẫn đến chuyện người đi đường bị chó cắn. Nhiều trường hợp đã tử vong vì chó dại cắn.

Bị chó dại cắn: “Không được tự ý chữa bằng thuốc nam“ - 1

Nhiều trường hợp đã tử vong vì chó dại cắn. (Ảnh minh họa)

Trước báo giới, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội xác nhận, trong năm 2014 Hà Nội có 5 người chết vì bệnh dại. Đây là bệnh xuất phát từ chó mèo bị dại cắn người, làm virut dại trong nước bọt của chúng truyền sang người.

“Nếu ai đã từng chứng kiến triệu chứng bệnh dại có lẽ không bao giờ có thể quên. Bệnh nhân sợ ánh sáng, nên chỉ cần mở cửa thôi là họ co thắt rúm lại. Bệnh nhân cũng sợ nước, chỉ cần trông thấy thìa nước là họ sợ run bắn người lên”.

“Người bị bệnh dại biết mình sẽ chết, họ tỉnh táo cho đến lúc chết. Quả thật là rất đáng thương”, ông Hạnh chia sẻ về những trường hợp ông chứng kiến trong 20 năm làm bác sỹ.

Theo Phó giám đốc Sở Y tế, hiện nay, nếu người bị chó dại cắn “lên cơn dại” thì y học không thể chữa nổi. Để tránh “bệnh dại lên cơn”, người bị chó, mèo cắn phải đến ngay cơ sở y tế để được hướng dẫn điều trị.

“Người dân không được tự chữa dại bằng thuốc nam. Trong 5 trường hợp tử vong vì chó dại cắn vừa qua đều tự chữa thuốc nam”. 

Cũng theo lãnh đạo Sở y tế Hà Nội, những ngày qua, chó dại đang xuất hiện nhiều tại địa bàn tỉnh Thái Nguyên (giáp với địa bàn Hà Nội). Sở Y tế và sở NN và PTNT Hà Nội đang phối hợp quản lý đàn chó và tiêm vắc xin. Ông Hạnh nhấn mạnh nguyên tắc, “không có dại ở chó mèo thì không có dại ở người”.

Ông cho biết thêm, cùng với Sở Y tế, các đơn chức năng cũng đã thực hiện Nghị định 05 của Chính phủ về phòng chống bệnh dại trên động vật, trong đó quy định không được thả rông chó và phải được tiêm phòng bệnh dại. 

Ví dụ, năm 2014, Sở Y tế phối hợp với huyện Sóc Sơn, Hà Nội thành lập một tổ để diệt chó không có chủ.

Cũng tại buổi họp báo, phóng viên phản ánh, thời gian qua có thông tin rằng, người có thể bị bệnh dại từ ăn thịt chó dại.

Trước vấn đề này, ông Hoàng Đức Hạnh cho rằng, đến thời điểm hiện tại, chưa có bằng chứng, nghiên cứu nào nói ăn thịt chó mà bị dại. Do vậy, những người ăn thịt chó cũng không nên lo lắng lắm về chuện ăn thịt chó bị bệnh dại.

Theo nghị định về phòng, chống bệnh dại ở động vật của Chính phủ, chủ nuôi chó phải thực hiện các quy định sau đây: Đăng ký việc nuôi chó với Ủy ban nhân dân cấp xã tại các đô thị, nơi đông dân cư.

Xích, nhốt hoặc giữ chó; đảm bảo vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng tới người xung quanh. Ở nơi công cộng, nơi đông dân cư, khu đô thị khi đưa chó ra ngoài, phải nhốt, giữ chó trong chuồng, cũi hoặc phải rọ mõm và có người dắt.

Nghị định cũng cấm thả rông chó ở những nơi công cộng, nơi đông dân cư, khu đô thị. Tất cả chó, mèo trong diện tiêm phòng bắt buộc phải được tiêm vắc xin phòng bệnh dại theo quy định của cơ quan thú y.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Công Thọ ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN