Bị cảm lạnh trong dịp Lễ Tết, tham khảo 6 loại đồ uống giúp bạn mau khỏi
Bạn có thể bảo vệ cơ thể chống lại cảm cúm và cảm lạnh vào mùa đông bằng cách nâng cao sức đề kháng, tăng cường hoạt động của hệ miễn dịch. Có nhiều loại thực phẩm nên bổ sung vào chế độ ăn hàng ngày để mang lại sức khỏe tốt, đặc biệt trong những tháng mùa đông - xuân thời tiết thay đổi thất thường.
Vào mùa đông xuân, nhiệt độ thấp kèm theo khí hậu hanh khô hoặc ẩm thấp thất thường tạo điều kiện cho các loại virus, vi khuẩn gây bệnh gia tăng và khiến cho nhiều người mắc các bệnh đường hô hấp, điển hình là cảm cúm và cảm lạnh,…
Cảm lạnh thông thường là tình trạng nhiễm khuẩn hô hấp trên do nhiều loại virus khác nhau gây ra nhưng virus thuộc nhóm Rhinovirus là nguyên nhân gây bệnh thường gặp nhất.
1. Triệu chứng của cảm lạnh
Theo BS. Hà Cường - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, cảm lạnh là bệnh xảy ra do nhiễm virus ở đường hô hấp trên như mũi và họng. Bệnh không quá nguy hiểm nhưng thường gây khó chịu cho người mắc.
Ai cũng có thể mắc cảm lạnh nhưng người già và trẻ nhỏ dễ mắc bệnh hơn. Hầu hết người bị cảm lạnh sẽ tự khỏi và phục hồi sau khoảng 3-7 ngày.
Một số triệu chứng điển hình của cảm lạnh mà người bệnh hay gặp phải:
- Viêm hô hấp, dẫn đến ho
- Thường xuyên hắt hơi
- Sổ mũi
- Sốt và đôi khi đau nhức toàn thân.
2. Các loại đồ uống nên dùng khi bị cảm lạnh
Bị cảm lạnh có thể khiến bạn cảm thấy khá tồi tệ. Ho, hắt hơi, nghẹt mũi và các triệu chứng khác liên quan đến bệnh tật có thể khiến ngay cả những nhiệm vụ đơn giản nhất cũng cảm thấy mệt mỏi. Đảm bảo nghỉ ngơi đầy đủ, nhớ uống đủ nước và thư giãn một chút là tất cả những điều có thể giúp bạn cảm thấy tốt hơn.
Để giảm bớt các triệu chứng như ho, sốt, nghẹt mũi… khi bị cảm lạnh, người bệnh cần được nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, ngủ đủ giấc,... Cần lưu ý cung cấp đủ nước cho cơ thể bằng các loại nước lọc, nước trái cây, nước canh ấm.
BS. Trần Thị Nga, nguyên Giảng viên chuyên khoa Dinh dưỡng Đại học Y Hà Nội
Khi bạn bị cảm lạnh, hydrat hóa là "chìa khóa" giúp cơ thể nhanh hồi phục. Nếu bạn không uống đủ nước, điều đó có thể cản trở quá trình chữa lành của cơ thể.
Tiến sĩ Peterson Pierre, tại Thousand Oaks, California, Hoa Kỳ giải thích: Mất nước cản trở khả năng chống nhiễm trùng của cơ thể bằng cách hạn chế tiết protein kháng khuẩn vào nước bọt của bạn.
Các chuyên gia luôn khuyên bạn nên uống 6-8 ly nước mỗi ngày và Tiến sĩ Pierre cho rằng điều này đặc biệt cần thiết khi bạn bị ốm. Dưới đây là một số loại đồ uống có thể giúp bạn dễ chịu và cảm thấy khỏe hơn:
- Trà khử caffeine: Hơi nóng có thể làm dịu cơn đau họng, nghẹt mũi, tức ngực và đau bụng. Ngoài ra, một tách trà ấm sẽ giúp bạn dễ chịu hơn khi bị ốm. Nếu bạn chọn một loại trà có các loại thảo mộc như gừng, hệ thống miễn dịch của bạn cũng có thể được tăng cường hơn. Để có thêm lợi ích, hãy thêm một ít mật ong vì nó có thể làm dịu cơn ho và giúp bạn ngủ ngon.
- Trà gừng: Gừng - một loại gia vị quen thuộc có trong bếp nhà bạn sẽ phát huy hiệu quả ngăn chặn những cơn cảm lạnh một cách nhanh chóng. Gừng có khả năng chống viêm cao. Gừng có tác dụng chữa các triệu chứng của cảm mạo phong hàn, ngạt mũi, nôn mửa,.. Uống trà gừng sẽ loại bỏ chất lỏng dư thừa (đờm) khỏi cổ họng do bị nhiễm lạnh.
Gừng có khả năng chống viêm, kháng khuẩn nên có thể làm dịu nhanh cơn ho, cải thiện tình trạng viêm, sưng tấy tại cổ họng...
- Nước chanh: Dù uống nóng hay lạnh, nước chanh giữ cho bạn đủ nước và giảm nghẹt mũi. Nước trái cây chứa nhiều vitamin C có tác dụng trị cảm lạnh một cách đáng ngạc nhiên. Uống nước chanh thường xuyên có thể giúp bạn nhanh khỏi bệnh hơn.
- Súp nóng: Súp và nước canh nóng cung cấp cho bạn lượng calo khi bạn không thèm ăn. Một số nghiên cứu cho thấy chúng có thể giúp giảm viêm, có thể làm giảm một số triệu chứng cảm lạnh của bạn. Các món ăn ấm sẽ giúp bạn giảm bớt chất nhầy làm giảm các triệu chứng nghẹt mũi hay đờm đặc trong cổ.
Muối từ súp hoặc nước canh sẽ khiến cơ thể bạn giữ nước nhiều hơn, giúp thoát khỏi chứng đau đầu và khô miệng. Nếu bạn không ăn thịt, hãy chọn nước dùng rau có hương vị bổ sung như tỏi, gừng, bột cayenne, nghệ và hạt tiêu đen.
Súp và nước canh nóng có thể giúp giảm viêm, làm giảm một số triệu chứng cảm lạnh.
- Mật ong: Mật ong thường được sử dụng để giúp chữa lành vết bỏng, vết cắt và vết trầy xước. Khi bạn bị cảm lạnh, nó bao phủ cổ họng của bạn và cung cấp chất chống oxy hóa giúp chống nhiễm trùng do vi khuẩn, nấm và virus. Một ly nước ấm với 1-2 thìa mật ong nguyên chất giúp giảm đau họng, làm dịu các cơn ho và là một loại đồ uống chữa cảm lạnh thông thường cực hữu ích.
- Nước ép lựu: Nước ép lựu nguyên chất là một thức uống hỗ trợ khả năng miễn dịch thông qua hoạt động kháng khuẩn và chống viêm của nó. Polyphenol là chất chống oxy hóa được tìm thấy trong nước ép lựu giúp chống lại virus và giảm thiểu các triệu chứng cảm lạnh, theo một nghiên cứu được công bố vào năm 2017 trên tạp chí Dinh dưỡng.
Nguồn: [Link nguồn]
Không nên gội đầu vào buổi sáng hay tối muộn, không gội đầu khi ăn quá no hoặc quá đói, hay sau khi uống rượu...